Tiếp tục mạnh tay, Trung Quốc muốn loại bỏ tiền điện tử khỏi nền kinh tế?

07/07/2021 16:56 GMT+7
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) hôm 6/7 đã kêu gọi đóng cửa một công ty bị nghi ngờ cung cấp dịch vụ phần mềm cho các giao dịch tiền ảo.

Tuyên bố do PBoC đưa ra bao gồm nội dung cảnh báo các tổ chức, doanh nghiệp không cung cấp các dịch vụ liên quan đến tiền ảo, bao gồm cả mặt bằng kinh doanh hay quảng cáo.

Trước đó, hôm 21/6, PBoC đã triệu tập một số tổ chức tài chính và nhà băng lớn, chẳng hạn Alipay (dịch vụ thanh toán di động do Ant Group trực thuộc Alibaba điều hành), Ngân hàng Công thương Trung Quốc và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc để thảo luận về việc không cung cấp các dịch vụ liên quan đến tiền điện tử. Động thái củng cố thêm quan điểm cứng rắn của Trung Quốc với tiền tệ kỹ thuật số.

Đây không phải “chiến dịch” đầu tiên mà Trung Quốc nhằm vào ngành công nghiệp tiền điện tử. Nhưng lần này, Bắc Kinh mạnh tay hơn nhiều.

Tiếp tục mạnh tay, Trung Quốc muốn loại bỏ tiền điện tử khỏi nền kinh tế? - Ảnh 1.

Tiếp tục mạnh tay, Trung Quốc muốn loại bỏ tiền điện tử khỏi nền kinh tế? (Ảnh: Getty Images)

Vào tháng 5, Trung Quốc đã cấm các tổ chức tài chính và công ty thanh toán cung cấp các dịch vụ liên quan đến tiền điện tử. Đến tháng 6, các cơ quan chức năng đã tiến hành hàng loạt vụ bắt giữ đối với những cá nhân, tổ chức bị nghi ngờ sử dụng tiền điện tử trái pháp luật. Các cơ quan quản lý cũng gây áp lực lên ngân hàng và doanh nghiệp thanh toán về việc ngừng cung cấp dịch vụ tiền điện tử.

Chính phủ Trung Quốc cũng đóng cửa hàng loạt mỏ khai thác tiền điện tử ở Nội Mông và Tứ Xuyên trong những tuần qua. Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc thẳng thừng tuyên bố cần “trấn áp hành vi khai thác và giao dịch bitcoin” nhằm ngăn ngừa rủi ro lan sang các lĩnh vực xã hội. Hàng loạt động thái dồn dập của Trung Quốc nhiều lần khiến giá bitcoin nói riêng và các đồng tiền điện tử nói chung lao dốc mạnh.

Fred Thiel, Giám đốc điều hành Marathon Digital Holdings đồng thời là thành viên Hội đồng khai thác Bitcoin nhận định: “Chính phủ Trung Quốc đang làm mọi thứ có thể để đảm bảo rằng bitcoin và các loại tiền điện tử khác biến mất khỏi hệ thống tài chính và nền kinh tế nước này”.

Tại sao Trung Quốc "giáng đòn" tiền điện tử vào lúc này?

Câu hỏi đặt ra là tại sao Trung Quốc lại chọn tuyên chiến triệt để với tiền điện tử vào thời điểm này?

Thực tế từ lâu, tiền điện tử đã bị coi là đồng tiền không hợp pháp ở Trung Quốc đại lục. Vụ án tiền điện tử Plus Token, một dự án bắt nguồn từ Trung Quốc đã gây sóng gió dư luận trong nhiều năm khi những kẻ lừa đảo thông qua hệ thống này huy động được 5,7 tỷ USD của các nhà đầu tư. Hàng chục người đã bị bắt liên quan đến vụ án này. Cho đến nay, nó vẫn là một lời cảnh báo về những rủi ro từ tiền điện tử.

Một nguyên nhân khác, Trung Quốc được cho là đang “thanh trừng” tiền điện tử để dọn đường cho đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số do PBoC phát hành. Dự án đồng tệ số đã được PBoC phát triển từ năm 2014 và đang trải qua các cuộc thử nghiệm quy mô lớn ở nhiều thành phố trước khi chính thức tung ra thị trường.

Nic Carter, đối tác sáng lập tại Castle Island Ventures thì chỉ ra một nguyên nhân khác rằng động cơ lớn nhất có thể là Bắc Kinh đang tìm cách ngăn chặn dòng vốn chảy ra thông qua các loại tiền điện tử. “Việc Trung Quốc siết dòng chảy đồng Nhân dân tệ sang tiền điện tử là một vấn đề”.

Tuy nhiên, ông Fred Thiel nhận định rằng trong dài hạn, việc Trung Quốc cấm bitcoin và tiền điện tử thực tế sẽ có lợi cho bitcoin. “Nếu mục tiêu của Trung Quốc là giết chết đồng bitcoin bằng cách đóng cửa các mỏ khai thác bitcoin trong nước (vốn chiếm 50% công suất đào bitcoin toàn cầu) và cấm giao dịch, thì điều đó hoàn toàn vô tác dụng. Thay vào đó, bitcoin đã chứng minh khả năng phục hồi của nó khi các giao dịch chuyển từ Trung Quốc ra nước ngoài”.

Bên cạnh đó, mặc dù Trung Quốc hiện là một trong những quốc gia châu Á đi đầu trong việc kìm hãm các giao dịch tiền điện tử nhưng hai khu vực pháp lý châu Á khá thân thiện với tiền kỹ thuật số và cho đến nay vẫn chưa thay đổi lập trường của họ. Đó là Nhật Bản và Singapore. Các nhà phân tích tại Arca, một hãng tư vấn đầu tư tài sản kỹ thuật số chỉ ra rằng cho đến nay, Cơ quan Dịch vụ Tài chính của Nhật Bản chưa có động thái nào thực tế nhằm thắt chặt quy định với tài sản kỹ thuật số. Còn Singapore, dù các quan chức Ngân hàng Trung ương hồi tháng 4 đã lên tiếng cảnh báo tiền điện tử có tính biến động mạnh và không phù hợp với các nhà đầu tư cá nhân, nhưng cũng không có động thái pháp lý cụ thể nào được đưa ra.


NTTD
Cùng chuyên mục