TP.HCM: Chợ đầu mối đóng cửa, nhưng không thiếu hàng, người dân không nên hoang mang

H.Phúc Thứ tư, ngày 07/07/2021 18:08 PM (GMT+7)
Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM khẳng định: 3 chợ đầu mối tạm ngưng hoạt động - không có nghĩa là hàng hóa không được về TP.HCM, mà chỉ là thay đổi cách mua bán. Hàng hóa tại TP không thiếu, người dân không nên hoang mang.
Bình luận 0

Hàng hóa vẫn dồi dào

Chiều ngày 7/7, tại buổi thông tin về việc cung ứng hàng hóa thiết yếu tại TP.HCM sau khi tạm đóng 3 chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức để phòng dịch. Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - ông Bùi Tá Hoàng Vũ, khẳng định nguồn hàng hóa tại TP không thiếu, người dân không nên hoang mang.

Giải thích về việc này, lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM cho biết 3 chợ đầu mối tạm ngưng hoạt động - không có nghĩa là hàng hóa sẽ không được về TP.HCM, mà chỉ là thay đổi cách mua bán, từ tập kết tại chợ đầu mối thành phân phối trực tiếp về chợ truyền thống, qua kênh online.

TP.HCM: Chợ đầu mối đóng cửa nhưng không thiếu hàng, không nên hoang mang - Ảnh 1.

Hàng hoá tại TP.HCM vẫn dồi dào, người dân không nên hoang mang. Ảnh: SGC.

Kể từ khi có thông tin tạm đóng các chợ đầu mối, đã có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng hóa tạo nên khan hiếm cục bộ tại một số siêu thị, điểm bán lẻ. Để giải quyết việc này, Sở đã làm việc với các siêu thị, doanh nghiệp sản xuất và khuyến khích hệ thống phân phối mở rộng mạng lưới phân phối, kéo dài thời gian hoạt động.

Theo ông Vũ, hiện nguồn hàng hóa từ các tỉnh, thành về TP.HCM rất dồi dào. Các doanh nghiệp, hệ thống phân phối trên địa bàn đã chuẩn bị đầy đủ dự trữ nguồn hàng đáp ứng mọi nhu cầu mua sắm của người dân.

Bên cạnh tổ chức duy trì nguồn cung ứng hàng hóa từ các tỉnh, thành phố về TP.HCM một cách an toàn, lưu thông thông suốt; Sở Công Thương tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, vận hành ổn định chuỗi cung ứng hàng hóa gồm các kênh phân phối hiện đại và truyền thống.

Hiện TP.HCM có 106 siêu thị đang hoạt động, 12 cửa hàng lớn chuyên kinh doanh thịt gia súc, hơn 2.600 siêu thị mini, cửa hàng tiện ích và 28.700 cửa hàng bách hóa.

Sở Công Thương TP.HCM cũng sẽ tăng cường năng lực cung ứng của các chợ truyền thống, hệ thống phân phối hiện đại, đồng thời siết chặt các biện pháp an toàn trong phòng, chống dịch.

Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ khẳng định, với nguồn cung ứng dồi dào và các kênh phân phối đa dạng, người dân không nên lo lắng về việc thiếu hụt lương thực trong tất cả các tình huống.

Về giá cả, đối với các mặt hàng thiết yếu, TP có chương trình bình ổn thị trường, doanh nghiệp bình ổn có nhiệm vụ cung ứng hàng hóa với giá bình ổn, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Người dân không nên hoang mang

Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Saigon Co.op - doanh nghiệp quản lý hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food... cho biết, doanh nghiệp trữ 12 nhóm hàng thiết yếu, bình ổn và thực hiện lưu trữ duy trì cả năm, 12 nhóm hàng này không thay đổi giá. Sản lượng dự trữ có thể cung ứng cho nhu cầu mua sắm của người dân thành phố từ 1-3 tháng.

TP.HCM: Chợ đầu mối đóng cửa nhưng không thiếu hàng, không nên hoang mang - Ảnh 3.

Hàng hoá tại siêu thị có thời điểm hết cục bộ do người dân mua sắm đông 2 ngày qua. Ảnh: Hồng Phúc.

Theo ông, do nhu cầu mua sắm tăng mạnh nên việc thiếu một mặt hàng trên các quầy kệ chỉ mang tính cục bộ, hàng hóa sẽ được lấp đầy sau đó, người dân yên tâm, không nên hoang mang, lo thiếu hàng.

Đây cũng là khẳng định của nhiều doanh nghiệp phân phối lớn tại TP.HCM như Satra, MM Mega Market… trước nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao.

Tổng Giám đốc Satrafoods Lâm Quốc Khanh khẳng định, do lượng khách mua hàng trong những ngày qua tăng mạnh dẫn đến tình trạng thiếu hụt cục bộ trong cung ứng. Đơn vị đã tăng cường thêm nhân viên để kịp thời cung cấp hàng hóa lên kệ. Cùng với đó, các cửa hàng, siêu thị của Satrafoods sẽ tăng thời gian hoạt động, cụ thể mở cửa từ 7h-23h hàng ngày.

Ngoài ra, trong thời gian này, các doanh nghiệp bán lẻ, hệ thống phân phối cũng sẽ duy trì nhiều hình thức mua sắm gồm trực tiếp, đặt hàng qua ứng dụng, hàng giao tận nhà để tránh tiếp xúc.

Để giảm bớt áp lực thiếu người giao hàng, các hệ thống bán lẻ cũng hợp tác với một số đối tác là ứng dụng giao nhận hàng hóa để đưa hàng sớm đến tay người tiêu dùng.

Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, Sở Công Thương đã triển khai đến UBND TP. Thủ Đức và các quận huyện tăng cường tuyên truyền vận động người dân sử dụng các phương thức đặt hàng trực tuyến, đặt hàng qua điện thoại… thay vì mua hàng tại các điểm bán truyền thống.

Các doanh nghiệp phân phối hàng hóa, doanh nghiệp hoạt động thương mại điện tử đẩy mạnh đặt hàng trực tuyến, giao hàng tại nhà cho người dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem