Trung Quốc mua chậm lại, giá tiêu có lao dốc?

23/12/2021 18:19 GMT+7
Thị trường tiêu đang trầm lắng và giảm giá do các đơn vị xuất khẩu đã gom đủ hàng cho đến hết năm 2021, dòng tiền đầu cơ chảy về mặt hàng cà phê và nhu cầu tiêu của Trung Quốc thấp hơn dự kiến...

Giá tiêu hôm nay tiếp tục giảm 

Giá tiêu hôm nay (23/12) tại thị trường trong nước tiếp đà giảm ở một số địa phương, giao dịch từ 77.500 - 80.000 đồng/kg.

Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai, Đồng Nai thấp nhất thị trường khi ở mức 77.500 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk (78.500 đồng/kg); Bình Phước (79.000 đồng/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 80.000 đồng/kg.

Như vậy, sau 3 phiên đầu tuần, giá tiêu đã “bốc hơi” 2.000 đồng/kg.

Trung Quốc mua chậm lại, giá tiêu có lao dốc? - Ảnh 1.

Giá tiêu hôm nay (23/12) tại thị trường trong nước tiếp đà giảm ở một số địa phương, giao dịch từ 77.500 - 80.000 đồng/kg. Ảnh: DV

Thị trường hồ tiêu trong nước tiếp tục có phiên giảm nhẹ ở các khu vực Đông Nam Bộ và đi ngang ở các tỉnh Tây Nguyên.

Thời gian qua, giới đầu cơ Đông Nam Bộ liên tục có động thái chuyển dịch sang bất động sản, khiến dòng tiền rời khỏi hồ tiêu, góp phần đẩy giá tiêu ở khu vực này xuống thấp, chênh lệch không đáng kể với các tỉnh Tây Nguyên.

Thị trường tiêu đang trầm lắng cũng còn do các đơn vị xuất khẩu đã gom đủ hàng cho đến hết năm 2021, dòng tiền đầu cơ chảy về mặt hàng cà phê và nhu cầu tiêu của Trung Quốc thấp hơn dự kiến.

Theo Tổng cục Hải quan, 15 ngày đầu tháng 12/2021 Việt Nam xuất khẩu được 6.990 tấn, kim ngạch đạt 32,9 triệu USD. Lũy tiến từ đầu năm đến 15/12/2021, Việt Nam xuất khẩu được 252.881 tấn, kim ngạch đạt 899,7 triệu USD.

Như vậy xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam không tăng mạnh như nhiều dự báo, thậm chí còn thấp hơn tháng 11/2021. Xuất khẩu tiêu trong nửa đầu tháng 11/2021 đạt 8.248 tấn các loại.

Vụ hạt tiêu năm nay ở Trung Quốc giảm do thời tiết không thuận lợi. Do đó, Trung Quốc đã tăng nhập khẩu hạt tiêu trong những tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến nước này giảm mạnh nhập khẩu kể từ tháng 6/2021, do nhu cầu tiêu thụ thực phẩm cay ở Trung Quốc giảm và nhu cầu của các công ty chế biến cũng giảm. 

Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu hạt tiêu của nước này trong tháng 10/2021 đạt 4,79 triệu USD, giảm 1,3% so với tháng 10/2020. Tính chung 10 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 45,79 triệu USD.

Trung Quốc mua chậm lại, giá tiêu có lao dốc? - Ảnh 2.

Nguồn: Cơ quan Hải quan Trung Quốc

10 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc từ Indonesia và Malaysia giảm, nhưng tăng từ Việt Nam, Brazil và Ấn Độ. 

Theo thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu hạt tiêu của nước này từ Indonesia trong 10 tháng năm 2021 đạt 23,26 triệu USD, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần hạt tiêu của Indonesia trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc giảm từ 52,51% trong 10 tháng năm 2020 xuống 50,8% trong 10 tháng năm 2021. 

Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc từ Việt Nam trong 10 tháng năm 2021 đạt 14,54 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 25,85% trong 10 tháng năm 2020, lên 31,76% trong 10 tháng năm 2021. 

Tuy nhiên hiện nay, tiêu thụ tiêu của Trung Quốc đang chậm lại do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Do các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc, các hãng khai thác tàu trung chuyển quốc tế đã quyết định kéo dài thời gian tạm ngừng dịch vụ ít nhất 6 tuần cho đến sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Động thái này có thể khiến cung ứng tiêu thêm đứt đoạn.

Trung Quốc mua chậm lại, giá tiêu có lao dốc? - Ảnh 3.

Nguồn: Cơ quan Hải quan Trung Quốc (*) Ghi chú HS 090411 Hạt tiêu hạt lép, chưa rang, chưa xay; HS 090412 Hạt tiêu hạt lép, nghiền hoặc xay

Giá tiêu khó có thể lao dốc?

Giá tiêu giảm như hiện nay song các chuyên gia nhận định, giá tiêu khó có thể lao dốc xuống mức thấp như nhiều năm trước. Tình trạng khan hàng tại nhiều nước sản xuất tiêu lớn trên thế giới cùng với gia tăng giá cước vận tải đã đẩy giá hồ tiêu tăng mạnh, tạo thành mặt bằng giá mới trong thời gian qua. Đến nửa đầu tháng 12, giá hồ tiêu thế giới có xu hướng giảm là do nhu cầu chậm lại, xin nhắc là do nhu cầu chậm lại chứ không phải nhu cầu giảm. Và so với đầu năm nay, giá hồ tiêu hiện vẫn đang tăng từ 45 – 55%.

Trung Quốc mua chậm lại, giá tiêu có lao dốc? - Ảnh 4.

Giá tiêu giảm như hiện nay song các chuyên gia nhận định, giá tiêu khó có thể lao dốc xuống mức thấp như nhiều năm trước. Ảnh: DV

Theo Hiệp hội Hồ tiêu thế giới (IPC), Brazil là quốc gia duy nhất có nguồn cung hồ tiêu tăng do vụ thu hoạch ở phía Bắc của nước này. Còn các quốc gia khác đều trong tình trạng khan hàng. Trong khi đó, tin tức về vụ mới của Việt Nam không mấy khả quan. Do vậy, khách hàng có thể tạm thời sẽ chuyển sang mua hồ tiêu Brazil nhiều hơn do giá cước vận tải tốt hơn.

Về nhu cầu, IPC thông tin Mỹ đã dần đặt chỗ cho các đơn hàng năm 2022, thị trường Trung Quốc sức mua tạm thời chậm lại do diễn biến dịch trong khi châu Âu dè dặt nhập hàng. Dự báo sức mua từ thị trường Trung Đông cũng yếu.

IPC nhận định, về cơ bản, nhu cầu hồ tiêu toàn cầu vẫn mạnh trong khi nguồn cung toàn cầu không tăng. Bên cạnh đó, lạm phát thế giới năm 2022 sẽ khiến giá đầu vào tăng cao dẫn đến giá các mặt hàng tiếp tục neo ở mức cao, trong đó có hồ tiêu.

Về triển vọng năm 2022, hầu hết chuyên gia, đơn vị xuất khẩu và người trồng hồ tiêu đều có chung một kỳ vọng là giá mặt hàng này sẽ tiếp tục tăng do cung - cầu hồ tiêu đang dần trở về trạng thái cân bằng, thậm chí có thể thiếu hụt nếu tình hình sản xuất không thuận lợi.

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 là nguyên nhân chính khiến xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam giảm mạnh về lượng, nhưng trị giá tăng nhờ giá xuất khẩu tăng mạnh. Trong 10 tháng năm 2021, xuất khẩu hầu hết các chủng loại hạt tiêu giảm về lượng, ngoại trừ hạt tiêu trắng xay.

Hạt tiêu đen: Chiếm 75,4% tổng lượng và 72,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, do đó xuất khẩu hạt tiêu đen giảm ảnh hưởng chung toàn ngành hạt tiêu. Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu đen đạt 173,1 nghìn tấn, trị giá 571,94 triệu USD, giảm 13,7% về lượng, nhưng tăng 33,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Thị trường xuất khẩu chính hạt tiêu đen của Việt Nam gồm: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất, Ấn Độ, Pakistan. Trong đó, xuất khẩu hạt tiêu đen sang hầu hết các thị trường chính giảm, trừ Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất tăng 30,8% về lượng và tăng 107,4% về trị giá.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Hạt tiêu trắng xay: Chiếm tỷ trọng thấp 2,5% về lượng và 3,4% tổng kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu của cả nước. Xuất khẩu hạt tiêu trắng xay tăng chưa tác động tích cực lên toàn ngành. Nhưng, tăng trưởng xuất khẩu chủng loại hạt tiêu trắng xay cho thấy ngành hạt tiêu Việt Nam đã có sự chuyển dịch về cơ cấu chủng loại, chú trọng hơn về các sản phẩm có giá trị cao. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu trắng xay của Việt Nam trong 10 tháng năm 2021 đạt 5,65 nghìn tấn, trị giá 26,92 triệu USD, tăng 47,4% về lượng và tăng 93,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Thị trường xuất khẩu hạt tiêu trắng xay chính của Việt Nam gồm: Hà Lan, Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Úc. Trong 10 tháng năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu trắng xay sang hầu hết các thị trường chính tăng mạnh, ngoại trừ Nhật Bản giảm 18% về lượng, nhưng tăng 28,5% về trị giá.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục