Trung Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục tăng sức ép với tiền điện tử

01/08/2021 09:02 GMT+7
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) gần đây tuyên bố sẽ tiếp tục siết chặt quy định pháp lý với hoạt động giao dịch, kinh doanh và đầu cơ tiền điện tử.

Trong một tuyên bố hôm 31/7, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) cho hay sẽ tăng cường giám sát các công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính cũng như tiếp tục siết chặt quy định pháp lý với hoạt động giao dịch, kinh doanh và đầu cơ tiền điện tử.

Tuyên bố được đưa ra củng cố quan điểm cứng rắn của Bắc Kinh với hoạt động khai thác tiền điện tử tại Trung Quốc, vốn đã chịu nhiều sức ép trong thời gian quan khi các nhà chức trách địa phương quan ngại về rủi ro rửa tiền, giao dịch tội phạm tài chính và tiêu thụ năng lượng quá mức làm cản trở mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060.

Hồi tháng trước, PBoC đã triệu tập một số tổ chức tài chính và nhà băng lớn, chẳng hạn Alipay (dịch vụ thanh toán di động do Ant Group trực thuộc Alibaba điều hành), Ngân hàng Công thương Trung Quốc và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc để thảo luận về việc không cung cấp các dịch vụ liên quan đến tiền điện tử.

Trung Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục tăng sức ép với tiền điện tử - Ảnh 1.

Tòa nhà trụ sở Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (Ảnh: Bloomberg)

Các nhà chức trách Trung Quốc cũng khiến thị trường tiền điện tử chao đảo bằng việc đóng cửa hàng loạt mỏ đào bitcoin ở tỉnh Tứ Xuyên và Nội Mông, qua đó làm ngừng hoạt động 90% công suất khai thác bitcoin trên toàn quốc. Động thái diễn ra ít ngày sau khi Phó Thủ tướng Lưu Hạc lên tiếng tuyên bố cần “trấn áp hành vi khai thác và giao dịch bitcoin” nhằm hạn chế, ngăn chặn rủi ro cá nhân lan rộng ra các lĩnh vực xã hội. Tuyên bố này đồng nghĩa một thông điệp mà Bắc Kinh muốn gửi đến những người ưa thích tiền ảo, rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục chiến dịch “đàn áp” giao dịch bitcoin và nhiều đồng tiền điện tử khác trong tương lai.

Bên cạnh lĩnh vực tiền điện tử, PBoC cũng đang thiết lập các quy định quản lý khắt khe hướng đến các nền tảng thanh toán - tài chính trực tuyến như Ant Group trực thuộc Alibaba.

Cuối năm ngoái, Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải đã đình chỉ đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng trị giá 37 tỷ USD của Ant trên sàn giao dịch STAR, qua đó cũng đóng băng khả năng niêm yết kép của Ant trên sàn Hồng Kông do hàng loạt thay đổi về quy định. Ngay sau đó, PBoC đã triệu tập các giám đốc điều hành Ant Group để yêu cầu họ lập kế hoạch chấn chỉnh cũng như phương hướng, mốc thời gian cụ thể thực hiện hoạt động kinh doanh; bao gồm hàng loạt mảng dịch vụ tín dụng, bảo hiểm, quản lý tài sản… 

Tuyên bố của các nhà quản lý cho biết Ant Group thiếu cơ chế quản trị doanh nghiệp chặt chẽ, dẫn đến không tuân thủ các quy định nhà nước về hoạt động kinh doanh chênh lệch giá. Ngoài ra, Ant Group bị cáo buộc sử dụng vị thế thị trường để loại trừ các đối thủ, làm tổn hại quyền và lợi ích người tiêu dùng. Các nhà chức trách được cho là đã yêu cầu Ant Group thành lập một công ty tài chính riêng biệt và đưa Ant Group quay lại hoạt động kinh doanh thanh toán trước đây. Đồng thời tăng cường tính minh bạch liên quan đến các giao dịch, nghiêm cấm cạnh tranh không lành mạnh, cải thiện công tác quản trị doanh nghiệp, tuân thủ tốt quy định pháp lý.

Ant Group tiền thân là tập đoàn cung cấp dịch vụ thanh toán trên nền tảng thương mại điện tử Taobao của Alibaba, sau đó mở rộng hoạt động kinh doanh sang cung cấp sản phẩm bảo hiểm và đầu tư cho hàng trăm triệu người dùng ở Trung Quốc đại lục.

Theo PBoC, các nhà hoạch định chính sách sẽ hành động để ngăn chặn các rủi ro tài chính lớn đe dọa sự ổn định của thị trường, cũng như sớm cho ra đời một luật tài chính chung minh bạch.

Về chính sách tiền tệ, PBoC dự kiến sẽ duy trì chính sách tiền tệ thận trong nhưng linh hoạt, có mục tiêu và phù hợp với nền kinh tế.


NTTD
Cùng chuyên mục