Trồng loại cây khiến đàn ông luôn "nhớ vợ", mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng
Loại cây gây "nhớ vợ"
Sâm cau là một thảo dược vô cùng quý hiếm, còn có tên gọi khác là tiên mao, có tên khoa học là Curculigo orchioides Gaertn.
Sâm cau được coi như Viagra tự nhiên dành cho các quý ông. Loại cây này có tác dụng tăng ham muốn, hỗ trợ nam giới bị liệt dương, yếu sinh lý, tinh trùng yếu, vô sinh bằng các bài thuốc tán bột hoặc rượu ngâm từ rễ sâm cau.
Nhiều nghiên cứu khoa học cũng cho thấy, tác dụng chính của sâm cau là tăng cường sức khỏe và tinh thần, giảm mệt mỏi, tăng sức lực và độ dẻo dai, củng cố hệ thống miễn dịch…
Chính bởi những tác dụng tuyệt vời từ sâm cau nên loại cây này được không ít người săn lùng. Đáp ứng nhu cầu, thị trường xuất hiện nhiều nguồn cung cấp dược liệu quý này.
Tin theo lời quảng cáo của người bán, không ít người đã chi cả triệu đồng để mua "sâm cau" về ngâm rượu, thế nhưng lại bị nhầm với củ rễ cây bồng bồng. Rễ cây Bồng bồng có tác dụng lợi tiểu, giải nhiệt, giải độc, hoàn toàn không có tác dụng sinh lý. Việc sử dụng nhầm dược liệu vừa không có tác dụng cải thiện sinh lý nam mà còn có thể gặp nhiều tác hại vì toàn cây bồng bồng bỏ rễ có độc, dùng phải thận trọng.
Sự khác biệt giữa hai loại cây này là, sâm cau cao chừng 20 – 30cm, có từ 3-6 lá mọc tụ họp thành túm từ thân rễ, xếp nếp như lá cau, hình mũi mác hẹp.
Thân rễ mập, hình trụ dài, dạng củ, to bằng ngón tay út, có rễ phụ nhỏ, vỏ thô màu nâu, trong nạc màu vàng ngà. Cây sâm cau ưa ẩm, ưa sáng và hơi chịu bóng, thường sống trên những nơi đất còn tương đối mầu mỡ trong thung lũng, chân núi đá vôi hoặc ven rẫy. Sâm cau là loài cây sống rất khỏe, lá xanh tốt quanh năm vì thế có thể trồng trong chậu làm cây cảnh.
Sâm cau mọc ở các tỉnh miền núi từ Lai Châu, Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Giang, Quảng Ngại. Tuy nhiên, sâm cau nhiều năm trước bị khai thác quá mức, đến nay đã khan hiếm. Bởi vậy, hiện nay, sâm cau đang được trồng để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu.
Căn cứ vào kết quả điều tra thực tế, từ năm 1996 đến nay, loài sâm cau được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam và Danh mục Đỏ cây thuốc Việt Nam. Loài cây này luôn được xếp vào nhóm những loài cây thuốc bị đe dọa, cần ưu tiên bảo tồn ở Việt Nam.
Thu về hàng trăm triệu đồng
Nhận thây tiềm năng của sâm cau, nhiều địa phương đã nghiên cứu và trồng loại cây quý này. Bắt đầu từ đầu năm 2019, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đã thực hiện dự án "Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình nhân giống, trồng, thu hái sơ chế bảo quản cát sâm và sâm cau theo tiêu chuẩn GACP-WHO làm nguyên liệu sản xuất cao sâm cau lâm dược và siro ho lâm dược trên địa bàn tỉnh Bắc Giang".
Đơn vị thực hiện dự án này là Công ty cổ phần Lâm Y Dược Bắc Sơn. Một trong những mục tiêu của dự án này là giúp người dân quan tâm hơn đến việc phát triển cây dược liệu.
Bên cạnh đó, hỗ trợ người dân biết áp dụng kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến dược liệu theo hướng sản xuất hàng hoá để cung cấp nguyên liệu cho sản xuất dược liệu các nhà máy sản xuất thuốc chữa bệnh.
Theo ông Vũ Huy Kiên, cán bộ kỹ thuật Công ty cổ phần Lâm Y Dược Bắc Sơn, do áp dụng theo phương pháp mới từ gieo ươm giống mô hom cho tới cách trồng, chăm sóc nên đơn vị đã chú trọng khâu tập huấn và chuyển giao kỹ thuật cho người dân tham gia.
Cùng đó, quan tâm giám sát quá trình thực hiện, bà con đã tiếp thu và ứng dụng những kỹ thuật mới vào sản xuất. Kết quả, không ít diện tích trước đây bỏ không đã được thay thế bằng những loại dược liệu quý.
Sau hơn 1 năm triển khai dự án, đến nay toàn xã có hơn chục ha cát sâm và sâm cau. Các loại cây trồng này đang sinh trưởng, phát triển tốt.
Qua thực tế sản xuất của đơn vị, một ha trồng cát sâm sau chu kỳ 3 năm cho thu hoạch 7-8 tấn tươi; với giá bán bình quân 150 nghìn đồng/kg đã mang lại thu nhập hơn 1,1 tỷ đồng.
Cùng đó, một ha sâm cau sau chu kỳ 2 năm cho năng suất 4 tấn tươi với giá 150 nghìn đồng/kg đã cho thu nhập 600 triệu đồng, cao hơn nhiều so với nhiều loại cây trồng khác trên cùng đơn vị diện tích.
Không chỉ có sâm cau, cát sâm, nhằm đa dạng các loại dược liệu tạo nguồn sản phẩm đầu vào phục vụ cho sản xuất kinh doanh, hiện nay Công ty cổ phần Lâm Y Dược Bắc Sơn còn triển khai trồng nhiều loại cây như: Ba kích tím, kim ngân, củ mài, cà gai leo, kim tiền thảo, địa liền... ở một số địa phương trong tỉnh.
Sâm cau với những công dụng tuyệt vời cho sức khỏe và sinh lý nam. Tuy vậy, cần tỉnh táo lựa chọn để dùng được đúng loại Sâm cau. Tốt nhất nên tìm mua Sâm cau tại những đơn vị uy tín, có kiểm định rõ ràng. Tuyệt đối không nên mua dược liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc từ những thông tin không chính thống trên mạng, tránh gặp phải tình trạng "tiền mất tật mang" với nhiều hệ lụy cho sức khỏe.
Trong khi đó, cây Bồng bồng có tên khoa học là Dracaena angustifolia, thuộc họ Huyết giác (Dracaenaceae), là cây nhỏ, cao 1 – 3m. Rễ củ phân nhánh nhiều, màu hồng. Ở dạng nguyên củ, sâm cau thường chia đốt rõ ràng, vỏ màu nâu đen, thân chỉ có 1 rễ chính, không phân nhánh, có các rễ con bám quanh thân rễ chính.
Theo TS.BS Phạm Hưng Củng (Sức khỏe & Đời sống)