Tôm cá "mắc cạn", mục tiêu 10 tỷ USD đang xa vời
Cá "mắc cạn"
Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NNPTNT, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 9/2019 ước đạt 733 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt 6,23 tỷ USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2018.
Sau khi nhích nhẹ trong tháng 8/2019, giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long tháng 9/2019 trở lại xu hướng giảm do nhiều nơi tăng diện tích làm sản lượng cá tra tăng cao. Thêm vào đó là hệ quả từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã khiến đầu ra của cá tra thêm đầy khó khăn. Hiện tại, các nhà máy thu mua cá tra chỉ còn khoảng 19.000- 20.000 đồng/kg, thấp nhất trong khoảng 10 năm qua; với giá này người nuôi thua lỗ từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Theo ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, giá cá tra giảm mạnh chủ yếu do ảnh hưởng bởi đầu ra xuất khẩu chậm, nhất là xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc giảm đáng kể từ đầu năm 2019 đến nay, thị trường Mỹ cũng giảm mạnh.
Tôm cũng lao đao
Theo VASEP, trong 6 tháng đầu năm nay, ước tính xuất khẩu tôm đạt kim ngạch 1,455 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu tôm giảm 11,1%, nhưng mức giảm đã thấp hơn. Kim ngạch xuất khẩu tôm giảm là nguyên nhân chính ảnh hưởng tới xuất khẩu chung của cả ngành thủy sản. Ước tính trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản đạt 3,95 tỷ USD, giảm gần 1% so với cùng kỳ 2018.
Bà Đặng Thị Dịu – Giám đốc công ty nuôi trồng thủy sản Nam Phú Hải chia sẻ: "Khó khăn lớn nhất trong thị trường tôm là giá. Hiện tại giá tôm chỉ bằng 2/3 so với mọi năm, nguyên nhân chủ yếu do các nước không nhập khẩu".
Với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 10,5 tỷ USD, tốc độ tăng GDP 4,65% và tốc độ tăng giá trị sản xuất 4,69%, toàn ngành thủy sản nói riêng và nông nghiệp nói chung còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, 6 tháng đầu năm nay, ngành thủy sản đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm, ngành thủy sản đứng trước 3 vấn đề lớn:
Một là, Luật Thủy sản có hiệu lực thi hành từ 1/1/2019, để phát huy hiệu quả và đi vào thực tiễn đòi hỏi phải đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, tập huấn, bởi việc từ nghề cá nhân dân chuyển sang hoạt động theo khung pháp lý đầy đủ và theo đúng thông lệ quốc tế là cả một quá trình bài bản, lâu dài.
Hai là, để đạt được mục tiêu xuất khẩu 10,5 tỉ USD, đòi hỏi ngành phải nỗ lực, chủ động hơn nữa, đặc biệt là cần sự quyết tâm, đoàn kết của toàn bộ hệ thống.
Ba là, chỉ còn vài tháng nữa Hội đồng Châu Âu (EC) sẽ vào kiểm tra lại việc cải thiện xóa bỏ thẻ vàng, trong khi Việt Nam mới làm tốt và thực hiện được khung pháp luật, pháp lý, còn khâu quản lý giám sát tàu cá, truy xuất, chứng nhận nguồn gốc hải sản nếu không làm tốt có nguy cơ cao hơn cả thẻ vàng, trường hợp xấu nhất là chúng ta sẽ phải nhận một "thẻ đỏ" từ EU.
Liên kết để không bị "bắt nạt"
Ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) nhận định, năm 2019 xuất hiện nhiều yếu tố khó lường, tác động đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam như xung đột thương mại, giá tăng cao và nhất là sự cạnh tranh giữa các quốc gia cùng xuất khẩu thủy sản. Để đạt được chỉ tiêu kế hoạch đề ra, ngành thủy sản sẽ phải nỗ lực rất nhiều.
Phân tích kỹ hơn về vấn đề này, ông Trần Đình Luân cho hay, trước hết, các xung đột thương mại chưa có dấu hiệu kết thúc sẽ tác động không nhỏ tới chính sách thương mại, cán cân xuất nhập khẩu. Tiếp đến là các rào cản kỹ thuật của các thị trường xuất khẩu ngày càng nhiều với quy định chặt chẽ hơn, trong đó yêu cầu về truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm;... Đặc biệt, tàu cá và ngư dân vẫn vi phạm quy định về đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU), trong khi các nước trong khu vực tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ và xử phạt. Đây là khó khăn lớn cần phải khắc phục ngay để việc gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) sớm được thực hiện…
"Muốn xuất khẩu được, nông dân, doanh nghiệp cần đáp ứng đúng những đòi hỏi của thị trường, trong đó, có yếu tố vô cùng quan trọng để có thể truy xuất được nguồn gốc là phải cấp mã số. Việc cần làm trước mắt là nông dân, doanh nghiệp cần đăng ký cấp mã số trước khi xuất khẩu sản phẩm thủy sản của mình ra thế giới. Ngoài ra, với mỗi một thị trường có yêu cầu, đòi hỏi riêng, ví dụ truy xuất nguồn gốc, không xả thải ra môi trường… Và cuối cùng, không thể bỏ qua vấn đề liên kết để sản xuất. Liên kết sẽ tạo ra sức mạnh để giúp chúng ta không bị bắt nạt" - ông Luân nhấn mạnh.