Trồng nấm sạch, lão nông ở Chư Sê thu lãi hơn 40 triệu đồng mỗi tháng
Đầu năm 2020, ông Tĩnh đầu tư gần 400 triệu đồng xây dựng nhà xưởng với diện tích 700 m2, mua sắm máy móc, lò hấp, lắp đặt hệ thống làm mát tự động, áp dụng khoa học kỹ thuật cho quy trình sản xuất nấm sạch. Nhờ đó, sản phẩm nấm của ông Tĩnh làm ra chất lượng cao, được thương lái đến tận cơ sở để thu mua.
Ông Nguyễn Hữu Tỵ-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Sê: Hiện nay, một số hộ hội viên nông dân ở các xã, thị trấn đã hình thành mô hình sản xuất theo hướng an toàn, bước đầu cho thu nhập khá, trong đó có mô hình trồng nấm của gia đình ông Phan Văn Tĩnh. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục vận động các hộ đầu tư phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm. Đồng thời, vận động hội viên áp dụng sản xuất sạch, nhằm từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương để phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng bền vững.
Ông Tĩnh cho biết: Trước đây, gia đình trồng hồ tiêu, khi vườn cây bị dịch bệnh chết thì chuyển qua thử nghiệm nhiều mô hình kinh tế khác nhau, nhưng thu nhập không ổn định. Qua xem trên ti vi, sách báo thấy trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều người làm giàu từ nghề này nên ông để tâm tìm hiểu. Sau 1 năm vừa đi tham quan học hỏi kinh nghiệm từ các cơ sở trồng nấm trong và ngoài tỉnh, vừa trồng thử nghiệm, ông quyết định bắt tay vào trồng nấm thương phẩm.
“Hiện tại cơ sở tôi đang trồng 4 loại nấm với gần 50.000 bịch phôi gồm: nấm sò trắng, nấm bào ngư, nấm rơm và loại mới do chính tay tôi tạo giống được đặt tên là nấm chân dài. Một tháng, nấm ra đều trong 30 ngày, một ngày tôi thu khoảng 50 kg nấm các loại, giá bán sỉ khoảng 35.000 đồng/kg, thu về gần 2 triệu đồng. Ngoài nguồn thu từ nấm thương phẩm, gia đình tôi còn cung cấp phôi nấm giống cho các hộ trong và ngoài huyện. Sắp tới chúng tôi sẽ mở rộng quy mô sản xuất vì nguồn hàng hiện nay cung cấp cho các thương lái vẫn chưa đủ”-ông Tĩnh chia sẻ.
Theo ông Tĩnh, trồng nấm không khó, quan trọng nhất là khâu chuẩn bị nguyên liệu phải hết sức kỹ càng vì nó quyết định đến năng suất và chất lượng. Điểm thuận lợi là nguyên liệu dùng để sản xuất phôi nấm gồm: mùn cưa, vôi, cám gạo, cám bắp… đều sẵn có ở địa phương. Đồng thời, trong quá trình ủ phải dành nhiều thời gian theo dõi, kiểm tra nhiệt độ, ánh sáng và độ ẩm phù hợp để nấm phát triển.
Nếu làm tốt các khâu kỹ thuật thì mỗi bịch phôi nấm sẽ cho thu hoạch 4-5 lứa. Sau mỗi lần thu hoạch phải vệ sinh sạch sẽ từng miệng phôi, nếu không thì sẽ bị mốc xanh và không thể cho lứa nấm tiếp theo. Ngoài ra, trồng nấm không tốn nhiều diện tích bởi các bịch phôi được xếp chồng lên nhau và nấm chỉ phát triển tại vị trí cổ bịch. Vừa làm, vừa học hỏi giờ đây ông Tĩnh đã làm chủ được kỹ thuật, áp dụng cho nấm phát triển theo ý muốn của mình để cung cấp cho thương lái mỗi ngày.
Ông Nguyễn Văn Bi-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Glai-cho biết: “Mô hình trồng nấm của ông Phan Văn Tĩnh khá mới lạ ở địa phương, nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao, chi phí đầu tư thấp, thời gian thu hồi vốn nhanh. Mô hình đã giúp giải quyết việc làm cho 5-7 lao động tại địa phương. Hiện chúng tôi đã ký kết với cơ sở của ông Tĩnh để cung cấp giống cho hội viên có nhu cầu; đồng thời, hỗ trợ cho họ về kỹ thuật trồng và chăm sóc nấm. Về lâu dài thì chúng tôi sẽ thành lập tổ hội trồng nấm trên địa bàn xã để có nguồn cung ổn định cho thị trường”.