TP.HCM sẽ xử lý hình sự người vi phạm trật tự xây dựng nhiều lần

08/08/2019 09:39 GMT+7
Trước tình hình vi phạm trật tự xây dựng diễn biến ngày càng phức tạp cả về số vụ và mức độ vi phạm, lãnh đạo TP.HCM đã có những chỉ đạo mạnh tay xử lý những sai phạm này.

Trong khi quận 12 và huyện Hóc Môn đang chật vật giải quyết hậu quả "nhà 3 chung", thì ở quận 9 cũng đang rộ lên xu hướng xây nhà này.

Nóng tình trạng xây không phép, trái phép

Thời gian qua, tình hình vi phạm trật tự xây dựng xảy ra thường xuyên trên địa bàn TP.HCM. Đặc biệt là vùng ven Thành phố như xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh); xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi); xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn); phường Phú Hữu, Phước Long B (quận 9); phường Linh Trung, Tam Phú (quận Thủ Đức)… nhà xây dựng không phép tồn tại thành từng khu, lên đến hàng chục căn hộ.

Trong đó, huyện Bình Chánh từ lâu được xem là điểm nóng của tình trạng phân lô bán nền và xây dựng trái phép. Mặc dù báo chí phản ánh nhiều, nhưng tình trạng này không hề thuyên giảm, nhất là khi thị trường nóng lên, xu hướng này diễn ra ngày một tinh vi hơn.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, tại xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) có hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp được biến hóa, xây dựng dưới tay đầu nậu đất. Những ngôi nhà xây dựng không phép trên đất nông nghiệp hàng ngày vẫn mọc lên, mạnh ai người đó làm, không bản đồ quy hoạch, không đường sá, không điện nước.

Còn tại quận 9, ghi nhận của phóng viên cho thấy, đã có rất nhiều dãy nhà cùng nằm trên một thửa đất được thiết kế na ná nhau, đặc biệt ở chỗ, các ngôi nhà này đều có chung giấy phép, chung sổ đỏ, chung số nhà, nên nhiều người gọi đây là "nhà 3 chung".

Trong vai một người đang có nhu cầu mua nhà giá rẻ, chúng tôi được ông Phước, tự xưng là chủ của dãy nhà 10 căn tại phường Trường Thạnh (quận 9) dẫn tham quan một vòng tại công trình. Chỉ tay vào ngôi nhà được hoàn thiện, ông Phước giới thiệu: "Mỗi căn như thế này bề ngang 4 m, dài 15 m, đã được xây dựng kiên cố, giá 700 triệu đồng, sổ chung".

Khi phóng viên chưa kịp hỏi pháp lý thế nào, ông Phước nói thêm: "Nếu như mua ở đây thì sẽ ra văn phòng thừa phát lại để lập vi bằng, sổ đỏ tôi sẽ giữ, khi nào cần việc gì thì liên hệ, bởi toàn bộ dãy nhà này chung một sổ, không thể giao cho ai giữ được".

Thực tế, chuyện xây dựng không phép, trái phép, xây dựng “nhà 3 chung” đã và đang được xem là điểm nóng nhiều năm nay trên địa bàn TP.HCM. Bên cạnh những công trình xây dựng không phép, trái phép được phát hiện xử lý, cũng có hàng trăm công trình không được phát hiện cùng với đó là sự tiếp tay của các lực lượng chức năng trên địa bàn.

Những ngôi nhà không phép, trái phép xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn TP.HCM

Tại Hội nghị trực tuyến xây dựng đề án tổng thể các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố được tổ chức mới đây, ông Lê Trần Kiên, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, trong năm 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, tổng số giấy phép xây dựng được cấp trên toàn Thành phố gần 126.400 giấy phép, riêng giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ chiếm 89%.

Có gần 6.830 công trình vi phạm, gồm hơn 3.320 trường hợp sai phép (chiếm gần 49%), xây dựng mà không xin phép trên đất đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng và hơn 2.570 xây dựng không phép trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trên đất không được phép.

Bà Đỗ Thị Lâm Tuyền, Phó chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cho rằng, tình trạng vi phạm trật tự ngày càng biến tướng, như giấy phép xây dựng xin làm nhà ở riêng lẻ, nhưng khi xây dựng thì biến thành nhà xưởng hoặc trổ cửa thành “nhà 3 chung”.

“Công tác cưỡng chế công trình xây dựng sai phép gặp khó khăn”, bà Tuyền phân trần và giải thích thêm, UBND các xã cho rằng, việc tháo dỡ hạng mục sai phép không khó. Thế nhưng, việc buộc các chủ đầu tư xây dựng đúng như giấy phép xây dựng hay bít các cửa tự trổ thêm thì rất khó.

