Trái cây đặc sản Việt thâm nhập vào các siêu thị lớn ở Anh, khó không?
Theo Thương vụ Việt Nam tại Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen, Anh là một thị trường lớn nhưng khó tính, yêu cầu cao về chất lượng nông phẩm. Để có thể tiếp cận thị trường cao cấp này, doanh nghiệp Việt Nam trước hết phải đáp ứng rất nhiều quy chuẩn rất khắt khe.
Năm 2020, Anh nhập khẩu hơn 5,7 triệu tấn rau quả trị giá gần 6,4 tỷ Bảng (khoảng 9 tỷ USD). Trong đó, rau quả từ Việt Nam đạt trị giá gần 11,6 triệu USD, chiếm thị phần 0,18%. Nhập khẩu trái cây trong cùng thời gian trên đạt 3,6 triệu tấn với giá trị 3,9 tỷ Bảng (khoảng 5,4 tỷ USD). Dẫn đầu là chuối (chiếm 29,5% tổng lượng hoa quả nhập khẩu) chủ yếu đến từ Colombia và Costa Rica. Kế đến là nho (chiếm 12% thị phần) chủ yếu đến từ Nam Phi và Tây Ban Nha. Đứng thứ ba là cam, quýt và quả có múi khác chủ yếu đến từ Tây Ban Nha và Peru.
Hiện nay, một số trái cây đặc sản của Việt Nam như nhãn, vải, thanh long, bưởi, chôm chôm đã có mặt tại một số siêu thị nhỏ của người Việt tại London nhưng chưa thâm nhập được vào các siêu thị lớn ở đây. Giá bán lẻ các loại trái cây này cao hơn 3 – 5 lần so với giá bán nhiều loại trái cây thông dụng khác trên thị trường do chi phí vận chuyển bằng đường hàng không từ Việt Nam sang Anh vẫn còn rất cao (12 – 13 USD/kg đối với trái cây tươi) kể từ khi thế giới lâm vào cuộc khủng hoảng logicstic toàn cầu chưa có hồi kết từ cuối năm 2020.
Anh là một thị trường lớn nhưng có yêu cầu khắt khe về chất lượng nông phẩm. Để có thể tiếp cận thị trường cao cấp này, doanh nghiệp Việt Nam trước hết phải thực hành sản xuất theo Global G.A.P., đáp ứng các tiêu chuẩn HCCP của Viện tiêu chuẩn Anh (British Standard Institution) và áp dụng các quy chuẩn quản trị quốc tế như ISO, SA,... Tiếp theo, doanh nghiệp Việt Nam phải có khả năng đảm bảo nguồn cung ổn định cả về số lượng và chất lượng mới có thể cạnh tranh được với các nhà cung cấp đến từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Nam Phi, Costa Rica và Ấn Độ.
Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam còn phải có chiến lược tiếp cận thị trường phù hợp để quảng bá sản phẩm và xây dựng lòng tin với các bạn hàng tiềm năng. Doanh nghiệp xuất khẩu cũng phải làm chủ được công nghệ bảo quản và vận chuyển rau quả, trái cây bằng container lạnh đường biển để giảm chi phí vận chuyển và đảm bảo sản phẩm vẫn còn tươi ngon trong vòng 2 tháng kể từ khi thu hoạch.
Thực tế, ngoài trái cây, nhiều nông sản khác của Việt Nam cũng đã đẩy mạnh xuất khẩu được vào Anh. Chỉ đơn cử, nhập khẩu gạo vào Anh năm 2020 tăng thêm 13,5% từ 671.601 tấn (năm 2019) lên 762.526 tấn. Trong đó, gạo nhập từ Việt Nam đã đạt 3.396 tấn, trị giá 1.295.000 USD), chiếm 0,45% thị phần. Năm nay, Việt Nam đang phấn đấu nâng thị phần gạo Việt tại Anh lên 0,6-0,7%.
Hạt điều cũng vậy, Anh là quốc gia nhập khẩu hạt điều lớn thứ ba và là thị trường tiêu thụ hạt điều lớn thứ hai ở châu Âu. Năm 2020, hạt điều nhập khẩu vào Anh đạt 23 ngàn tấn. Trong đó, hạt điều từ Việt Nam đạt hơn 16 ngàn tấn, trị giá hơn 92 triệu USD, chiếm 71% thị phần.
Về hạt tiêu, năm 2020, nhập khẩu hạt tiêu vào Anh đạt gần 14 ngàn tấn, trị giá 121 triệu USD, trong đó có 5.621 tấn từ Việt Nam, trị giá hơn 48 triệu USD, chiếm gần 40% thị phần.
Cà phê, năm 2020, nhập khẩu cà phê vào Anh đạt gần 1 tỷ USD. Trong đó, cà phê từ Việt Nam đạt 27.915 tấn, trị giá hơn 48 triệu USD, chiếm gần 5% thị phần cà phê nhập khẩu vào Anh.
Các mặt hàng nông sản trên của Việt Nam đã hiện diện tại thị trường Anh. Điển hình là cà phê, hạt điều và hạt tiêu được tiêu thụ khá tốt trong các siêu thị lớn và được nhiều người tiêu dùng Anh đánh giá cao về chất lượng. Gạo và trái cây như nhãn, vải, thanh long cũng đã có mặt nhưng chủ yếu được bày bán tại các siêu thị nhỏ chứ chưa thâm nhập được các siêu thị lớn như đã nói trên.
Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA) đã giúp nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trên thị trường Anh so với các sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ các nước chưa có FTA với Anh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ có thể tận dụng được lợi thế cạnh tranh này nếu sản phẩm đáp ứng được yêu cầu chất lượng theo tiêu chuẩn Anh và phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người Anh. Các doanh nghiệp Việt Nam phải rất nỗ lực mới có thể vượt qua thách thức này.
UKVFTA đã có hiệu lực đầy đủ nhưng cơ hội không chờ đợi ai và có thể không kéo dài vì Anh sẽ gia nhập CPTPP (Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) trong tương lai không xa và đang tích cực theo đuổi các FTA song phương với các đối tác thương mại lớn.
Thị trường Anh là một thị trường lớn nhưng rất cạnh tranh. Để có thể thiết lập được cơ sở và mở rộng thị phần bền vững tại Anh bên cạnh các đối thủ cạnh tranh mạnh đến từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Nam Phi và Ấn Độ, doanh nghiệp Việt Nam còn phải có chiến lược tiếp cận thị trường phù hợp.
Thương vụ Việt Nam tại Anh với sự hỗ trợ của các chuyên gia marketing sở tại sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp.