Top 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam lần đầu gọi tên Thế Giới Di Động
Theo đó, 6 cái tên vẫn giữ vững phong độ so với năm 2019 và tiếp tục nằm trong top 6 là Samsung Electronics Thái Nguyên, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghệ Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tập đoàn Vingroup.
Tiếp sau đó 3 cái tên quen thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Ngân hàng Agribank, Ngân hàng BIDV có sự thay đổi vị trí xếp hạng nhưng vẫn nằm trong top 10.
Lần đầu tiên năm nay, Thế giới Di động được gọi tên, thay thế cho CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) bị loại khỏi danh sách.
Bảng xếp hạng VNR500 năm nay tiếp tục ghi nhận sự lớn mạnh của các doanh nghiệp trong nhóm ngành Dịch vụ và Công nghiệp, chiếm hơn 97,3% tỉ trọng doanh thu năm 2019, nhóm ngành Nông nghiệp chỉ chiếm tỉ trọng doanh thu khiêm tốn với 2,7%.
Một số ngành hàng chính vẫn tiếp tục giữ vững được vị thế trong Bảng xếp hạng năm 2020. Các ngành có tiềm năng tăng trưởng và tỉ trọng doanh thu lớn trong Bảng xếp hạng VNR500 năm nay gồm: ngành Tài chính, ngành Thực phẩm - Đồ uống, ngành Xây dựng - Vật liệu xây dựng - Bất động sản, ngành Viễn thông - Tin học - Công nghệ thông tin...
Tốc độ tăng trưởng doanh thu của 500 doanh nghiệp lớn nhất đạt 12,52%
Trong Bảng xếp hạng VNR500 năm nay, nhìn chung các ngành hàng đều có sự tăng trưởng doanh thu với tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân của toàn bộ khối doanh nghiệp đạt 12,52%.
Trong đó có nhiều ngành đạt mức tăng trưởng doanh cao vượt trội so với mức trung bình của toàn bộ khối doanh nghiệp như ngành Cơ khí, ngành Xây dựng - Vật liệu xây dựng - Bất động sản, ngành Tài chính, ngành Vận tải - Logistics, ngành Viễn thông - Tin học - Công nghệ thông tin.
Xét về các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng VNR500, năm nay cho thấy được chuyển biến tích cực so với VNR500 của năm 2019.
Cụ thể, hiệu suất sinh lời trên tài sản (ROA) bình quân của đạt 5,73%, cải thiện đáng kể so với mức 2,78% của năm 2019.
Hiệu suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân đạt 16,24%, tăng 2,44 điểm %. Ngoài ra, chỉ số hiệu suất sinh lời trên doanh thu (ROS) cũng tăng từ 6,32% lên mức 6,58% trong năm 2020.
Riêng ngành Thực phẩm - Đồ uống đứng đầu về hiệu quả sử dụng tài sản và vốn chủ sở hữu (đạt ROA và ROE cao nhất, tương ứng đạt 10,43% và 21,97%).
Mặt khác, trong VNR500 năm nay, ngành Tài chính vẫn giữ vị thế dẫn đầu về chỉ số ROS, đạt 13,01% so với mức 9,28% năm 2019.