Trong khi đó, ông Trần Phú Lữ, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cũng phân tích về sự hạn chế trong việc đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, trong điều kiện đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ.

Theo đó, mỗi năm huyện Bình Chánh tăng trên 30.000 người dân, nhưng hàng loạt dự án nhà ở, khu sinh thái, khu công nghiệp như: 410 ha dự án hồ sinh thái Vĩnh Lộc; 1.000 ha thuộc khu đô thị Nam thành phố và hơn 870 ha đất ở các dự án khác đã không còn hiệu lực hoặc chưa triển khai.

Kiên quyết xử lý

Ngoài những nguyên nhân được lãnh đạo các quận, huyện viện dẫn trên, Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, chính quyền cấp cơ sở một số nơi chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, chưa phát hiện ngăn chặn hành vi xây dựng trái phép.

“Đối với các trường hợp xây dựng không phép, một phần do quản lý không chặt chẽ từ chính quyền địa phương. Công chức được phân công quản lý địa bàn chưa làm hết trách nhiệm, trình độ chuyên môn còn hạn chế”, lãnh đạo Sở Xây dựng khẳng định.

Đặc biệt, bên cạnh sự yếu kém, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương và các cán bộ, thì nguyên nhân chính khiến việc vi phạm xây dựng diễn ra tràn lan tại các địa phương là hành vi bao che, bảo kê của nhiều cán bộ quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.

Điều này được chứng minh qua những số liệu xử lý cán bộ mà Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM đưa ra tại hội nghị. Cụ thể, có trên 300 cán bộ, công chức thanh tra xây dựng bị xử lý về hành vi công vụ (nhiều trường hợp bị cảnh cáo, cách chức, thôi việc). Đặc biệt, chỉ có 1 trường hợp bị phát hiện và xử lý về hành vi tham nhũng là trường hợp của ông Đỗ Duy Hải, cán bộ Thanh tra Xây dựng huyện Nhà Bè bị xử 1 năm tù về tội "Nhận hối lộ”.

Để từng bước khắc phục tình trạng trên, nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó đề xuất các đơn vị có liên quan không cấp số nhà; không cung cấp dịch vụ điện, nước và các dịch vụ khác đối với công trình vi phạm về đất đai, quy hoạch, xây dựng mà chưa chấp hành các quyết định xử lý của cơ quan nhà nước được nhiều người ủng hộ.

Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND Thành phố cho rằng, các đơn vị doanh nghiệp cung cấp điện, nước cho biết, không có quy định cắt điện nước ở các công trình vi phạm.

“Một người dân sửa nhà, xây nhà sai phép thì còn cân nhắc, nhưng những trường hợp xây dựng giữa khu đất trống mà câu điện vào thì có quyền xử lý được. Nếu làm mạnh như vậy sẽ kéo giảm tình trạng vi phạm xây dựng”, ông Hoan nói.

Nhấn mạnh thêm về việc xử lý với vi phạm trật tự xây dựng, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị các sở, ngành, địa phương chấn chỉnh ngay vi phạm với phương châm: "Phát hiện sớm, xử lý nhanh, ngăn chặn từ đầu, không để xây dựng sai phạm hoàn thành".

Ông Phong cũng chỉ đạo Công an Thành phố khẩn trương xác minh, xử lý hình sự người vi phạm nhiều lần, nghiêm trọng, đặc biệt là những đầu nậu, người đầu cơ, xây dựng nhà không phép trên đất nông nghiệp, tự ý phân lô bán nền để trục lợi. Đồng thời, xây dựng hướng dẫn hoặc trình tự xử lý hình sự đối với một số hành vi vi phạm trong xây dựng, đất đai.

Ở một góc độ khác, để kéo giảm vi phạm xây dựng, Sở Xây dựng cũng trình UBND TP.HCM thí điểm cho phép người dân ở huyện Củ Chi và Cần Giờ xây công trình tạm trên đất nông nghiệp. Đồng thời, nhiều quận, huyện đề nghị có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc cải tạo, xây mới và tạo lập nhà ở của người dân trong khu vực quy hoạch. Trong đó, Thành phố cần quyết liệt điều chỉnh, hủy bỏ khỏi kế hoạch sử dụng đất hàng năm đối với các dự án kéo dài quá lâu mà không thực hiện.

Đặc biệt, đối với những quy hoạch không thể điều chỉnh, hủy bỏ mà chưa có quyết định thu hồi đất thì UBND TP.HCM cần cho phép người dân có đất nông nghiệp trong quy hoạch được chuyển mục đích sử dụng đất và xây dựng tạm.

(Dân Việt)
Tags:
Cùng chuyên mục