Nhìn sâu vào bức tranh kinh tế Trung Quốc: phục hồi chưa đồng đều, phân hóa ngày càng rõ

31/07/2021 20:34 GMT+7
Khi nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục phục hồi sau đại dịch, tốc độ tăng trưởng cách biệt tại các tỉnh thành đang phản ánh sự phục hồi không đồng đều cũng như sự bất bình đẳng gia tăng.

Trong số 31 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương của Trung Quốc, 27 tỉnh đã báo cáo kết quả kinh tế nửa đầu năm tính đến ngày 23/7. Tỉnh Hồ Bắc - nơi có thành phố Vũ Hán, tâm chấn của đợt bùng phát dịch Covid-19 hồi năm ngoái - đã ghi nhận mức tăng trưởng lên tới 28,5%, gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái. Tỉnh Thanh Hải, Tây Bắc Trung Quốc là nơi báo cáo mức tăng trưởng thấp nhất, đạt 9,5%.

Xu hướng tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng được đánh giá có mối tương quan chặt chẽ với tăng trưởng kinh tế các địa phương của Trung Quốc. Chẳng hạn, các tỉnh Nội Mông, Liêu Ninh và Hồ Bắc - hiện ghi nhận doanh số bán lẻ vẫn dưới mức năm 2019 - cũng đồng thời là các tỉnh có tăng trưởng kinh tế chậm nhất trong bình quân 2 năm. Trong khi đó, các tỉnh Hải Nam, An Huy, Trùng Khánh và Quý Châu - nơi chi tiêu tiêu dùng phục hồi mạnh mẽ - đã ghi nhận mức tăng trưởng cao hơn đáng kể.

Ông Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management nhận định dữ liệu vĩ mô chỉ ra rằng nền kinh tế Trung Quốc đang trải qua sự phân hóa rõ rệt chưa từng có. Trước đại dịch, tăng trưởng tiêu dùng trên cả nước nhìn chung khá đồng đều. Nhưng khoảng cách giữa tăng trưởng tiêu dùng của các tỉnh đã ngày càng mở rộng kể từ sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay. Đằng sau sự phân hóa này là bức tranh mất cân bằng thu nhập trên toàn thị trường lao động.

Lu Ting, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Nomura Securities cho biết các chính sách gần đây của Bắc Kinh, chẳng hạn thúc đẩy mục tiêu trung hòa carbon chống biến đổi khí hậu, sẽ tiếp tục làm gia tăng xu hướng mất cân bằng này.

Nhìn sâu vào bức tranh kinh tế Trung Quốc: phục hồi chưa đồng đều, phân hóa ngày càng rõ - Ảnh 1.

Nhìn sâu vào kinh tế Trung Quốc hậu đại dịch: phục hồi chưa đồng đều, phân hóa ngày càng rõ (Ảnh: AFP)

Tốc độ phục hồi tiêu dùng khác biệt

Tiêu dùng đóng vai trò cơ bản và bền vững trong tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Trước đại dịch, khoảng cách lớn nhất giữa mức tăng trưởng tiêu dùng cao nhất và thấp nhất giữa các tỉnh chỉ là 10%, theo ông Zhang Zhiwei. Tuy nhiên, trong năm 2020, khoảng cách này đã tăng mạnh lên 24%. Tính đến tháng 5/2021, con số đã lên tới 26%.

Đà phục hồi tiêu dùng khác nhau ở các khu vực khác nhau được cho là do cơ cấu nền kinh tế. Chẳng hạn, tại Hải Nam - tỉnh có tăng trưởng kinh tế thuộc top cao nhất cả nước, doanh số bán lẻ chủ yếu được thúc đẩy nhờ chi tiêu dịch vụ du lịch. Khi nền kinh tế mở cửa trở lại và việc kiểm soát thành công đại dịch thúc đẩy hoạt động du lịch nội địa, doanh số bán lẻ ở Hải Nam trong nửa đầu năm 2021 đã tăng 55,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp 1/3 trong tăng trưởng kinh tế địa phương. 

Nhìn sâu vào bức tranh kinh tế Trung Quốc: phục hồi chưa đồng đều, phân hóa ngày càng rõ - Ảnh 2.

Tốc độ phục hồi tiêu dùng khác biệt tại các địa phương phản ánh phần nào tăng trưởng kinh tế không đồng đều của Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

Động lực đầu tư khác biệt

So với nửa đầu năm 2020, thời điểm đại dịch bùng phát mạnh mẽ ở Trung Quốc, tất cả các tỉnh thành đều đạt mức tăng trưởng đầu tư khá cao trong 6 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, các yếu tố thúc đẩy đầu tư ở các khu vực khác nhau có sự khác biệt rõ ràng. Các tỉnh miền Đông chủ yếu ghi nhận đầu tư sản xuất tăng mạnh, trong khi các tỉnh miền Tây phụ thuộc chủ yếu vào chi tiêu cơ sở hạ tầng. 

Tại Bắc Kinh, đầu tư vào lĩnh vực sản xuất là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế, với mức tăng trưởng bình quân 6 tháng đầu năm là 66,5% (dựa trên cơ sở bình quân 2 năm). Đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghệ cao tăng 75%, trong khi đầu tư vào cơ sở hạ tầng giảm 16,3%.

Thượng Hải và Phúc Kiến cũng ghi nhận bức tranh tương tự rằng chi tiêu cơ sở hạ tầng đang ngày càng giảm tỷ trọng. Cụ thể, đầu tư sản xuất tăng 15% ở Thượng Hải và 7,7% ở Phúc Kiến, trong khi đầu tư cơ sở hạ tầng tăng 6,6% ở Thượng Hải và 1,8% ở Phúc Kiến.

