Trưởng ban Pháp chế VCCI “tiết lộ bất ngờ”: DN càng ăn nên làm ra, chi phí thực hiện thủ tục hành chính càng cao

24/03/2023 12:51 GMT+7
Theo ông Đậu Anh Tuấn, nền kinh tế của một đất nước chỉ có thể phát triển vững mạnh nếu có khu vực kinh tế tư nhân trong nước vững mạnh.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nền kinh tế đã cho thấy những tín hiệu hết sức khó khăn ngay từ quý IV/2022 khi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhiều ngành hàng suy giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, nhiều công ty bắt đầu sa thải lao động.

Đặc biệt, trong bối cảnh mới, với sự rung lắc của rất nhiều thị trường toàn cầu, thách thức đặt ra từ Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu,... khiến cho năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ ngày càng suy giảm.

Năm 2022, dù vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tăng nhưng vốn đăng ký giảm. Điều này cho thấy thách thức không còn là nguy cơ mà đã hiện hữu.

Trưởng ban Pháp chế VCCI: Thị trường trong nước cần những chính sách khôn ngoan - Ảnh 1.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Càng ăn nên làm ra, chi phí thực hiện thủ tục hành chính càng cao

Trong bối cảnh đó, theo Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nền kinh tế của một đất nước chỉ có thể phát triển vững mạnh nếu có khu vực kinh tế tư nhân trong nước vững mạnh.

Thế nhưng, một thực tế không thể phủ nhận rằng còn nhiều "điểm nghẽn" chưa khơi thông tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực này phát triển.

Điển hình như việc cải cách thủ tục hành chính và cắt giảm thủ tục hành chính, theo vị này, mới chỉ được thực hiện ở một số ngành như thuế, hải quan và chưa thấy mở rộng sang lĩnh vực khác.

Rất nhiều quy định vẫn dựa vào định tính, trao quyền cho công chức thực thi, chưa có cách thức quản lý chỉ tập trung ở một khu vực có vi phạm.

"Khi điều tra các doanh nghiệp trong những năm gần đây, chúng tôi thấy một thực tế rằng, những doanh nghiệp nào càng kinh doanh nhiều, càng ăn nên làm ra thì chi phí thực hiện thủ tục hành chính càng cao, càng đón nhận nhiều thanh, kiểm tra và càng bị sai sót nhiều. Điều đó không tạo ra động lực. Trong khi theo quy luật kinh tế, doanh nghiệp nào càng lớn thì nhân lực càng chuyên nghiệp, chi phí thủ tục hành chính phải càng thấp, mới có động lực lớn lên", ông Đậu Anh Tuấn nêu vấn đề.

Ông Đậu Anh Tuấn cũng nói thêm, trong thời gian vừa qua, việc cổ phần hóa doanh nghiệp còn chậm. Do đó, chúng ta chưa phát huy được năng lực quản trị của khối tư nhân trong việc quản lý các tài sản của Nhà nước.

Ngoài ra, còn có tình trạng một số ngành do Nhà nước quản lý nhưng chỉ quản lý những doanh nghiệp "có tóc".

Cụ thể, chúng ta đặt ra quy định để áp dụng với những doanh nghiệp hiện diện ở Việt Nam, còn rất nhiều những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới thì lại khó quản lý.

Đơn cử như doanh nghiệp kinh doanh rượu bia, chúng ta đang xây dựng lại Dự thảo luật, nhưng chỉ quản lý được những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, nộp thuế đầy đủ, còn 50-60% thị phần là do những cơ sở kinh doanh không có nhãn mác, không có đăng ký. Vì vậy cơ chế quản lý hiện nay vẫn chưa đảm bảo một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch cho các đối tượng kinh doanh.

Thị trường trong nước cần những chính sách khôn ngoan

Để tiếp tục thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế tư nhân trong nước, Trưởng ban Pháp chế VCCI nhấn mạnh một số giải pháp gồm:

Một là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên mọi ngành, mọi cấp. Giải pháp này sẽ hỗ trợ được rất nhiều doanh nghiệp giảm chi phí, công bằng và hướng tới những mục tiêu phát triển bền vững hơn.

Trưởng ban Pháp chế VCCI: Thị trường trong nước cần những chính sách khôn ngoan - Ảnh 3.

Thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển.

Hai là, áp dụng công nghệ thông tin một cách thực chất. Theo báo cáo, việc áp dụng công nghệ thông tin ở nhiều ngành nhiều cấp rất cao,, nhưng mỗi người tự thực hiện thủ tục hành chính sẽ biết được để thực hiện một cách trót lọt trên hệ thống điện tử không dễ dàng, cho nên ở khía cạnh doanh nghiệp cũng như vậy. Hiện nay bất cập của thị trường xăng dầu là cách thức quản lý, can thiệp của Nhà nước vào thị trường.

"Chúng tôi cho rằng trong thời gian tới cần đổi mới hơn, phát huy vai trò của thị trường mang tính cạnh tranh. Nhà nước sẽ khó tính toán hết các chi phí can thiệp vào mọi lĩnh vực, đây cũng là bài toán lớn trên con đường xây dựng một nền kinh tế thị trường", ông Tuấn phân tích.

Ba là, cần phải tăng tính ổn định, dự đoán có chính sách pháp luật. "Nhiều doanh nghiệp cho biết hiện nay rủi ro của pháp luật lớn hơn rủi ro từ thị trường, vì vậy cần phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa", ông Tuấn nói.

Bốn là, cần phải phát huy vai trò của thị trường trong đó có một số ngành như thị trường xăng dầu.

Năm là, xây dựng giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài, bảo hộ một cách hợp lý, hợp pháp nhưng thị trường trong nước cũng cần chính sách khôn ngoan.

Ông cho rằng, đây sẽ là thách thức của Việt Nam trong thời gian tới, chúng ta có lợi thế không hề nhỏ về quy mô thị trường, dân số,... Nếu chúng ta ban hành những chính sách bảo hộ thị trường một cách phù hợp, khuyến khích doanh nghiệp trong nước phát triển là yếu tố rất quan trọng.

Nếu mở toang cửa, sẵn sàng chào đón tất cả, thì "miếng bánh" cho doanh nghiệp trong nước sẽ không còn dễ dàng.

H.Anh
Cùng chuyên mục