Trung Quốc bị nghi giữ nước gây hạn, dự báo năng suất lúa gạo Việt Nam giảm hơn 3%

10/05/2020 15:25 GMT+7
Trung Quốc mới đây tiếp tục phủ nhận việc các đập thủy điện ở thượng lưu sông Mê Kông đã giữ lại lượng nước khổng lồ khiến nhiều quốc gia nằm ở hạ lưu như Việt Nam, Campuchia đối mặt với tình trạng hạn hán nghiêm trọng.

Người dân hạ lưu sông Mê Kông “chết mòn”

Ngư dân ở Đông Bắc Thái Lan đã báo cáo sản lượng cá khai thác trên sông Mê Kông sụt giảm nghiêm trọng trong những năm gần đây, trong khi nông dân ở Việt Nam và Campuchia kêu cứu vì hạn hán khiến diện tích trồng trọt thu hẹp đáng kể. Nguyên nhân chính gây nên tình trạng này là mực nước thất thường trên sông Mê Kông, con sông dài thứ ba Châu Á.

Sông Mê Kông có độ dài khoảng 4.300 km, chạy qua 6 quốc gia bắt đầu từ Trung Quốc ở thượng nguồn, Campuchia, Lào, Thái Lan Myanmar và cuối cùng là Việt Nam trước khi đổ ra Biển Đông. Dòng sông có vai trò “huyết mạch” cung cấp sinh kế cho khoảng 200 triệu người dân các quốc gia nằm dọc lưu vực sông trong nhiều thế kỷ.

Nghiên cứu của nhiều tổ chức phi chính phủ gần đây chỉ ra rằng 11 đập thủy điện mà Trung Quốc xây dựng ở thượng lưu sông Mê Kông đã làm thay đổi dòng chảy của sông, khiến mực nước sông trở nên thất thường, qua đó đe dọa an ninh lương thực và sinh kế của hơn 60 triệu người dân các quốc gia khu vực hạ lưu sông, trong đó có Việt Nam.

Ông Teerapong Pomun, Giám đốc Viện Nghiên cứu Cộng đồng Mê Kông đồng thời là thành viên Tổ chức sông ngòi Đông Nam Á SEARIN cho hay nhiều năm trước đây, mực nước sông Mê Kông tăng và giảm chậm trong khoảng 3-4 tháng mùa mưa và mùa khô. Nhưng bây giờ, mực nước tăng và giảm gần như chỉ sau 2-3 ngày, vì những con đập.

Trung Quốc bị nghi giữ nước gây hạn, dự báo năng suất lúa gạo Việt Nam giảm hơn 3% - Ảnh 1.

Nông dân miền Tây Việt Nam trên cánh đồng lúa hạn hán (Ảnh: Vietnamnet)

Hồi tháng 4, một báo cáo của Eyes on Earth được tài trợ bởi Chính phủ Mỹ chỉ ra rằng việc Trung Quốc giữ lượng nước lớn trong các đập chứa nước vào mùa hạn hán đang làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán tại các nước hạ lưu sông Mê Kông như Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến nghề đánh bắt cá và sản xuất lúa gạo, đồng thời đe dọa an ninh lương thực trong khu vực. 

Zhang Hongzhou, một nghiên cứu viên của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam Singapore nhận định: “Tình hình hiện tại ở khu vực sông Mê Kông rất đáng quan ngại khi hạn hán kéo dài gây ra nhiều mối đe dọa, đặc biệt là về an ninh lương thực”. 

Minh chứng rõ ràng nhất, sông Mê Kông đang chảy qua những vựa lúa Châu Á ở Thái Lan và Việt Nam. Khi tình trạng hạn hán và lũ lụt nghiêm trọng do biến động mực nước xảy ra, diện tích trồng lúa ngày càng thu hẹp sẽ gây ra nguy cơ lớn với an ninh lượng thực. Mực nước sông Mê Kông đã giảm xuống mức thấp kỷ lục vào tháng 7 năm ngoái đã khiến khu vực đồng bằng sông Cửu Long - một trong hai vựa lúa lớn nhất của Việt Nam phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Hồi tháng trước, Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo năng suất lúa gạo của Việt Nam trong năm 2020 có thể giảm 3,3% so với ước tính trước đó do tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn, khiến sản lượng thu hoạch giảm 0,9%. Việt Nam hiện là một trong ba nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Bên cạnh nông nghiệp, mực nước sông Mê Kông cũng ảnh hưởng nhiều đến các làng nghề ngư dân dọc theo bờ sông. Nhiều báo cáo chỉ ra rằng các làng chài ven bờ hồ lớn nhất Đông Nam Á Tonle Sap của Campuchia đã báo cáo sản lượng đánh bắt giảm mạnh 80-90% so với những năm trước đây. Dự báo cũng cho thấy sản lượng đánh bắt cá dọc theo sông Mê Kông có thể giảm tới 40% đến năm 2020 và giảm tới 80% vào năm 2040.

