Trung Quốc cấm hẳn tiền điện tử: Nhiều chủ sở hữu đứng ngồi không yên, tìm cách bảo vệ tài sản

25/09/2021 12:58 GMT+7
Nhiều chủ sở hữu tiền điện tử ở Trung Quốc đang tìm mọi cách bảo vệ tài sản bitcoin và các loại tiền điện tử khác sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) hôm 24/9 ban hành các biện pháp cứng rắn hơn trong nỗ lực cấm giao dịch tiền điện tử.

Đầu phiên giao dịch 24/9 trên sàn quốc tế, giá bitcoin và ether đồng loạt giảm lần lượt 6% và 10% trong bối cảnh bán tháo rộng rãi sau tin tức PBOC “đàn áp” các loại tiền điện tử.

David Lesperance, một luật sư có trụ sở tại Toronto, người chuyên cố vấn thuế cho các chủ sở hữu tiền điện tử cho hay: “Chưa đầy hai giờ sau thông báo của chính phủ Trung Quốc, tôi đã nhận được hàng chục tin nhắn, email, cuộc điện thoại… từ các chủ sở hữu tiền điện tử ở Trung Quốc - những người đang tìm cách bảo vệ tài sản tiền điện tử của họ tại các sàn giao dịch nước ngoài hay ví điện tử”.

Trước đó, hôm 24/9 (giờ Trung Quốc), PBOC đã tuyên bố mọi giao dịch liên quan đến tiền điện tử ở Trung Quốc kể từ nay đều bị coi là bất hợp pháp, bao gồm cả các dịch vụ được cung cấp bởi các sàn giao dịch nước ngoài. Cơ quan này cũng nghiêm cấm mọi dịch vụ liên quan đến tiền điện tử, bao gồm cung cấp giao dịch, khớp lệnh...

Luật sư Lesperance cho biết động thái này là một nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đóng băng tài sản tiền điện tử để chủ sở hữu không thể làm gì hợp pháp với số tài sản này. “Tôi cho rằng chính phủ Trung Quốc sau đó có thể “đề nghị” người dân chuyển số tài sản này sang đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số (do PBOC phát hành) với giá trị thị trường cố định”. Đồng tệ số hiện đang được thử nghiệm rộng rãi trên toàn Trung Quốc với sự quản lý của PBOC. “Động thái mới nhất có thể là một phần trong chiến lược của Trung Quốc nhằm loại bỏ các đồng tiền ảo cạnh tranh tiềm năng với đồng Nhân dân tệ số”.

Trung Quốc cấm hẳn tiền điện tử: Nhiều chủ sở hữu đứng ngồi không yên, tìm cách bảo vệ tài sản - Ảnh 1.

Trung Quốc cấm hẳn tiền điện tử: Nhiều chủ sở hữu đứng ngồi không yên, tìm cách bảo vệ tài sản (Ảnh: Getty Images)

Từ lâu, chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần siết chặt quy định liên quan đến các đồng tiền kỹ thuật số. 

Vào năm 2017, các nhà chức trách Trung Quốc đã đóng cửa hàng loạt sàn giao dịch tiền điện tử địa phương, đồng thời cấm hoạt động ICO (phát hành coin lần đầu) - tức một hình thức huy động tiền cho các công ty tiền điện tử bằng cách phát hành mã thông báo kỹ thuật số. 

Trong năm nay, chính phủ Trung Quốc cũng tăng cường kiểm soát hoạt động khai thác tiền điện tử ở một số khu vực khác như tỉnh Tứ Xuyên, miền Tây Nam và Nội Mông. Các nhà chức trách địa phương đã yêu cầu đóng cửa hàng loạt hoạt động khai thác tiền điện tử sau tuyên bố của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc về việc cần “trấn áp hành vi khai thác và giao dịch bitcoin” nhằm ngăn ngừa rủi ro lan sang các lĩnh vực xã hội. Thời điểm đó, thị trường tiền ảo toàn cầu đã trượt mạnh sau phát ngôn của ông Lưu Hạc cũng như các động thái “đàn áp” tiền điện tử.

Boaz Sobrado, một nhà phân tích dữ liệu fintech tại London cho biết: “Thông báo mới đây không phải sự thay đổi chính sách của chính phủ Trung Quốc”. Nhung lần này, thông báo liên quan đến 10 cơ quan khác nhau bao gồm Cơ quan Quản lý Ngoại hối Nhà nước, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Bộ Công an. Điều đó phản ánh quan điểm thống nhất trong các cơ quan hàng đầu quốc gia về việc “cấm cửa” các đồng tiền điện tử.

Đã có những dấu hiệu khác về sự phối hợp của chính phủ Trung Quốc trong việc “đàn áp” tiền điện tử từ trước đó. Tài liệu PBOC lần đầu tiên được công bố vào ngày 15/9, trong khi tài liệu cấm tất cả hoạt động khai thác tiền điện tử của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc được phát hành vào ngày 3/9, tức chỉ trước đó chưa đầy 2 tuần. Cả hai sau đó được xuất bản đồng loạt trên các trang web và phương tiện truyền thông chính thức của Chính phủ hôm 24/9. Không giống như những tuyên bố chung chung trước đây, các tài liệu lần này đề cập cụ thể đến những đồng tiền điện tử cụ thể như bitcoin, ethereum và cả tether - đồng stablecoin, loại tiền ảo được ràng buộc với tài sản trong thế giới thực, như USD, để duy trì giá trị ổn định.

Giám đốc điều hành Bespoke Growth Partners, ông Mark Peikin cho rằng đây là sự khởi đầu của một chiến dịch gây áp lực trên diện rộng. Trong ngắn hạn, giá bitcoin và hàng loạt đồng tiền ảo khác có thể chịu sức ép lớn trong khi nhà đầu tư Trung Quốc cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro.


NTTD
Cùng chuyên mục