So sánh với phía Tây Trung Quốc, chẳng hạn tỉnh Quảng Tây, đầu tư cơ sở hạ tầng trong 6 tháng đầu năm 2021 đã tăng mạnh 33,5% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 19,3% trên cơ sở bình quân hai năm.

Tác động của chính sách trung hòa carbon làm sâu sắc thêm sự phân hóa kinh tế

Với mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060, Trung Quốc đang áp đặt các giới hạn công suất với hàng loạt nhà máy nhiệt điện, than, hóa chất và hóa dầu cũng như các lĩnh vực phát thải carbon cao. Chính sách này đã gây ra tác động khác biệt rõ ràng với các ngành công nghiệp.

Sông Hoài thường được coi là ranh giới phân chia giữa miền bắc và miền nam Trung Quốc. Các tỉnh phía bắc sông Hoài đóng góp khoảng 35% vào GDP của Trung Quốc nhưng chiếm hơn 60% lượng phát thải carbon. Theo nhà kinh tế học Ting Lu tại Nomura Securities, các biện pháp giảm thiểu khí thải carbon mà Bắc kinh áp dụng chắc chắn sẽ làm tăng khoảng cách kinh tế giữa hai miền Nam Bắc.

Đối với một số tỉnh phía Bắc phụ thuộc nhiều vào than và thép, tác động đang ngày một trở nên rõ nét. Chẳng hạn, tháng 6 vừa qua, chính quyền tỉnh Hà Nam cho hay họ đang gặp khó khăn lớn trong việc phát triển kinh tế xã hội song song với tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu phát thải carbon. Tỉnh Quý Châu, nơi phụ thuộc vào hoạt động sản xuất kim loại màu, cũng gặp khó trong việc duy trì sản lượng công nghiệp cùng với giảm khí phát thải.

Chi tiêu tài khóa phản ánh phần nào khoảng cách tăng trưởng

Tình trạng mất cân đối tăng trưởng giữa các tỉnh cũng được phản ánh qua doanh thu ngân sách mỗi tỉnh. Các tỉnh Thiểm Tây, Hắc Long Giang, Chiết Giang và Cát Lâm và thành phố Thiên Tân báo cáo doanh thu tài khóa nửa đầu năm tăng 20-30%, trong khi mức tăng ở Quý Châu, Liêu Ninh, Vân Nam và Hà Nam chỉ là 10-15%.

Nguồn thu thuế từ các ngành công nghiệp tăng nhanh hơn nhiều so với lĩnh vực dịch vụ. Chẳng hạn, tỉnh Giang Tây đã thu về 83,7 tỷ nhân dân tệ thuế công nghiệp trong sáu tháng đầu năm - tăng 23,6% so với cùng kỳ năm ngoái và 114 tỷ nhân dân tệ thuế dịch vụ - tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngược lại với sự phục hồi nhanh chóng của nguồn thu ngân sách, các tỉnh đã giảm đáng kể chi tiêu tài khóa trong nửa đầu năm. Tốc độ chi tiêu tài khóa chậm lại thể hiện tầm quan trọng giảm dần của việc đầu tư cơ sở hạ tầng như một động lực tăng trưởng kinh tế.

Nguy cơ từ trái phiếu chính quyền địa phương

Nhìn sâu vào bức tranh kinh tế Trung Quốc: phục hồi chưa đồng đều, phân hóa ngày càng rõ - Ảnh 4.

Nguy cơ vỡ nợ trái phiếu chính quyền địa phương Trung Quốc còn đáng lo hơn vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp (Ảnh: Getty Images)

Điều đáng chú ý hơn trong lĩnh vực tài chính là sự thay đổi cách nhìn nhận của thị trường về trái phiếu chính quyền địa phương. 

Tờ CNBC gần đây đã chỉ ra một rủi ro lớn trong hệ thống tín dụng Trung Quốc: nguy cơ vỡ nợ trái phiếu do chính quyền địa phương phát hành (còn gọi là LGFV). Các LGFV được chính quyền địa phương thành lập để lách lệnh cấm của Bắc Kinh về việc vay mượn trực tiếp từ ngân hàng. 

Theo hình thức này, các công ty thuộc sở hữu hoàn toàn của chính quyền địa phương sẽ được thành lập để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng công cộng. Loại hình trái phiếu do các công ty này phát hành đã tăng mạnh trong những năm qua trong bối cảnh xây dựng cơ sở hạ tầng trở thành động lực tăng trưởng quan trọng bậc nhất của nền kinh tế Trung Quốc.

Chính quyền Trung ương Trung Quốc đã kêu gọi giám sát tốt hơn ngân sách và chi tiêu của chính quyền địa phương, đồng thời quản lý nợ chặt chẽ hơn sau khi cuộc kiểm toán với hàng chục chính quyền địa phương phơi bày một loạt vi phạm như áp thuế trái luật, năng lực quản lý nợ kém.

Cho đến nay, chưa có LGFV Trung Quốc nào từng vỡ nợ trái phiếu. Nhưng từ vài năm nay, nhiều tổ chức xếp hạng như Fitch Rating hay S&P Global Ratings đã cảnh báo đợt vỡ nợ đầu tiên có thể sẽ xảy đến do tốc độ tăng tín dụng quá nhanh trong những tháng qua, khi các chính quyền địa phương cần dư địa tín dụng để kích thích nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.

Thực tế, các chính quyền địa phương tại Trung Quốc đang từng bước đạt tiến bộ nhất định trong việc quản lý nợ, dù tiến bộ đó vẫn chưa đồng đều giữa mỗi địa phương.


NTTD
Cùng chuyên mục