Ông Leang Bunleap, giám đốc điều hành Mạng lưới Bảo vệ các sông Sesan, Srepok và Sekong ở tỉnh Stung Treng, Campuchia nhận định: “Năng suất cây trồng giảm, động vật chết vì hạn hán đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của người dân bởi cuộc sống của họ trong nhiều thế hệ đã phụ thuộc chủ yếu vào tài nguyên thiên nhiên”. 

Trung Quốc và tham vọng từ những đập thủy điện sông Mê Kông

Các nghiên cứu chỉ ra tham vọng xây dựng đập thủy điện tại Trung Quốc có thể đã bắt nguồn từ những năm 1950, khi nhiều kỹ sư tiến hành khảo sát đoạn sông Mê Kông chảy qua tỉnh Vân Nam, phía Tây Nam Trung Quốc.

Trung Quốc bị nghi giữ nước gây hạn, dự báo năng suất lúa gạo Việt Nam giảm hơn 3% - Ảnh 3.

Một đập thủy điện giữ nước ở Trung Quốc

Từ những năm 1980, Trung Quốc đã đẩy mạnh xây dựng đập thủy điện trên các dòng sông để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng khi nền kinh tế bắt đầu một giai đoạn bùng nổ tăng trưởng trước khi vượt mặt cả Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Cho đến nay, đã có 11 đập thủy điện được Trung Quốc xây dựng trên thượng lưu sông Mê Kông trong lãnh thổ nước này, với 3 đập thủy điện khác đang xây dựng và chưa đi vào hoạt động. Tại nhiều quốc gia hạ lưu sông Mê Kông như Lào và Campuchia, Trung Quốc cũng tài trợ và xây dựng nhiều đập thủy điện như Nam Ou 1 và Lower Sesan 2. Càng nhiều đập thủy điện đi vào hoạt động, mối quan ngại về môi trường sống biến đổi càng trở nên rõ rệt. 

Nghiên cứu của Eyes on Earth sử dụng các dữ liệu từ năm 1992-2019 liên quan đến phép đo vệ tinh về độ ẩm mặt đất chỉ ra rằng lượng mưa và tuyết ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đã tăng trên mức trung bình trong thời điểm hạn hán hoành hành ở khu vực hạ lưu sông. Trích dẫn bằng chứng này, Giám đốc chương trình Đông Nam Á, trung tâm nghiên cứu Stimson Center tại Washington DC đã cáo buộc chính Trung Quốc “khóa van nước” ở hạ lưu sông Mê Kông.

Cũng như nhiều lần khác, Bắc Kinh lên tiếng phủ nhận cáo buộc các đập thủy điện ở Trung Quốc gây ra sự biến động đột ngột mức nước sông Mê Kông. Bộ ngoại giao nước này chỉ ra rằng lượng mưa thấp đáng kể trong năm 2019 là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng hạn hán điểm điểm chưa từng có trong 50 năm hồi năm ngoái. Các quan chức Bắc Kinh cho rằng “không công bằng” khi đổ lỗi cho các đập thủy điện của Trung Quốc gây ra hạn hán.

“Dòng chảy từ Lancang (tên gọi khu vực sông Mê Kông nằm trong lãnh thổ Trung Quốc) có tác động rất hạn chế đến lưu lượng chung của sông Mê Kông vì lượng nước ở hạ lưu chủ yếu phụ thuộc vào lượng mưa và dòng chảy của các nhánh sông. Do đó, không có lý do nào để tuyên bố rằng Trung Quốc chịu trách nhiệm về tình trạng hạn hán của các nước ở hạ lưu sông”. Bên cạnh đó, hiện tượng El Nino cũng là một nguyên nhân gây ra biến động mực nước sông như vậy, theo ông Cảnh Sảng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Nhưng dù lý giải ra sao, một thực trạng dễ thấy là nguồn cung thực phẩm và sinh kế cho hàng triệu người dân sống ven lưu vực sông Mê Kông đang bị đe dọa nghiêm trọng. Thêm vào đó, việc đại dịch Covid-19 bùng phát tựa như một cú giáng đòn thứ 2 vào tình hình kinh tế và an ninh lượng thực trong khu vực. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại quan trọng và lớn bậc nhất của các quốc gia nằm dọc hạ lưu sông Mê Kông.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục