dd/mm/yyyy

Tổng thuật: Gala "Nông dân Sơn La với Chuyển đổi số năm 2022"

Chiều 14/12, tại thành phố Sơn La, Hội Nông dân tỉnh Sơn La phối hợp với Báo Nông Thôn Ngày Nay tổ chức Gala "Nông dân Sơn La với chuyển đổi số năm 2022".

Clip: Gala "Nông dân Sơn La với Chuyển đổi số năm 2022".

Thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia, ngày 31/8/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU về chuyển đổi số của tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, lấy ngày 10/10 hằng năm tổ chức các hoạt động, sự kiện chuyển đổi số.

Sau đó, Sơn La đã kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số cấp tỉnh, thành lập 6 tổ công tác về các lĩnh vực chuyển đổi số để trực tiếp tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ đạo. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sau hơn 1 năm triển khai, thực hiện, đến nay, chương trình chuyển đổi số của tỉnh Sơn La đã đạt được những kết quả khả quan.

Tổng thuật: Gala "Hội Nông dân Sơn La với Chuyển đổi số" - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự Chương trình Gala "Hội Nông dân Sơn La với chuyển đổi số năm 2022". Ảnh: Văn Ngọc.

Để thực hiện tốt chương trình chuyển đổi số, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để hội viên, nông dân thấy rõ được lợi ích của chuyển đổi số; tổ chức ký kết chương trình phối hợp thực hiện chuyển đổi số với các ngành cấp tỉnh.

Chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thành phố chủ động phối hợp với các ngành, các cấp triển khai thực hiện chuyển đổi số; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tiếp thu các chủ trương về chuyển đổi số, hướng dẫn ứng dụng công nghệ số.

Vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, văn bằng bảo hộ nông sản và đưa các nông sản lên sàn thương mại điện tử, nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên, nông dân. Qua đó, góp phần xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV.

Hội Nông dân Sơn La đã hỗ trợ các hộ dân đưa 413 sản phẩm lên sàn Postmart.vn và Voso.vn. 

Tổng thuật: Gala "Nông dân Sơn La với Chuyển đổi số" - Ảnh 2.

Ông Lường Trung Hiếu, Tỉnh uỷ viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La phát biểu khai mạc Chương trình Gala "Nông dân Sơn La với chuyển đổi số năm 2022".

14 giờ 20: Phát biểu khai mạc Chương trình Gala "Hội Nông dân tỉnh Sơn La với Chuyển đổi số", ông Lường Trung Hiếu, Tỉnh uỷ viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La cho biết:

Kính thưa các vị đại biểu khách quý!

Được sự nhất trí của tỉnh ủy, UBND tỉnh; thực hiện kế hoạch số 400-KH/HNDT ngày 24/1/2022 của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh về Tuyên truyền trên Báo Nông thôn Ngày nay. Hôm nay, Hội Nông dân tỉnh Sơn La phối hợp với Báo Nông thôn ngày nay, Văn phòng Tây Bắc tổ chức Gala với chủ đề "Nông dân Sơn La với chuyển đổi số".

Kính thưa các đồng chí!

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) là một chặng đường với đột phá của các công nghệ số dẫn đến sự thông minh hóa mọi mặt của xã hội. Chuyển đổi số chính là cách đi trong chặng đường phát triển thời CMCN 4.0, và là cơ hội vô giá để phát triển đất nước. Chuyển đổi số là khái niệm ra đời trong thời đại internet bùng nổ, đang trở nên phổ biến trong thời gian gần đây, mô tả việc ứng dụng công nghệ số vào tất cả các khía cạnh của đời sống xã hội, của tổ chức, cá nhân. Nếu đạt hiệu quả, hoạt động này sẽ thay đổi toàn diện cách thức mà một tổ chức, cá nhân hoạt động hiệu quả.

Vài năm trở lại đây, chúng ta gần như đã không còn xa lạ với cụm từ "chuyển đổi số" nữa. Với thành công của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số hiện đang là xu hướng tất yếu, là vấn đề sống còn đối với các quốc gia, tổ chức, cá nhân. Những sự thay đổi to lớn về năng suất lao động, trải nghiệm của người dùng và các mô hình kinh doanh mới đang được hình thành cho thấy vai trò và tác động to của chuyển đổi số, nó tác động đến mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề. 

Chuyển đổi số là quá trình khách quan, muốn hay không thì chuyển đổi số vẫn xảy ra và đang diễn ra. Cuộc sống không ngừng vận động, biến đổi. Mỗi người cũng cần không ngừng thay đổi, thích nghi, nếu không sẽ bị bỏ lại ở phía sau. Do đó, có thể chuyển đổi số ngay lập tức bằng cách chuyển đổi về tư duy, nhận thức, sau đó dần chuyển đổi cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình về Chuyển đổi số quốc gia. Thực hiện "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" do Thủ tướng phê duyệt ngày 03/6/2020, công cuộc chuyển đổi số quốc gia đã đạt được những kết quả rõ nét, đặc biệt là nhận thức về chuyển đổi số không ngừng được nâng cao.

Để thích ứng với tình hình mới và tận dụng cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư mang lại, ngày 27/9/2019, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030. 

Theo đó, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình về Chuyển đổi số quốc gia, trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. 

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia khẳng định: "Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số", do vậy để Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức. Chuyển đổi số được tiến hành trên 03 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Chuyển đổi số nông nghiệp là quá trình ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vào toàn bộ hoạt động của ngành, làm thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ truyền thống sang hiện đại và thông minh. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể là: Giúp giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do biến đổi khí hậu (ứng dụng công nghệ Data Analytics vào phân tích và quản lý, toàn bộ vùng khí hậu sẽ được cảnh báo rủi ro cho người dân sớm, từ đó sẽ có biện pháp ứng phó kịp thời); Giúp nông dân kết nối trực tiếp với người tiêu dùng (thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào các thương lái để mang sản phẩm đến người tiêu dùng thì ngày nay, chuyển đổi số giúp người bán và người mua kết nối trực tiếp với nhau); Giúp nông dân nâng cao năng suất lao động (canh tác nông nghiệp bằng thiết bị điều khiển từ xa, việc canh tác từ khâu làm đất đến việc bón phân, bơm tưới và thu hoạch đều sử dụng các thiết bị hỗ trợ thông minh). Giúp tăng cường chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Để chuyển đổi số trong nông nghiệp thành công cần phải áp dụng thực hiện đồng bộ các hoạt động, trong đó tập trung vào 03 nhóm lĩnh vực chính đó là: áp dụng các công nghệ hiện đại trong canh tác nông nghiệp, liên kết chuỗi giá trị và thay đổi phương thức quản lý.

Đối với Việt Nam, theo một báo cáo khảo sát mới đây, có 35% các doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư vào công nghệ mới và 69% ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Chỉ có 15% hộ nông dân có kế hoạch đầu tư vào công nghệ mới và 18% hộ ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tỉnh Sơn La là một tỉnh có lợi thế về nông nghiệp, hình thức sản xuất đang theo 03 nhóm chính đó là hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp. Hiện nay, toàn tỉnh có 178.850 hộ hội viên nông dân, ..... hợp tác xã; ...... doanh nghiệp nông nghiệp. Đây là những đơn vị sẽ tham gia trực tiếp vào chuyển đổi số nông nghiệp của tỉnh.

Đối với Hội Nông dân tỉnh, theo nhiệm vụ được giao và chức năng, nhiệm vụ của mình, những năm qua các cấp Hội đã tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về chuyển đổi số, trước hết là đội ngũ cán bộ hội các cấp, tổ chức các lớp tập huấn về chuyển đổi số và ứng dụng các công nghệ số vào một số lĩnh vực trong sản xuất nông nghiệp như truy xuất nguồn gốc, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, sử dụng các công cụ, phần mềm trực tuyến, ...

Đã đưa được trên 19.500 hộ nông dân lên sàn thương mại điện tử, đã hỗ trợ các hộ dân đưa 413 sản phẩm lên sàn Postmart.vn và Voso.vn. Đã trực tiếp hỗ trợ cho 26 hợp tác xã thực hiện đưa 108 sản phẩm nông sản/ đặc sản địa phương lên sàn Postmart.vn. Xây dựng chợ 4.0 gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm, Người dân Từng bước làm quen tiến tới mua sắm không dùng tiền mặt; định hình các sản phẩm OCOP trên địa bàn toàn tỉnh…; Ứng dụng phần mềm VNPT Ioffice trong điều hành, quản lý công việc từ tỉnh đến cơ sở; kết nối zalo giữa các cấp hội, thực hiện giao nhận thư điện tử, ... Đặc biệt, xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ số tại một số địa phương.

Kính thưa các đồng chí!

Nhận thức rõ lợi ích từ chuyển đổi số mang lại cho đời sống xã hội, đặc biệt cho lĩnh vực nông nghiệp và người nông dân. Hội Nông dân tỉnh và Báo Nông thôn ngày nay đã phối hợp tổ chức Gala với chủ đề "Hội Nông dân Sơn La với chuyển đổi số" năm 2022. Đây là một diễn đàn, một sân chơi mới cho cán bộ, hội viên nông dân trong toàn tỉnh để tiếp tục lan tỏa chương trình chuyển đổi số quốc gia, góp phần nâng cao nhận thức, nhìn thấy thách thức, khó khăn, để cùng có các giải pháp đúng, hành động đúng trong chuyển đổi số, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Tại Gala này kính mong các diễn giả, nhà chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ Hội và các hộ nông dân cùng trao đổi, thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong chuyển đổi số, để Hội Nông dân tỉnh làm tốt hơn nhiệm vụ chuyển đổi số của mình góp phần phát triển nông nghiệp số của tỉnh.

Kính chúc sức khỏe các vị đại biểu và toàn thể các đồng chí mạnh khỏe. Chúc Gala chúng ta ngày hôm nay thành công và đạt nhiều kết quả tích cực.

Xin trân trọng cảm ơn! 

 Sơn La có 33.702 hộ sản xuất nông nghiệp tham gia tổ chức tập huấn, đào tạo kỹ năng số 

Tổng thuật: Gala "Hội Nông dân Sơn La với Chuyển đổi số" - Ảnh 2.

Ông Phạm Quốc Chinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sơn La chia sẻ tại Gala. Ảnh: Tuệ Linh.

14 giờ 40: Chia sẻ về quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Sơn La tại chương trình Gala, ông Phạm Quốc Chinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sơn La cho biết: Sơn La là một tỉnh có đặc thù về nông nghiệp với khu vực nông thôn chiếm đa số; nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong GDP.

Tuy nhiên mô hình sản xuất còn nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị vẫn luôn là tồn tại của nền nông nghiệp tỉnh Sơn La trong nhiều năm qua. Vì vậy, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp được xem là một trong những nội dung cần thiết và quan trọng hiện nay, nhất là trong việc đồng hành giữa nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học với nhà nông để đạt được các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 31/08/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.

Thời gian qua, tỉnh Sơn La đã triển khai thí điểm hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các hộ sản xuất nông nghiệp, tập huấn đào tạo trực tiếp cho các hợp tác xã trọng điểm của tỉnh, quảng bá xúc tiến thương mại, xuất khẩu nông sản tỉnh Sơn La trên sàn thương mại điện tử.

Đến nay, tỉnh Sơn La có 33.702 hộ sản xuất nông nghiệp tham gia tổ chức tập huấn, đào tạo kỹ năng số; hơn 35.275 hộ được khởi tạo tài khoản trên các sàn thương mại điện tử. Trong năm 2022, Sơn La đã hỗ trợ 798 sản phẩm đưa lên các sàn thương mại điện tử; trên 23.000 đơn hàng được giao dịch trên sàn; có 59 sản phẩm OCOP của Sơn La được đưa lên các sàn thương mại điện tử với doanh thu khoảng 3,5 tỷ đồng. Đã cập nhật thông tin của 109 sản phẩm; 72 đơn vị sản xuất, kinh doanh lên sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc, xuất xứ nông sản tỉnh Sơn La (sannongsansonla.vn).

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ nông dân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp đã chủ động ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ số trong các quy trình sản xuất, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản. Đó là sử dụng các thiết bị cảm biết để kiểm tra, đánh giá chất lượng đất, nước, không khí vùng trồng, kiểm soát dinh dưỡng.... để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

Sử dụng internet, mạng xã hội để quảng bá, bán hàng trực tuyến, tham gia các sàn thương mại điện tử, mở rộng thị trường để cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh hoặc xuất khẩu.

Đến nay, tỉnh Sơn La có 1.459 tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn, bản; các tổ công nghệ số công đồng với nòng cốt là đoàn viên thanh niên có am hiểu, thông thạo việc sử dụng, ứng dụng Công nghệ thông tin. Tổ công nghệ số cộng đồng có trách nhiệm hỗ trợ người dân trên địa bàn sử dụng, ứng dụng các nền tảng số (dịch vụ công trực tuyến; tham gia các sàn thương mại điện tử; truy xuất nguồn gốc, ví điện tử,...).

Nhiệm vụ và giải pháp trong thực hiện Chương trình chuyển đổi số, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sơn La cho hay: Để chuyển đổi số nông nghiệp phải bắt đầu từ nông dân và phải dựa trên nên tảng số, dữ liệu số, đồng thời các chính sách đều hướng đến nông dân, nông thôn, doanh nghiệp, hợp tác xã.

Thứ nhất, Tiếp tục nâng cao nhận thức, tư duy chuyển đổi số cho người dân, hộ sản xuất, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp: (1) Tiếp tục xây dựng, mở rộng, triển khai các nền tảng học trực tuyến đại trà với các giáo trình trực quan, sinh động, dễ hiểu, để phổ biến kiến thức cơ bản, kỹ năng số, nền tảng số để người dân tự giác tham gia học tập, nâng cao nhận thức và ứng dụng vào thực tiễn. (2) Cần phát huy vai trò nòng cốt của hội nông dân, các tổ chức đoàn thể, tính xung kích của đoàn viên thanh niên, nhất là các cháu học sinh phổ thông tích cực tham gia các tổ chuyển đổi số cộng đồng để cầm tay chỉ việc, trực tiếp hướng dẫn người dân tiếp cận và sử dụng các công nghệ số; với sự thông minh và tính cộng đồng cao, với sự hỗ trợ từ truyền thông, mạng xã hội, từ 1 người biết sẽ lan tỏa đến 10 người khác cùng biết, và như vậy hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu nông dân sẽ có tư duy, nhận thức về chuyển đổi số. (4) Chuyển đổi số trong nông nghiệp phải bắt đầu từ nông dân, vì kinh tế hộ chiếm tới 99,89% tổng số các chủ thể sản xuất mới là phần làm nên nền tảng của kinh tế nông nghiệp. Họ buộc phải tự thay đổi nhận thức, đổi mới tư duy để lựa chọn bước đi phù hợp, thực hiện tiến trình ứng dụng công nghệ số vừa có tính tự nguyện, vừa bắt buộc. Phải làm cùng nhau, tất cả cùng làm thì mới thực hiện được chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Thứ hai, Cần phải có các nền tảng số để phục vụ cho ngành nông nghiệp với xu thế bỏ qua trung gian, phi tập trung hóa và phi vật thể hóa: (1) Các sàn thương mại điện tử cho nông nghiệp (ví dụ như Voso.vn, PortMart.vn) Không chỉ cung cấp nền tảng số, hướng dẫn cách lên sàn, còn phải hỗ trợ các hộ sản xuất đồng bộ các giải pháp từ tiếp thị, truyền thông, đóng gói, vận chuyển, thanh toán… (2) Chuyển đổi số giúp nông dân tiếp cận thông tin, công nghệ như một doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu đến hộ nông dân, thậm chí đến từng cây – con. "Giải pháp là các doanh nghiệp cung cấp công nghệ, thông tin như một dịch vụ theo yêu cầu cho các hộ, với giá phù hợp mà các hộ có thể tiếp cận". 

