Một thước đo cho thấy đà phục hồi kinh tế Trung Quốc đang chậm lại rõ rệt

31/07/2021 18:28 GMT+7
Hoạt động nhà máy của Trung Quốc trong tháng 7 đã tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong 17 tháng, làm tăng thêm quan ngại về sự phục hồi ngày càng chậm chạp của nền kinh tế lớn thứ hai hành tinh.

Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), chỉ số quản lý thu mua (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của nước này đã giảm từ mức 50,9 hồi tháng 6 xuống chỉ còn 50,4 trong tháng 7. Con số duy trì trên mức trung lập 50, phản ánh sự mở rộng hoạt động sản xuất, tuy nhiên với tốc độ ngày một chậm rãi.

Đây cũng là tháng mà Trung Quốc ghi nhận chỉ số PMI thấp nhất kể từ thời điểm tháng 2/2020, khi chính phủ Bắc Kinh phong tỏa hàng loạt tỉnh thành để kiểm soát sự lây lan đại dịch Covid-19. Hàng loạt yếu tố như chi phí nguyên liệu thô tăng vọt, thời tiết khắc nghiệt và lũ lụt kinh hoàng… là những nguyên nhân làm chậm đà tăng trưởng của hoạt động sản xuất tại Trung Quốc.

Một thước đo cho thấy đà phục hồi kinh tế Trung Quốc đang chậm lại rõ rệt - Ảnh 1.

Công nhân làm việc trên dây chuyền lắp ráp xe đạp điện tại nhà máy của Tập đoàn Công nghệ AIMA - Quý Cảng, Trung Quốc (Ảnh: Getty Images)

Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng của Pinpoint Asset Management nói thêm: “Tín hiệu đáng báo động nhất là chỉ số đặt hàng xuất khẩu mới đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 7 năm ngoái”. Cụ thể, chỉ số đơn hàng xuất khẩu mới đạt 47,7 trong tháng 7, tháng giảm thứ ba liên tiếp cho đến nay. Điều này phản ánh triển vọng sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc trong các quý tiếp theo có thể tiếp tục tăng trưởng chậm. 

Một chỉ số phụ khác đo lường chi phí nguyên vật liệu thô đã tăng từ 61,2 trong tháng 6 lên 62,9 trong tháng 7, phản ánh sự tăng mạnh giá sản xuất gây ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp sản xuất và nhà xuất khẩu.

Các nhà chức trách Bắc Kinh đang nỗ lực ngăn chặn việc nhà sản xuất, xuất nhập khẩu chuyển gánh nặng chi phí này lên người tiêu dùng thông qua tăng giá, bởi điều này chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề của nền kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng còn yếu ớt.

Do ảnh hưởng của tình hình thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là trận lũ lụt kinh hoàng tại tỉnh Hà Nam khiến hàng chục người thiệt mạng và hàng trăm nghìn người phải di dời; chỉ số PMI trong lĩnh vực xây dựng của Trung Quốc đã giảm từ mức 60,1 trong tháng 6 xuống còn 57,5 trong tháng 7. Các nhà phân tích nhận định lĩnh vực xây dựng sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức mới trong bối cảnh Bắc Kinh siết chặt thị trường bất động sản. 

Để hỗ trợ nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) vào giữa tháng 7 đã gây bất ngờ cho thị trường khi hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với các ngân hàng, qua đó bơm thêm khoảng 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ (154 tỷ USD) thanh khoản vào nền kinh tế trong dài hạn.

Nhìn chung cho đến nay, có thể nói nền kinh tế Trung Quốc đã phục hồi phần lớn sau những gián đoạn mà cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 gây ra. Các lĩnh vực dịch vụ, tiêu dùng đã dần bắt kịp sự phục hồi ngoạn mục của sản xuất và xuất khẩu. 

Tuy nhiên, những thách thức mới tiếp tục nảy sinh khi các nhà sản xuất vật lộn với mức tăng chi phí nguyên liệu thô, cước vận tải và tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, đợt bùng phát mới của dịch Covid-19 gần đây do biến thể delta lây lan ở Nam Kinh đang đặt ra nhiều rủi ro mới cho sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai hành tinh.


NTTD
Cùng chuyên mục