Bất chấp Trung Quốc hạn chế mua vào, giá hạt tiêu vẫn được dự báo sẽ đạt 100.000 đồng/kg vào cuối năm
Giá hạt tiêu tiếp tục xu hướng tăng...
Trong những ngày đầu tháng 12/2021, giá hạt tiêu đen và trắng xuất khẩu tại Indonesia giảm, ổn định tại Brazil và Việt Nam. Tại Malaysia, giá hạt tiêu đen xuất khẩu ổn định, nhưng giá hạt tiêu trắng tăng mạnh.
Tại Brazil, ngày 8/12/2021, giá hạt tiêu đen xuất khẩu ở mức 4.400 USD/tấn, ổn định so với ngày 30/11/2021.
Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam, ngày 8/12/2021, giá hạt tiêu đen loại 500g/l và 550g/l xuất khẩu ở mức 4.290 USD/tấn và 4.390 USD/tấn, ổn định so với ngày 30/11/2021. Giá hạt tiêu trắng xuất khẩu cũng ổn định ở mức 6.500 USD/tấn.
Tại cảng Kuching của Malaysia, ngày 8/12/2021 giá hạt tiêu đen xuất khẩu ở mức 5.200 USD/tấn, ổn định so với ngày 30/11/2021. Ngược lại, giá hạt tiêu trắng xuất khẩu tăng 200 USD/tấn so với ngày 30/11/2021, lên mức 7.600 USD/tấn.
Tại cảng Lampung ASTA của Indonesia, ngày 7/12/2021 giá hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng xuất khẩu giảm lần lượt 761 USD/tấn và 1.014 USD/tấn so với ngày 30/11/2021, xuống còn 3.748 USD/tấn và 6.420 USD/tấn, do đồng Rupial Indonesia giảm so với đồng USD.
Dự báo giá hạt tiêu thế giới tiếp tục xu hướng tăng do nhu cầu dịp cuối năm tăng, trong khi nguồn cung hạn chế do sản lượng giảm và khó khăn trong khâu vận chuyển. Nông dân Ấn Độ hạn chế bán hạt tiêu ra thị trường với hy vọng giá sẽ tiếp tục tăng cao.
Trong nước, đầu tháng 12/2021, giá hạt tiêu đen và trắng tại thị trường nội địa tăng trở lại, bất chấp việc Trung Quốc hạn chế mua vào.
Ngày 8/12/2021, giá hạt tiêu đen tại thị trường trong nước tăng từ 500 – 1.000 đồng/kg so với ngày 29/11/2021, lên mức 83.000 – 85.000 đồng/kg.
Với tín hiệu tích cực từ nhu cầu tiêu thụ cuối năm tăng cao, Hiệp hội Hạt tiêu Việt Nam dự báo giá hạt tiêu đen có khả năng sẽ đạt mức 100.000 đồng/kg vào cuối năm nay. Giá hạt tiêu trắng tăng 2.000 đồng/kg, lên mức 127.000 đồng/kg.
Dịch Covid-19 cản trở xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam
Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 là nguyên nhân chính khiến xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam giảm mạnh về lượng, nhưng trị giá tăng nhờ giá xuất khẩu tăng mạnh. Trong 10 tháng năm 2021, xuất khẩu hầu hết các chủng loại hạt tiêu giảm về lượng, ngoại trừ hạt tiêu trắng xay.
Hạt tiêu đen: Chiếm 75,4% tổng lượng và 72,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, do đó xuất khẩu hạt tiêu đen giảm ảnh hưởng chung toàn ngành hạt tiêu. Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu đen đạt 173,1 nghìn tấn, trị giá 571,94 triệu USD, giảm 13,7% về lượng, nhưng tăng 33,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Thị trường xuất khẩu chính hạt tiêu đen của Việt Nam gồm: Trung Quốc, Mỹ, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất, Ấn Độ, Pakistan. Trong đó, xuất khẩu hạt tiêu đen sang hầu hết các thị trường chính giảm, trừ Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất tăng 30,8% về lượng và tăng 107,4% về trị giá.