(3) Chuyển đổi số sẽ hình thành một phiên bản số của thế giới thực, tức là số hóa đất đai, môi trường, cây trồng, vật nuôi… Sau đó, các hoạt động quy hoạch, mô phỏng, đánh giá, phân định sẽ được thực hiện trên thế giới ảo một cách nhanh nhất. Sau khi được tối ưu hóa sẽ "hắt ngược" vào thế giới thực một các thực chất, hiệu quả và tối ưu nhất. Hiện nay đã có nhiều nền tảng số phục vụ cho ngành nông nghiệp, như nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản, nền tảng sàn thương mại điện tử nông nghiệp, nền tảng tốt ưu hóa chuỗi cung ứng… Nền tảng được hiểu là một phần mềm ứng dụng cho toàn quốc, cho các tỉnh, đặc biệt là xã và hộ nông dân.

Thứ ba, phải có chính sách hướng đến nông dân, nông thôn, doanh nghiệp, hợp tác xã để hỗ trợ quá trình chuyển đổi số: Ngành nông nghiệp, đặc biệt là Sở Nông nghiệp và phát triển nông thông tỉnh phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh nghiên cứu, tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh có chính sách đầu tư, hỗ trợ xây dựng, triển khai các nền tảng số ứng dụng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đề xuất các chính sách thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong Các Doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ nông dân có nhu cầu chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh. Chuyển đổi số nông nghiệp muốn thành công cũng cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và phát huy nguồn lực của toàn xã hội.

Tổng thuật: Gala "Hội Nông dân Sơn La với Chuyển đổi số" - Ảnh 4.

Thầy giáo Nguyễn Văn Khoa, Phó Trưởng khoa Nông lâm Trường Đại học Tây Bắc chia sẻ về tình hình ứng dụng công nghệ số đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp ở Sơn La. Ảnh: Mùa Xuân.

15 giờ 20: Trường Đại học Tây Bắc là một trong những cơ sở đào tạo nhân lực rất lớn, đứng chân trên địa bàn tỉnh Sơn La. Những năm qua, Trường Đại học Tây Bắc đã cùng với tỉnh Sơn La phát triển nguồn nhân lực. 

Chia sẻ những thông tin về tình hình ứng dụng công nghệ số đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp ở Sơn La, thầy giáo Nguyễn Văn Khoa, Phó Trưởng khoa Nông lâm Trường Đại học Tây Bắc thông tin: Chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp là quá trình ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. 

Điểm khác biệt cơ bản giữa nông nghiệp số và nông nghiệp truyền thống chính là ở việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số (dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật...) vào toàn bộ hoạt động của ngành, làm thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ truyền thống sang hiện đại và thông minh.

Áp dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp hiện nay rất đa dạng từ các khâu quản lý HTX, doanh nghiệp, trang trại, đến quản lý trong khâu sản xuất, chế biến và kể cả trong khâu quảng bá giới thiệu sản phẩm và bán hàng trên chợ thương mại điện tử. 

Ở Việt Nam đang ứng dụng hoạt động chuyển đổi số dựa trên nền tảng của 5 công nghệ: Công nghệ Internet kết nối vạn vật (IoT); Công nghệ điện toán đám may (Dữ liệu lớn Big Data); Công nghệ trí tuệ nhân tạo AI; Công nghệ rô bốt, tự động hoá; Công nghệ Chuỗi khối (Blockchain).

Mặc dù đã đạt được một số thành tựu nổi bật, quá trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: Trình độ cơ giới hoá còn thấp; Các công nghệ hỗ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp (cơ khí, chế biến sâu, dây chuyền kiếm nghiệm sản phẩm nông nghiệp...) chưa tương xứng; Diện tích canh tác nhỏ; Các doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư vào chuyển đổi số chưa nhiều; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế...

Về giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số ngành nông nghiệp, theo ông Khoa, cần tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn, trong đó ưu tiên về đất trồng lúa, đất rừng, cây ăn quả, cây công nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản; xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp...

Để chuyển đổi số nông nghiệp thành công cần đồng hành cùng nông dân, hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất. Người nông dân trong chuyển đổi số nông nghiệp không chỉ đóng vai trò chủ lực mà còn là nhóm cần được quan tâm nhất. 

Hàng hoá nông sản của Việt Nam trên thị trường hiện chủ yếu do người nông dân sản xuất ra. Người nông dân ngày càng sử dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất cho hiệu quả năng suất, chất lượng sản phẩm tốt hơn, đưa nền nông nghiệp Việt Nam dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại.

Để thích ứng với chuyển đổi số, việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, tập huấn, nâng cao kỹ năng số một cách bài bản cho người nông dân là yêu cầu cấp thiết cần được các cấp, các ngành quan tâm hơn. Người nông dân ngoài chủ động học hỏi nâng cao vai trò của người nông dân trong chuyển đổi số nông nghiệp, có thể chủ động lên sàn, giao lưu với người mua, giới thiệu những đặc tính khác biệt của sản phẩm để có giá trị cao hơn...

Tổng thuật: Gala "Hội Nông dân Sơn La với Chuyển đổi số" - Ảnh 5.

Bà Hà Thị Thuý Hằng, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Sơn La đã chia sẻ về nội dung: Bưu điện tỉnh Sơn La chung tay chuyển đổi số trong lĩnh vực tam nông.

15 giờ 45:  Bà Hà Thị Thuý Hằng, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Sơn La đã chia sẻ về nội dung: Bưu điện tỉnh Sơn La chung tay chuyển đổi số trong lĩnh vực tam nông.

Nhằm hỗ trợ nông dân chuyển đổi số và tham gia vào nền kinh tế số, vừa qua, Bưu điện tỉnh Sơn La và Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức ký thoả thuận hợp tác về "Hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản, hàng hoá giai đoạn 2021-2025".

Theo thoả thuận hợp tác, Bưu điện tỉnh và Hội Nông dân sẽ tập trung phối hợp thực hiện các nhiệm vụ: Rà soát, đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn; kết nối, tiêu thụ nông sản thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn hệ thống điểm bán hàng của đơn vị; xây dựng các gói sản phẩm, dịch vụ với chính sách ưu đãi cho các cấp hội, cán bộ, hội viên nông dân; các chỉ tổ hội nghề nghiệp, câu lạc bộ nông dân, các tổ hợp tác, hợp tác xã...

Kết quả triển khai hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn từ năm 2021 đến nay, đã hỗ trợ trên 54.000 hộ dân được đào tạo về kỹ năng số và kỹ năng hoạt động trên không gian mạng; Đưa trên 1.600 sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn; Hơn 40.000 giao dịch được thực hiện trên sàn với số tiền giao dịch hơn 6 tỷ đồng...

Đã triển khai chương trình hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn của tỉnh; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trái cây cho Sơn La chủ yếu là sản phẩm mận hậu, xoài… Tháng 5/2022, Bưu điện tỉnh Sơn La đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Sơn La khảo sát địa bàn, lựa chọn vùng nguyên liệu, làm việc với vườn uy tín, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm và ký hợp đồng nguyên tắc trong liên kết tiêu thụ sản phẩm mận hậu, xoài Sơn La. 

Thông qua Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam điều phối chung, Bưu điện tỉnh Sơn La đã thực hiện kết nối được với 47 Bưu điện tỉnh, thành trên toàn quốc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm mận hậu Yên Châu, mận Pu Nhi Sông Mã, với sản lượng 200 tấn. 

Việc thực hiện chương trình hỗ trợ bà con Sơn La tiêu thụ sản phẩm mận hậu đã góp phần giúp bà con nông dân, các HTX xây dựng hướng đổi mới trong tiêu thụ sản phẩm, giá trị nông sản được nâng cao, không còn phụ thuộc vào thương lái. Từ đó, thoát cảnh được mùa mất giá như các năm trước đây. 

Đồng thời, Bưu điện tỉnh cũng đưa ra những chính sách thu mua, bao tiêu sản phẩm có lợi nhất cho người dân. Hỗ trợ triển khai phương án vận chuyển tối ưu tới tay người tiêu dùng trong thời gian ngắn nhất để đảm bảo sự tươi ngon cũng như giữ được hương vị đặc trưng, chất lượng sản phẩm, bảo vệ lợi ích người bán và người mua...

Tổng thuật: Gala "Nông dân Sơn La với Chuyển đổi số" - Ảnh 6.

Ông Lê Văn Kỳ, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sơn La chia sẻ ứng dựng chuyển đổi số trong nông nghiệp Sơn La tại Gala. Ảnh: Tuệ Linh.

16 giờ 20: Chia sẻ về kết quả ứng dựng chuyển đổi số trong nông nghiệp Sơn La tại Gala, ông Lê Văn Kỳ, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sơn La chia sẻ: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La đang hỗ trợ duy trì, phát triển 261 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn. Toàn tỉnh đã được cấp 281 mã số vùng trồng, diện tích trên 4.600 ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu và 34 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Hệ thống tưới (nhỏ giọt, phun…) tiết kiệm nước 927 ha; Nhà lưới, nhà kính 53 ha.

Diện tích cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương ước đạt năm 2022: 5.917 ha; Diện tích cà phê áp dụng  tiêu chuẩn 4C, UTZ: 16.542,9 ha cho 14.148 hộ gia đình. Sản lượng cá sản xuất áp dụng VietGAP hoặc GAP khác: 3.098 tấn/năm. Sản lượng mật ong sản xuất áp dụng VietGAP hoặc GAP khác: 371 tấn/năm. Tổng diện tích sản xuất hữu cơ và theo hướng hữu cơ: 8.217 ha; Có 109 sản phẩm OCOP, dự kiến tăng 26 sản phẩm so với năm 2021.

Theo ông Kỳ, hiện nay, chuyển đổi số ở tỉnh Sơn La chủ yếu đang ở các cơ quan quản lý nhà nước. Hiện nay, chuyển đổi số ở Sơn La được ứng dụng nhiều trong quản lý bảo vệ rừng. Hiện nay, có 12/12 huyện, thành phố đã ứng dụng công nghệ GIS trong quản lý, bảo vệ rừng. Toàn tỉnh có 74 trạm đo mưa tự động; 6 trạm đo mực nước trên các sông, suối chính...

Xây dựng 4 trạm quan trắc cảnh báo sớm cháy rừng tại các Ban quản lý rừng Đặc dụng - Phòng hộ Sốp Cộp, Ban quản lý rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La, Ban quản lý rừng đặc dụng Tà Xùa, Ban quản lý rừng đặc dụng Xuân Nha. Xây dựng 12 biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng tự động tại 12 huyện, thành phố.

Bên cạnh đó, đã xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, ứng dụng các thiết bị cảm biến và thiết bị thông minh được kết nối và điều khiển tự động trong suốt quá trình sản xuất nông nghiệp, như: Quản lý mã số vùng trồng; Mô hình ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) kết hợp kỹ thuật canh tác trên cây xoài, cam, quýt, nhãn trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong nông nghiệp, nông thôn, ông Kỳ cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến về những khó khăn trong thực hiện chuyển đổi số về phát triển nông nghiệp của tỉnh Sơn La của các đại biểu đã chia sẻ tại Gala. 

"Trên cơ sở các ý kiến phát biểu tham luận của các đại biểu, chúng tôi sẽ tích cực nghiên cứu để tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh về những cách làm hay, khó khăn trong thực hiện chuyển đổi số ở Sơn La. Qua đó, có cơ chế, chính sách thích hợp hỗ trợ hội viên nông dân, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp trong khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến và giới thiệu, bán hàng trên thị trường không gian mạng", ông Kỳ nói.

Tổng thuật: Gala "Nông dân Sơn La với Chuyển đổi số" - Ảnh 7.

Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020 Hoàng Văn Chất ở bản Củ 2, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn chia sẻ tại Gala. Ảnh: Mùa Xuân.

16 giờ 35: Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020 Hoàng Văn Chất ở bản Củ 2, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La kể chuyện ứng dụng công nghệ số và thực tiễn đời sống vào sản xuất. 

Ông Chất chia sẻ: Là một nông dân trưởng thành "từ không đến có", tôi xin có vài lời tham luận tại Gala như sau: Việc ứng dụng những tiến bộ xã hội vào sản xuất và đời sống hôm nay đã trở thành bức thiết, là yếu tố sống còn trong sản xuất hàng hoá và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nông dân chúng ta.

Chính vì thế, trong những năm gần đây, cấp uỷ, chính quyền, các ngành chức năng của tỉnh Sơn La nói chung; đặc biệt là Hội Nông dân nói riêng đã có sự quan tâm sâu sắc tới việc hướng dẫn nông dân chuyển đổi số, ứng dụng tiến bộ xã hội để nâng cao năng xuất lao động, làm ấm cái lưng, no cái bụng, tăng tích luỹ, phát triển sản xuất cho nông dân.

Bản thân tôi, sau khi được các cán bộ Hội Nông dân trong tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn về chuyển đổi số, cũng ý thức rõ tầm quan trọng đặc biệt của việc ứng dụng Công nghệ số vào sản xuất và đời sống. Nói công nghệ số hay chuyển đổi số thì có vẻ cao siêu nhưng tôi thấy, thực chất việc ứng dụng công nghệ số rất đơn giản. Đó chính là những hoạt động thường ngày của chúng ta như: Bấm số điện thoại di động, nhắn tin, dùng facebook, chát để tìm kiếm mua đất, mua nhà, mua thức ăn, quần áo… Nói như vậy, có nghĩa là ứng dụng công nghệ số là một trong những việc làm thường ngày của chúng ta và hiệu quả của nó rất thiết thực với mỗi chúng ta.

Chính nhờ ứng dụng công nghệ số, tôi đã tìm kiếm và tích luỹ được rất nhiều thông tin, giúp tôi chuyển đổi sản xuất và làm giàu; đồng thời bằng những kiến thức ấy, những kinh nghiệm tích luỹ được, tôi đã hỗ trợ, giúp đỡ hàng ngàn hội viên, nông dân, hộ sản xuất, doanh nghiệp gỡ khó để vươn lên.

Như quý vị đã biết, tôi sinh ra và lớn lên ở đồng đất Chiềng Ban. Mảnh đất Chiềng Ban xưa nay vốn là mảnh đất khô cằn, thiếu nguồn nước tưới chủ động. Vùng đất này còn khắc nghiệt ở chỗ mùa Đông rất dễ bị sương muối, gia rét hại chết cây trồng và gia súc. Nhưng hôm nay, nếu các quý vị đến với Chiềng Ban thì sẽ cảm nhận được sức sống mãnh liệt, sự trù phú của những nương vườn tiền tỷ. Những tỷ phú ở vùng đất này đều là nông nghiệp, nông dân và đều ứng dụng rất tốt các công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh.

Trong bối cảnh chung ấy, hơn 10 năm trước, tôi cũng chỉ là lão nông với 2 bàn tay trắng. Nhìn đi nhìn lại, ngoài mảnh đất sản xuất của gia đình đang trồng mấy cây lương thực ngắn ngày với năng xuất thấp thì tôi chẳng có chút vốn nào đáng kể để bứt phá thoát khỏi đói nghèo. Tôi nghĩ rằng, nếu cứ làm theo cách thức truyền thống thì dù đất đai có rộng đến mấy ha cũng chỉ đủ ăn chứ không thể tích luỹ để làm giàu. Mà tôi là một nông dân có khao khát làm giàu ngay từ khi nằm trong bụng mẹ. Bởi thế, tôi luôn trăn trở để tìm hướng thoát nghèo bằng chính nghề nông truyền thống của gia đình.

Nhưng nhờ có tiến bộ khoa học kĩ thuật, có điện thoại, có internet, có cán bộ Hội nông dân, khuyến nông đồng hành hướng dẫn, động viên, tạo điều kiện vay vốn phát triển sản xuất. Tôi đã từng bước xoá được mặc cảm của người nông dân nghèo, vững tin xoá nghèo và làm giàu cho mình.

Quá trình ứng dụng công nghệ số, những tiến bộ khoa học vào sản xuất của tôi cũng từ đó lớn dần lên. Lúc đầu, tôi chỉ vào mạng để tìm hiểu những nội dung đơn giản như trồng cây gì cho quả nhiều, trồng cây gì dẽ bán được, nhanh thu hồi vốn.v.v. Nhưng càng tìm hiểu, tôi càng thu được nhiều những thông tin giá trị, biết cách lựa chọn những giống cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của Chiềng Ban; biết được thị trường đang cần những nông sản gì; biết nông sản gì bán ở thời điểm nào thì được giá nhất. Rồi cao hơn nữa, tôi nắm được nhiều kĩ thuật chiết ghép cây, tỉa cành; lai tạo những giống cây chín sớm, chín muộn; cách kích hoa, thụ phấn, hãm quả; khi nào thì bón phân cho cây hiệu quả nhất; khi nào thì cần hãm lượng phân bón…

Nhờ những kiến thức thu thập được từ ứng dụng tiến bộ khoa học trên mạng, tôi đã đầu tư vào chính những nương vườn của mình và gặt hái những kết quả rất tốt. Mọi diện tích cây trồng của tôi không chỉ cho năng xuất cao mà chất lượng của trái cam, trái bưởi cũng như những cây trồng khác đều làm thoả mãn khách hàng. Mỗi năm, tôi thu hàng trăm triệu đồng từ nương vườn cây trái của gia đình.

Cũng chính nhờ ứng dụng công nghệ số nên tôi đã biết được giống cam Đường Canh – Cam 36 hay Cam V2 có thể trồng được ở Sơn La nói chung và Chiềng Ban nói riêng. Biết được giống Bưởi Da Xanh Bến Tre khác với giống bưởi Da Xanh miền Bắc. Biết được như thế thì ngay từ khi đầu tư cây giống, chúng ta đã không bị thất bại, không mất vốn đầu tư cũng như thời gian chăm sóc. Sẽ không mắc phải tâm lí thất bại, e ngại khi bước chân vào sản xuất hàng hoá nông sản.

Khi nào có điều kiện, kính mời các đại biểu khách quý ghé qua thăm HTX Tường Tiến ở xã Chiềng Ban huyện Mai Sơn chúng tôi. Đến với HTX Tường Tiến, đến với trang trại cây ăn quả của chúng tôi, các quý vị đại biểu sẽ được thấy những trang trại cây ăn quả có năng xuất rất cao, những trái cây có mẫu mã đẹp và tất nhiên là chất lượng nông sản rất tuyệt vời. HTX Tường Tiến của chúng tôi không chỉ sản xuất tốt, đạt hiệu quả kinh tế cao mà còn sẵn lòng làm dịch vụ kĩ thuật, giúp các bà con nông dân khác cùng phát triển.  

Không chỉ ứng dụng những kiến thức ấy vào sản xuất gia đình; trong 5-6 năm trở lại đây, tôi đã mang những kiến thức có được nhờ ứng dụng công nghệ số ấy để giúp nhiều nông dân khác trong tỉnh tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Đã có hàng trăm hộ gia đình được tôi giúp đỡ cải tạo vườn tạp, chiết ghép cây giống; thiết kế trang trại, vườn cây ăn trái để đạt hiệu quả cao hơn.

Ứng dụng công nghệ số và những tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất thành công, chúng tôi lại tiếp tục ứng dụng công nghệ số vào tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, toàn bộ các thành viên Hợp tác xã Tường Tiến chúng tôi đều sử dụng mạng xã hội để bán hàng, giới thiệu nông sản cũng như hỗ trợ kĩ thuật cho nhau. Các bác có thể vào facebook Hoàng Chất hoặc zalo Hoàng Chat là sẽ tìm kiếm được rất nhiều thông tin về hàng hoá, cây giống, kĩ thuật chăm sóc cây trồng, kĩ thuật sử dụng phân bón, kĩ thuật chiết ghép cành … hoặc chát trao đổi với chúng tôi để thoả mãn những thông tin mà các bạn cần tìm kiếm, cần câu trả lời.

Kính thưa các quý vị đại biểu, khách quý !

Kính thưa các bác, các bạn hội viên nông dân !

Với chút thời gian ngắn ngủi ở Gala này, tôi rất xúc động khi được chia sẻ cùng các quý vị và các bạn một vài thông tin nho nhỏ liên quan đến Chuyển đổi số. Chia sẻ những điều ấy, tôi chỉ mong muốn nói với các bạn một điều: Trong cuộc sống ngày nay, cuộc cách mạng công nghệ số liên quan mật thiết đến đời sống những nông dân như chúng ta. Chúng ta phải từ bỏ nhiều phương thức sản xuất truyền thống lạc hậu để đi tắt, đón đầu, tạo ra những kết quả đột phá. Chỉ có kết quả đột phá mới làm thay đổi những thân phận nghèo khó của chúng ta, mởi làm chúng ta trở thành những nông dân dư ăn, dư mặc, mới giàu có.

Và con đường duy nhất đẻ tạo ra đột phá đó, chính là ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh.

Tổng thuật: Gala "Nông dân Sơn La với Chuyển đổi số" - Ảnh 8.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Sơn La thông tin về kết quả ứng dụng chuyển đổi số đối với hội viên nông dân thành phố Sơn La. Ảnh: Mùa Xuân.

16 giờ 48: Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Sơn La thông tin về kết quả ứng dụng chuyển đổi số đối với hội viên nông dân thành phố Sơn La.

Trong cuộc sống hiện nay hàng hóa nông sản không an toàn đang là một yếu tố làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và nòi giống con người. Do vậy, bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn nông sản đang trở lên cấp bách hơn bao giờ hết. Công tác bảo đảm an toàn nông sản trên địa bàn thành phố, tỉnh Sơn La đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhận thức và trách nhiệm của cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và nhân dân trên địa bàn thành phố về an toàn nông sản đã có chuyển biến tích cực; sức khoẻ, quyền lợi của người tiêu dùng được quan tâm. Bước đầu hình thành các vùng nguyên liệu sạch và chuỗi cung ứng nông sản an toàn. Tuy nhiên vấn đề nông sản an toàn để phát triển một cách bền vững đáp ứng được yêu cầu của thị trường thì phải gắn với chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Chuyển đổi số nông nghiệp là quá trình ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Điểm khác biệt cơ bản giữa nông nghiệp số và nông nghiệp truyền thống chính là ở việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số, vào toàn bộ hoạt động của ngành, làm thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ truyền thống sang hiện đại và thông minh. Như hiện nay trải nghiệm tiêu thụ sản phẩm mua, sắm nhưng không dùng tiền mặt là một trong yếu tố chuyển đổi số.

Đối với thành phố Sơn La: Là Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội của tỉnh, có diện tích tự nhiên 330km2, gồm 7 phường, 5 xã; 145 tổ, bản, tiểu khu; dân số trên 10 vạn người, có 12 dân tộc anh em cùng chung sống. Nhân dân các dân tộc thành phố đoàn kết nhất trí, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tích cực lao động sản xuất, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, có tinh thần giúp đỡ nhau giảm nghèo, xây dựng tổ, bản, tiểu khu văn hoá; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước; kinh tế tiếp tục phát triển, văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; Thực hiện chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân với Bưu điện thành phố đang từng bước tuyên truyền đến Hội viên nông dân các xã, phường, chi hội trực thuộc, đặc biệt đối với các hộ nông dân sản xuất kinh giỏi trên các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản để giới thiệu sản phẩm nông sản của minh lên sàn thương mại điện tử để kết nối và điều khiển các yếu tố từ xa.

Tuyên truyền đến hội viên nông dân thấy rõ được lợi ích của chuyển đổi số như xử dụng điện thoại thông minh trong giao dịch mua bán các sản phẩm nông sản tiêu dùng không dùng tiền mặt hoặc chuyển tải các thông tin, kiến thức KHKT về sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên hệ thống mạng Internet, Zalo, Facebook……..từng bước giới thiệu kết nối giữa người dân, doanh nghiệp và thị trường; Kết nối giữa người dân, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước với thị trường.

Để làm tốt nhiệm vụ chuyển đổi số về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian tới cần làm tốt một số nhiệm vụ cụ thể:

 1. Tăng cường phối hợp hỗ trợ xây dựng các chuỗi giá trị cung ứng nông sản an toàn, chất lượng; ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn trên toàn địa bàn thành phố. Kiểm soát an toàn nông sản ngay từ yếu tố đầu vào trong sản xuất, kinh doanh; liên kết với các chuỗi giá trị cung ứng nông sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, OCOP….., bảo đảm người tiêu dùng được tiếp cận và sử dụng nông sản an toàn, bền vững. Phát huy vai trò của các hợp tác xã, hiệp hội ngành hàng trong liên kết, hỗ trợ sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ thực phẩm an toàn, chất lượng.

2. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, phối hợp chuyển giao khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản. Khuyến khích, hỗ trợ hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản ứng dụng công nghệ cao và kết nối chuỗi giá trị cung ứng nông sản an toàn.

3. Tiếp tục phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố, các Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng chủ động, tích cực tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ tư vấn pháp luật về bảo đảm an ninh mạng, an toàn sản phẩm nông sản;

Kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn nông sản tới hội viên và người dân; tăng cường vai trò, trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội trong lĩnh vực an ninh mạng, an toàn sản phẩm nông sản và chuyển đổi số một cách có hiệu quả.

16 giờ 55: Phát biểu bế mạc Gala, ông Lường Trung Hiếu, Tỉnh uỷ viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La cho rằng: Những ý kiến tham luận của các đại biểu tại Gala "Nông dân Sơn La với chuyển đổi số năm 2022" là những kiến thức, tài liệu, kinh nghiệm quý để Hội Nông dân tỉnh tổng hợp để tham mưu với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Sơn La trong thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong thời gian tới một cách tốt nhất.

Nhóm PV