Trí tuệ trẻ thơ và hệ luỵ từ đại dịch

Quốc Phong Chủ nhật, ngày 26/12/2021 10:10 AM (GMT+7)
Với cách nhìn của người làm báo, tôi cảm thấy lo lắng cho một thế hệ trẻ hôm nay của chúng ta. Các cháu rồi sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều đến trí tuệ và tâm lí bởi dịch bệnh kéo dài như hiện nay.
Bình luận 0

Không mấy ai có thể ngờ, đại dịch Covid-19 cho đến nay đã kéo dài ngót nghét 2 năm tròn với biết bao hệ luỵ vì nó mà sinh ra.

Với trẻ em nói chung, quả là một thiệt thòi rất lớn khi phải sống với một lối sinh hoạt khép kín quá lâu trong nhà. Điều đó khiến con cháu chúng ta bị tù túng, ít có điều kiện sinh hoạt, giao lưu cùng chúng bạn nên đã và sẽ có nhưng dấu hiệu ảnh hưởng không nhỏ đến trí tuệ.

Thậm chí, nếu còn kéo dài tiếp, không loại trừ những chứng trầm cảm cũng có thể xảy ra trong cộng đồng trẻ thơ tuỳ theo từng mức độ khác nhau. 

Rất nhiều bậc cha mẹ đã than phiền, lo lắng rằng họ thấy con ở nhà đang béo phì, kêu buồn chán, không muốn học, có cháu thì nghịch phá quá mức, có cháu bẳn gắt với cha mẹ, có cháu suốt ngày rúc trong phòng riêng ôm máy tính đến bữa cũng không ra...

Một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến dấu hiệu xấu trên là do nhiều gia đình cha mẹ phải đi làm mà không có người khác ở nhà phụ giúp. Trẻ em, có thể là đối tượng ngồi nhà một mình, sẽ rất cô đơn. Tuổi này chúng rất hiếu động cho nên nhiều khi sẽ có những kiểu nghịch dại tai hại không ngờ đến , nhiều khi gây tai hoạ tuỳ mức độ...

Một nghiên cứu mà tôi đã đọc trên báo, theo Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Cao Tiến Đức ,nguyên Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103 thì  Covid-19 là một sang chấn nghiêm trọng tác động đến tâm lý con người, khiến người ta dễ mắc các rối loạn về tâm thần như trầm cảm, lo âu, rối loạn tress sau sang chấn.

Trí tuệ trẻ thơ và hệ luỵ từ đại dịch - Ảnh 2.

Học sinh trường THPT Trưng Vương (quận 1, TP.HCM) đang hướng dẫn các bạn trong lớp thực hiện 5K hôm 10/12 Ảnh: Mỹ Quỳnh.

Nghiên cứu của GS. Đức và cộng sự tại khu cách ly, các đối tượng cách ly, những người phục vụ, người dân trong cộng đồng bị phong tỏa… cho thấy phản ứng tâm lý của họ rất mạnh. Người già, phụ nữ, trẻ em, người có trình độ học vấn thấp là những đối tượng dễ bị tác động tâm lý, do đó dễ mắc các rối loạn về tâm thần. Và đương nhiên, trẻ em là đối tượng rất đáng quan tâm khi chúng không được đến trường, ít được tiếp xúc như bình thường... 

Đến giờ phút này, Bộ Giáo dục Đào tạo luôn ở tâm thế đã hoặc sẽ cho trẻ đến trường (tuỳ cấp độ dịch mỗi nơi mỗi khác), nhưng thực tế là sau ít ngày bình an thì tình hình vẫn chập chờn. Nhiều khi nghĩ rằng có thể tiếp tục cho trẻ học tập trung thì lại phải dừng cho học trực tuyến vì dịch vẫn bùng rộng.

Chính vì thế mà các cơ quan có trách nhiệm trong ngành giáo dục có thể vẫn chưa nghĩ tới phương án viết một loại sách bỏ túi cho cha mẹ các con chăm sóc, dạy dỗ con mình khi chúng chưa được đến trường cùng bạn bè. 

Nếu thiếu những hướng dẫn kịp thời được Bộ GDĐT biên soạn như những cuốn cẩm nang giúp phụ huynh nuôi dạy trẻ em theo từng độ tuổi, sẽ thật khó cho các bậc cha mẹ biết cách chăm sóc, nuôi dạy con mình, đặc biệt là yếu tố tâm lý của trẻ em mỗi tuổi mỗi khác.  

Lại còn việc học qua mạng với con trẻ, nếu cha mẹ không có nhà, thì liệu ngoài dùng máy tính phục vụ việc học, trẻ nhỏ còn truy cập những gì! Rồi mải vào mạng, lười học, lủi như trạch khi bị kiểm tra bài rồi đổ lỗi do mất mạng... Nhiều hệ luỵ khó tránh từ đó mà ra.

Không quá khi nhận xét  rằng, nếu cuộc sống theo lối giãn cách, dù là bình thường mới đi nữa, nhưng cứ khép kín kéo dài thêm mà người lớn không được hướng dẫn nuôi dạy trẻ thì rồi đây liệu có xuất hiện một lớp trẻ nhút nhát, phát triển chậm, chỉ vì các con ít được tiếp xúc xã hội, trong đó có bạn bè cùng trang lứa!

Như tôi tìm hiểu, trên các hiệu sách chưa thấy những cuốn cẩm nang nuôi dạy trẻ mùa đại dịch. Trao đổi với người làm công tác biên tập của một nhà xuất bản thì đúng là chưa có. Được biết, ở nhiều nước, ngay từ khi đại dịch bùng phát đầu năm 2020 và bắt đầu phong toả, nhà chức trách đã ban hành những hướng dẫn rất chi tiết cho các gia đình khi ở nhà, trong đó nêu rõ hành vi của cha mẹ nên thế nào, ứng xử với con cái như thế nào, từ chuyện tập thể dục, làm việc, học tập, ăn uống, chơi với con hàng ngày…

Hơn lúc nào hết, theo tôi, Bộ GDĐT nên sớm thực hiện những cuốn sách đó càng sớm càng tốt cho các gia đình, mục đích là để hạn chế những tiêu cực mà dịch bệnh kéo dài làm ảnh hưởng đến con em chúng ta.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem