TP.HCM nỗ lực giải cứu thị trường bất động sản: Ánh sáng cuối đường hầm
Nhiều dự án được tái khởi động
Sau khoảng 1 năm đối mặt với nhiều thách thức và chứng kiến sụt giảm mạnh nguồn cung, ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu ngân sách của Thành phố, 1 tháng trở lại đây, thị trường bất động sản TP.HCM đã liên tiếp đón nhận nhiều tin vui từ những động thái tích cực trong việc tháo gỡ các điểm nghẽn cho thị trường của Thành phố. Điều này được nhiều chuyên gia và doanh nghiệp kỳ vọng, sẽ giải tỏa áp lực nguồn cung từ năm 2020 khi nhiều dự án bị tắc được tiếp tục triển khai.
Điển hình nhất là dự án Saigon Sports City (quận 2, TP.HCM) do Tập đoàn Keppel Land làm chủ đầu tư. Sau nhiều năm bị trì hoãn, dự án này đã chính thức được động thổ vào ngày 8/11 vừa qua.
Đây là dự án khu đô thị sáng tạo đầu tiên tại TP.HCM với quy hoạch phức hợp và thông minh trên diện tích 64 ha. Khi hoàn thành, dự án sẽ cung cấp 4.300 căn hộ cao cấp, cùng với tổ hợp thể thao - trung tâm giải trí. Dự án sẽ chính thức được xây dựng vào đầu năm 2020 và hoàn thiện toàn bộ vào năm 2027.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, dự án Saigon Sports City là khu phức hợp gồm các căn hộ thương mại dịch vụ và khu thể thao công cộng có quy mô lớn nằm trong khu quy hoạch thể dục thể thao Rạch Chiếc, quận 2.
“Đây là một trong dự án tiêu biểu, điểm nhấn giúp Thành phố phát triển, cải thiện cơ cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng thể dục thể thao, thực hiện chiến lược phát triển hiện đại hóa và bền vững. Đây cũng là dự án khởi đầu cho đồ án khu đô thị sáng tạo phía Đông TP.HCM”, ông Phong nói.
Tương tự gần đây, một số dự án tưởng chừng khó thoát khỏi cảnh “treo” dài hạn cũng đã được Thành phố nỗ lực tháo gỡ vướng mắc, khó khăn như Khu tứ giác Bến Thành (quận 1), chung cư cao tầng kết hợp trung tâm thương mại Diamond Lotus Lakeview (quận Tân Phú), chung cư cao tầng ở quận 7…
Cụ thể, đối với dự án Khu tứ giác Bến Thành có diện tích khoảng 8.600 m2, Chủ tịch UBND TP.HCM chấp thuận về nguyên tắc theo đề nghị của Sở Xây dựng và sở, ngành liên quan với nội dung: Điều chỉnh thời gian, tiến độ thực hiện từ năm 2019 thành năm 2024.
Theo đó, lãnh đạo Thành phố đã giao các sở, ngành liên quan hướng dẫn Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco các thủ tục chuyển nhượng dự án cho Công ty TNHH Saigon Glory (công ty con của Bitexco), tham mưu, đề xuất UBND Thành phố theo đúng quy định hiện hành; rà soát chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, chức năng dự án, tham mưu, đề xuất UBND Thành phố về điều chỉnh chức năng officetel của dự án (theo đề nghị của chủ đầu tư) theo đúng quy định hiện hành.
Đối với dự án Diamond Lotus Lakeview do Công ty TNHH Bất động sản Ngôi Nhà Xanh (thành viên của Phúc Khang Corporation) làm chủ đầu tư, Chủ tịch UBND Thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường để sớm hướng dẫn thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của Công ty cổ phần Nhựa Tân Tiến (doanh nghiệp đã cổ phần hóa). Sau khi có ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu đề xuất, trình UBND Thành phố theo đúng quy định.
Ngoài các dự án kể trên, theo ghi nhận của Báo Đầu tư Bất động sản, một số dự án khác ở TP.HCM gần đây cũng đã được hoàn thiện thủ tục và bắt đầu đưa sản phẩm ra thị trường.
Chẳng hạn, mới đây, Tập đoàn Hưng Thịnh đã tung ra thị trường dự án biệt thự tại quận 9 mang tên Sài Gòn Garden Riverside Village. Dự án được phát triển trên diện tích đất rộng 30 ha, với 168 căn biệt thự, mỗi căn có diện tích từ 1.000 - 1.500 m2.
Hay mới đây, Công ty cổ phần Bất động sản Khang Điền cũng đã “trình làng” thị trường dự án biệt thự, nhà phố tại quận 9 mang tên Verosa Park. Dự án có quy mô 8,1 ha với 296 sản phẩm nhà phố liên kế và biệt thự.
Vẫn đan xen cơ hội và thách thức
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc TP.HCM tháo gỡ một số điểm nghẽn nằm trong thẩm quyền của mình đã cho thấy những nỗ lực của lãnh đạo Thành phố trong việc khơi thông thị trường bất động sản. Điều này phần nào đã giúp thị trường bước đầu khơi thông được nguồn cung mới. Tuy nhiên, theo giới phân tích, với một siêu đô thị như TP.HCM, nhu cầu nhà ở tăng mạnh theo hàng năm, thì nguồn cung trên vẫn chưa thấm vào đâu, đặc biệt là các dự án dù được tháo gỡ khó khăn về thủ tục, nhưng lộ trình hoàn thiện thủ tục để có thể đưa dự án ra thị trường vẫn chưa thể một sớm một chiều.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Phó giám đốc CBRE Việt Nam cho rằng, khó khăn lớn nhất của TP.HCM không phải do yếu tố thị trường, mà là sự khó khăn về nguồn cung.
“Chín tháng đầu năm nay, thị trường chứng kiến nhiều biến động. Tại TP.HCM ghi nhận sụt giảm mạnh về nguồn cung căn hộ do tác động của các dự án hạ tầng giao thông bị chậm tiến độ, nhiều thay đổi trong chính sách cấp phép dự án, khiến nhà đầu tư e dè, dẫn đến khan hiếm nguồn cung dự án mới trên thị trường”, ông Kiệt nói và cho rằng, năm 2019, CBRE Việt Nam đã điều chỉnh dự báo cho năm 2020 do đánh giá thị trường TP.HCM trước nhiều thách thức mới. Tuy nhiên, với những động thái mới, nguồn cung năm 2020 sẽ tăng nhờ các dự án được khai thông, nhiều dự án đưa sản phẩm ra thị trường sau thời gian dài ngưng trệ, tình hình này dự báo tiếp tục trong năm 2021.
Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, thị trường bất động sản TP.HCM đan xen giữa cơ hội và thách thức. Những tháng cuối năm 2019, tình hình thị trường có nhiều dấu hiệu sáng sủa hơn với sự vào cuộc của lãnh đạo Thành phố. Bên cạnh đó, thị trường cũng có thêm nhân tố để đột phá từ các dự án quy mô lớn chính thức đưa ra thị trường, trong đó có các dự án quy mô lớn ở quận 9 và huyện Nhà Bè.
Theo ông Châu, cơ hội của thị trường lúc này là sự khan hiếm về nguồn cung, trong khi nhu cầu nhà ở của thị trường rất lớn, do vậy, với các doanh nghiệp có dự án hoàn thiện được thủ tục pháp lý không lo chuyện bán hàng. Song, đây chỉ là “một vài điểm sáng trong cả làng tối” khi thị trường bất động sản không thể phát triển đơn độc. Vì vậy, cần thiết phải có cảnh báo về những khó khăn để các nhà hoạch định chính sách có những điều chỉnh phù hợp, nhằm hướng thị trường đến sự phát triển bền vững.
Đánh giá về thị trường trong giai đoạn cuối năm 2019 và năm 2020, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cho rằng, việc lãnh đạo TP.HCM nỗ lực “cởi trói” cho các dự án bị ách tắc thủ tục là một tin rất đáng hoan nghênh. Bởi một khi thị trường đã khơi thông, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục đưa những dự án có vướng mắc đất công khác lên để xin phép gỡ khó và triển khai dự án mới.
Tuy nhiên, ông Phúc cũng cho rằng, động thái này của lãnh đạo Thành phố trước mắt cũng chỉ mới tạo ra tâm lý chung là có sự thay đổi và bớt căng thẳng hơn. Song, trong thời gian ngắn, thị trường TP.HCM vẫn chưa có dấu hiệu tăng nguồn cung, bởi trên thực tế, để thực hiện một dự án phải mất ít nhất từ 2 - 3 năm thì mới có thành phẩm. Mặt khác, giá thị trường hiện nay ở TP.HCM đã có sự tăng cao, điều này khiến cho thị trường sẽ không thay đổi nhiều nếu người tiêu thụ không thể chấp nhận được giá cả đó.
“Thị trường hiện nay đang có độ căng về giá rất lớn. Mức giá này có làm cho thị trường chấp nhận được hay không thì còn nằm ở câu chuyện khác. Giá quá cao khiến cho thị trường không thay đổi nhiều, trong khi đó, không ít doanh nghiệp lại tập trung xây dựng dự án cao cấp, điều này một lần nữa lại khiến cho những người trẻ hay người thu nhập thấp ngày càng đi xa hơn để chạm đến ước mơ sở hữu nhà”, ông Phúc nói.