Trung An Rice (TAR) "lấn sân" sang điện rác, DN Nhật Bản muốn hợp tác làm thành phẩm sau gạo

01/07/2023 07:00 GMT+7
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, lãnh đạo Trung An (TAR) cho biết hiện có Tập đoàn Nhật Bản muốn đầu tư vào Công ty. "Họ mong muốn không chỉ đầu tư vốn mà còn đầu tư cả nhà máy để sản xuất các sản phẩm có thế mạnh như các thành phẩm sau gạo", lãnh đạo TAR nói.

Trung An Rice (TAR) muốn chào bán thêm gần 39,2 triệu cổ phiếu với giá 15.000 đồng/cp

Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Trung An Rice; TAR) vừa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 tại TP.Cần Thơ.

Đại hội thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 với doanh thu 3.800 tỷ đồng, đi ngang; lợi nhuận sau thuế 50 tỷ đồng, giảm 33,5% so với thực hiện năm trước.

Về kế hoạch cổ tức, Cổ đông nhất trí phương án chia cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10% (10 cổ phiếu nhận được 1 cổ phiếu mới). Năm 2023, Công ty dự kiến cổ tức tỷ lệ 10%.

 Trung An Rice (TAR) "lấn sân" sang điện rác, DN Nhật Bản muốn hợp tác làm thành phẩm sau gạo - Ảnh 1.

Năm 2023, TAR đặt mục tiêu với doanh thu 3.800 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 50 tỷ đồng, giảm 33,5% so với thực hiện năm trước.

Định hướng đến năm 2023, sản lượng gạo Trung An sẽ chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, trong đó có 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là nhóm gạo thơm, gạo có thương hiệu.

Đại hội cũng đồng ý dừng triển khai thực hiện chuyển niêm yết cổ phiếu TAR sang HoSE. Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 đã thông qua việc chuyển niêm yết chứng khoán công ty sang HoSE. Tuy nhiên, lãnh đạo công ty cho rằng, trong bối cảnh yếu tố vĩ mô không thuận lợi, thị trường chứng khoán diễn biến khó lường và Công ty tập trung tái cấu trúc doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Công ty thông qua phương hủy phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2020.

Tờ trình về hủy phương án thoái phần góp vốn tại Công ty cổ phần Nông nghiệp cao Trung An Kiên Giang cũng đã được thông qua. Được biết, theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2022 đã thống nhất phương án thoái phần vốn tại Công ty này. Số tiền thoái dự kiến thu được không thấp hơn 191 tỷ đồng. Mục đích sử dụng để tăng vốn lưu động, góp vốn thành lập các công ty con.

Công ty cũng không thực hiện quyền mua cổ phần trong đợt phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ tại Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An Kiên Giang trong năm 2023.

Đáng chú ý, Đại hội thông qua phương án chào bán cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Cụ thể, Công ty dự kiến chào bán thêm gần 39,2 triệu cổ phiếu với giá 15.000 đồng/cp, phát hành riêng lẻ 40 triệu cổ phiếu để tăng vốn với giá 20.000 đồng/cp cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Số tiền thu được từ đợt chào bán 578,4 tỷ đồng (chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu) và 800 tỷ đồng (chào bán riêng lẻ) dự kiến sẽ dùng để mở rộng dự án phát triển vùng nguyên liệu tại vùng tứ giác Long Xuyên nhằm sản xuất lúa sạch chất lượng cao, lúa hữu cơ hướng đến thị trường xuất khẩu cao cấp. Đồng thời, bổ sung vốn đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao vùng tứ giác Long Xuyên, nâng cao năng lực về vốn, đáp ứng vai trò là đối tác được Bộ NN&PTNT chọn để phát triển vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Thời gian thực hiện dự kiến năm 2022-2025.

Tập đoàn Nhật Bản và Mỹ muốn đầu tư vào Trung An

Thảo luận:

- Giá lúa gạo tăng, xuất khẩu lúa gạo cũng tăng, doanh thu tăng vậy tại sao lợi nhuận giảm mạnh. Kế hoạch kinh doanh năm 2023 cũng rất thấp?

Trong quá trình thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty nhận thấy thực trạng giá lúa gạo tăng nhưng giá lúa của nông dân bán ra cũng tăng mạnh theo, khiến chi phí sản xuất, giá thành tăng cao. Lãi suất ngân hàng từ năm ngoái đến nay cũng rất cao. Dù lãi suất có xu hướng giảm nhưng chỉ là xu hướng thôi, thực tế dù Công ty kinh doanh sản xuất gạo thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ nhưng lãi suất ngân hàng hiện nay cho Công ty vẫn ở mức cao.

Do đó, dù Nhà nước đã chỉ đạo các Ngân hàng giảm lãi suất hỗ trợ các doanh nghiệp nhưng để áp dụng vào thực tế vẫn sẽ có độ trễ nhất định. Ngoài ra, tình hình kinh tế khó khăn, biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Các yếu tố trên đã phần nào bào mòn lợi nhuận. Tuy nhiên, Công ty tự đánh giá cơ hội phát triển trong năm 2023 của Công ty sẽ rất lớn do giữ vững được các đơn hàng, đảm bảo được hoạt động sản xuất kinh doanh.

- Căn cứ điều 8 Nghị quyết ĐHĐCĐ 2022 là nới room - nâng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại TAR từ 0% lên 49%, đề nghị HĐQT giải trình tại sao chưa thực hiện theo Nghị quyết?

Về nâng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, Công ty vẫn giữ vững kế hoạch xuyên suốt. Để nâng tỷ lệ sở hữu tối đa nhà đầu tư nước ngoài lên 49%, một số ngành kinh doanh Công ty không được phép. Vì vậy, TAR đang thực hiện điều chỉnh nhưng cần phải có thời gian để không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hiện có một Tập đoàn của Nhật Bản cũng muốn đầu tư vào Công ty, đã cử người qua khảo sát và mong muốn không chỉ đầu tư vốn mà còn đầu tư cả nhà máy để sản xuất các sản phẩm có thế mạnh như các thành phẩm sau gạo. Công ty cũng đã sang Nhật Bản, đến công ty và các nhà máy của họ xem các sản phẩm này, chúng tôi thấy có nhiều tiềm năng phát triển. Ngoài ra, còn có một doanh nghiệp của Mỹ cũng muốn đầu tư nhưng cũng phải chờ Công ty làm xong thủ tục này.

Trung An Rice được thực hiện dự án điện rác

- Năm trước Công ty có nói đến kế hoạch sẽ đầu tư thực hiện các dự án điện rác ở các địa phương, nay Quốc hội đã thông qua Điện 8, Công ty có dự án nào chưa? Nếu có, khi nào đầu tư và nguồn vốn ở đâu để đầu tư?

Công ty đã theo đuổi thực hiện dự án này 3 năm nay và đã có 2 dự án ở tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Phú Yên được UBND các tỉnh này chấp thuận. Đây là những dự án lớn, phải thực hiện cạnh tranh với 8 đơn vị khác và Công ty phải đợi Chính phủ phê duyệt. Và đến 15/5, TAR chính thức được lựa chọn để thực hiện quy hoạch dự án này.

Để đầu tư vào dự án điện rác, vốn rất lớn vì một mô-đun 420 tấn rác trên một ngày phải xử lý ra thành điện và phải xanh, sạch, thân thiện với môi trường, không có khói bụi. Vì vậy, để an toàn Công ty không đi vay ngân hàng hay phát hành cổ phiếu để mua máy móc thiết bị bởi, không phải không làm được. Nhưng nếu mua máy móc thiết bị về, không ra điện như yêu cầu sẽ rủi ro cho Công ty. Vì vậy, chúng tôi chọn giải pháp là đối tác nước ngoài đầu tư 100% từ xây dựng nhà máy cho đến lắp đặt máy móc thiết bị và cho đến khi giá điện bán cho EVN. Khi thu được tiền thanh toán sẽ trả cho đối tác nước ngoài. Tức là chúng tôi làm phương án là mua trả chậm thì hoàn toàn đối tác nước ngoài đồng ý.

- Trước tôi thấy Công ty muốn bán bớt cổ phần tại Công ty con là Trung An Kiên Giang, nhưng nay vẫn chưa bán. Nay Công ty lại có kế hoạch sẽ từ chối mua quyền mua cổ phiếu khi Công ty Trung An Kiên Giang phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Vì sao?

Hiện Công ty đang nắm 90,81% tại Trung An Kiên Giang. Công ty đã đầu tư nhiều trong khi các cổ đông khác đang góp vốn ít, không tương xứng. Do đó, Công ty muốn giữ tỷ lệ nắm giữ Công ty con ở mức vừa phải. Bởi đầu tư vào nông nghiệp đòi hỏi thời gian lâu dài, bền bỉ và cũng có nhiều rủi ro. Chính vì vậy, lúc đầu Công ty có ý định bán bớt đi để thu hồi vốn. Tuy nhiên, vùng nguyên liệu tại Trung An Kiên Giang vẫn đang cần đầu tư máy móc và mở rộng vùng canh tác trồng lúa, cần vốn đầu tư lâu dài nên nếu thay vì Công ty góp vốn thêm vào, nên để doanh nghiệp khác góp vốn để cùng đồng hành và cùng chia sẻ sẽ tốt hơn.


Ong Lý
Cùng chuyên mục