Hạt tiêu trắng xay: Chiếm tỷ trọng thấp 2,5% về lượng và 3,4% tổng kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu của cả nước. Xuất khẩu hạt tiêu trắng xay tăng chưa tác động tích cực lên toàn ngành. Nhưng, tăng trưởng xuất khẩu chủng loại hạt tiêu trắng xay cho thấy ngành hạt tiêu Việt Nam đã có sự chuyển dịch về cơ cấu chủng loại, chú trọng hơn về các sản phẩm có giá trị cao.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu trắng xay của Việt Nam trong 10 tháng năm 2021 đạt 5,65 nghìn tấn, trị giá 26,92 triệu USD, tăng 47,4% về lượng và tăng 93,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Thị trường xuất khẩu hạt tiêu trắng xay chính của Việt Nam gồm: Hà Lan, Mỹ, Anh, Nhật Bản, Úc. Trong 10 tháng năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu trắng xay sang hầu hết các thị trường chính tăng mạnh, ngoại trừ Nhật Bản giảm 18% về lượng, nhưng tăng 28,5% về trị giá.
Hạt tiêu Việt Nam và ẩn số thị trường Trung Quốc
Theo số liệu từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, hiện Trung Quốc là khách hàng lớn thứ hai của hạt tiêu Việt Nam, đứng sau Mỹ.
Vụ hạt tiêu năm nay ở Trung Quốc giảm do thời tiết không thuận lợi. Do đó, Trung Quốc đã tăng nhập khẩu hạt tiêu trong những tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến nước này giảm mạnh nhập khẩu kể từ tháng 6/2021, do nhu cầu tiêu thụ thực phẩm cay ở Trung Quốc giảm và nhu cầu của các công ty chế biến cũng giảm.
Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu hạt tiêu của nước này trong tháng 10/2021 đạt 4,79 triệu USD, giảm 1,3% so với tháng 10/2020. Tính chung 10 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 45,79 triệu USD.
10 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc từ Indonesia và Malaysia giảm, nhưng tăng từ Việt Nam, Brazil và Ấn Độ. Theo thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu hạt tiêu của nước này từ Indonesia trong 10 tháng năm 2021 đạt 23,26 triệu USD, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần hạt tiêu của Indonesia trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc giảm từ 52,51% trong 10 tháng năm 2020 xuống 50,8% trong 10 tháng năm 2021.
Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc từ Việt Nam trong 10 tháng năm 2021 đạt 14,54 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 25,85% trong 10 tháng năm 2020, lên 31,76% trong 10 tháng năm 2021.
Do các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc, các hãng khai thác tàu trung chuyển quốc tế đã quyết định kéo dài thời gian tạm ngừng dịch vụ ít nhất 6 tuần cho đến sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Động thái này có thể khiến cung ứng thêm đứt đoạn.
Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, nhu cầu nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc sẽ vẫn tăng mạnh vào dịp cuối năm nay và đầu năm mới 2022. Nếu Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh ở khâu xuất khẩu tiêu sang Trung Quốc sẽ tác động tích cực lên lượng và giá hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam.
Hạt tiêu Việt Nam đang ngày càng được thị trường Trung Quốc ưa chuộng. Do đó, nếu đẩy mạnh nhập khẩu hạt tiêu trong tháng còn lại của năm nay và đầu năm tới, chắc chắn các thương nhân Trung Quốc sẽ dành ưu tiên cho hạt tiêu Việt Nam. Ước tính trong tháng còn lại của năm, lượng hạt tiêu còn để xuất khẩu là khoảng 25.000 hoặc 30.000 tấn. Với giá xuất khẩu khoảng hơn 4.000 USD/tấn như hiện nay, ngành hồ tiêu đang tự tin sẽ giành lại mốc 1 tỷ USD khi kết thúc năm 2021.