Giá hạt tiêu trong nước tăng mạnh, lượng hàng trong dân gần như đã hết
Giá hạt tiêu nội địa tăng mạnh
Giá hạt tiêu nội địa tăng mạnh do dịch Covid-19 trong nước cơ bản đã được kiểm soát, các doanh nghiệp đẩy mạnh việc thu mua. Bên cạnh đó, lượng hàng trong dân gần như đã hết.
Đầu tháng 10/2021, giá hạt tiêu đen tại thị trường nội địa tăng mạnh so với cuối tháng 9/2021. Ngày 8/10/2021, giá hạt tiêu đen tại các vùng sản xuất tăng từ 3,1 - 5,1% so với ngày 30/9/2021, lên mức 80.500 - 84.000 đồng/kg. Giá hạt tiêu trắng ở mức 123.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg (tương đương mức tăng 2,5%) so với cuối tháng 9/2021 và tăng mạnh so với 67.500 đồng/kg cùng kỳ năm 2020.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, nếu đà tăng giá của hạt tiêu tiếp tục diễn ra và khi đạt mốc 90.000 - 95.000 đồng/kg thì có thể lượng hàng tồn từ 2 - 3 năm trước sẽ được bán ra thị trường.
Đầu tháng 10/2021, giá hạt tiêu toàn cầu tiếp tục tăng tại Brazil, Indonessia và Việt Nam, ổn định tại Malaysia, nhưng giảm tại Ấn Độ.
Tại cảng Kuching của Malaysia, ngày 8/10/2021 giá hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng ổn định ở mức 5.972 USD/tấn và 8.126 USD/tấn so với ngày 30/9/2021.
Tại Brazil, ngày 8/10/2021, giá hạt tiêu đen xuất khẩu tăng 2,5% so với ngày 30/9/2021 lên mức 4.100 USD/tấn.
Tại cảng Lampung ASTA và cảng Muntok của Indonesia, ngày 8/10/2021 giá hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng xuất khẩu cùng tăng 0,7% so với ngày 30/9/2021, lên mức 4.379 USD/tấn và 7.209 USD/tấn.
Tại cảng khu vực TP.HCM của Việt Nam, ngày 8/10/2021, giá hạt tiêu đen loại 500g/l và 550g/l, hạt tiêu trắng xuất khẩu cùng tăng 100 USD/tấn (tăng 2,4%) so với ngày 30/9/2021, lên mức 4.290 USD/tấn, 4.390 USD/ tấn và 6.290 USD/tấn.
Tại Ấn Độ, ngày 8/10/2021, giá hạt tiêu tại sàn giao dịch Kochi (Ấn Độ) giảm 1,1% so với ngày 30/9/2021, xuống 5.654 USD/tấn.
Dự báo, giá tiêu sẽ tiếp tục đà tăng trong những tháng cuối năm do sản lượng hạt tiêu của Việt Nam cũng như một số nước sản xuất hạt tiêu lớn như Brazil, Indonesia giảm mạnh vì bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Nhu cầu tiêu thụ tăng theo yếu tố chu kỳ.
Xuất khẩu giảm về lượng nhưng tăng mạnh về giá trị
8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hầu hết các chủng loại hạt tiêu giảm về lượng, ngoại trừ hạt tiêu trắng xay. Ngoài ra, tốc độ xuất khẩu hạt tiêu chế biến giảm thấp hơn so với hạt tiêu dạng thô.
Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu hạt tiêu đen đạt 150,6 nghìn tấn, trị giá 469,6 triệu USD, giảm 12,2% về lượng, nhưng tăng 35% về trị giá so với 8 tháng đầu năm 2020. Trong khi đó, xuất khẩu hạt tiêu đen xay giảm 3,3% về lượng, nhưng tăng 21,3% về trị giá, đạt 20,84 nghìn tấn, trị giá 73,58 triệu USD. 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu trắng giảm 8,1% về lượng, nhưng tăng 38,2% về trị giá so với 8 tháng đầu năm 2020. Ngược lại, xuất khẩu hạt tiêu trắng xay tăng 64% về lượng và tăng 106,1% về trị giá.
Trong khi đó, tốc độ tăng giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu dạng thô tăng mạnh hơn dạng chế biến. 8 tháng đầu năm 2021 so với 8 tháng đầu năm 2020, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu đen đạt 3.118 USD/tấn, tăng 53,7%; hạt tiêu đen xay tăng 25,4%, đạt 3.531 USD/tấn. Tốc độ tăng giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu trắng lên tới 50,3%, còn hạt tiêu trắng xay tăng 25,7%.
Việt Nam vươn lên thành nhà xuất khẩu hạt tiêu số 1 vào Hàn Quốc
Theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Hàn Quốc, nhập khẩu hạt tiêu của nước này trong 8 tháng đầu năm 2021 đạt 4.568 tấn, trị giá 19 triệu USD, giảm 20,9% về lượng, nhưng tăng 17% về trị giá so với 8 tháng đầu năm 2020. Giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu của Hàn Quốc trong thời gian này đạt 4.161 USD/ tấn, tăng mạnh 47,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu của Hàn Quốc từ hầu hết các nguồn cung chính tăng, ngoại trừ Thái Lan.
Về thị trường: 8 tháng đầu năm 2021, Hàn Quốc giảm nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam, Indonesia, nhưng tăng mạnh nhập khẩu từ Thái Lan. Cụ thể: Nhập khẩu hạt tiêu của Hàn Quốc từ Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2021 đạt 4.151 tấn, trị giá 16,5 triệu USD, giảm 2,3% về lượng, nhưng tăng 39,2% về trị giá so với 8 tháng đầu năm 2020. Tuy nhiên, do tổng lượng nhập khẩu hạt tiêu của Hàn Quốc giảm mạnh, nên thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hàn Quốc vẫn tăng từ 73,6% trong 8 tháng đầu năm 2020 lên 90,88% trong 8 tháng đầu năm 2021.
Ngược lại, nhập khẩu hạt tiêu của Hàn Quốc từ Thái Lan tăng 195,3% về lượng và tăng 55,4% về trị giá so với 8 tháng đầu năm 2020, đạt 11 tấn, trị giá 115 nghìn USD. Thị phần hạt tiêu của Thái Lan trong tổng lượng nhập khẩu của Hàn Quốc tăng từ 0,06% trong 8 tháng đầu năm 2020 lên 0,24% trong 8 tháng đầu năm 2021.
Qua số liệu phân tích trên có thể thấy, ngành hạt tiêu Việt Nam chiếm vị trí nhà cung cấp số 1 và quan trọng tại thị trường Hàn Quốc. Triển vọng xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang Hàn Quốc khả quan do nhu cầu tiêu thụ của thị trường này tương đối ổn định trong thời gian tới.
Hiện, lượng hạt tiêu còn lại trong dân không nhiều, trong khi doanh nghiệp xuất khẩu cũng không mấy "mặn mà" do giá cước phí vận chuyển tăng “phi mã” và các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại nhiều địa phương vẫn rất nghiêm ngặt.
Xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam tới đây vẫn có nhiều hạn chế do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong khi tình trạng ùn ứ tại các cảng biển phía Nam cùng giá cước tàu biển vẫn duy trì ở mức cao sẽ là trở ngại đối với xuất khẩu hạt tiêu.
Do đó, để có ưu thế cạnh tranh trên thị trường gia vị và hương liệu trên thế giới, sau khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh, các địa phương và doanh nghiệp cần có kế hoạch khôi phục sản xuất, ứng dụng các công nghệ tiên tiến phục vụ chế biến, phát triển đa dạng loại hình sản phẩm, tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia gần đây để thúc đẩy xuất khẩu.