Trường hợp xấu nhất, giá trị xuất khẩu thủy sản nửa cuối 2022 sẽ ở mức 4,8-5 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm trước
Tại hội thảo với chủ đề Nhu cầu và xu hướng thủy sản hậu Covid-19 trong khuôn khổ triển lãm Vietfish, bà Lê Hằng, chuyên gia của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) kiêm Giám đốc truyền thông của hiệp hội này, chỉ ra những đặc điểm của thị trường thủy sản trong thời gian tới.
Thứ nhất, nhu cầu thuỷ sản toàn cầu đã đạt đỉnh và sẽ giảm trong nửa cuối năm nay. Thứ hai, đồng USD tăng giá làm giảm nhu cầu ở nhiều thị trường trong đó có EU, Nhật Bản. Cuối cùng, lượng tồn kho tăng khiến nhà nhập khẩu hạn chế mua hàng và tìm cách hạ giá nhập khẩu. Giá xuất khẩu không duy trì được mức cao như nửa đầu năm.
Bên cạnh đó, lạm phát làm giảm chi tiêu cho thủy sản, người tiêu dùng sẽ ưu tiên cho các loài có giá vừa phải phù hợp với thu nhập đang bị sụt giảm. Tôm nhỏ, cá tra, chả cá, surimi, cá biển nhỏ vẫn có nhu cầu cao nhưng giá sẽ giảm so với nửa đầu năm.
Trước những xu hướng trên của thị trường thế giới, chia sẻ với Người Đồng Hành, bà Lê Hằng cho rằng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ chậm lại trong nửa cuối năm. Trường hợp xấu nhất, giá trị xuất khẩu nửa cuối năm nay sẽ tương đương với nửa cuối năm trước, ở mức 4,8-5 tỷ USD. Trong tình huống đó, xuất khẩu thủy sản Việt Nam cả năm có kim ngạch khoảng 10,5-10,7 tỷ USD.
"Khó xảy ra chuyện kim ngạch đang khoảng 1 tỷ USD xuống còn 500 triệu USD mỗi tháng trong những thời gian tới, ít nhất cũng ở tầm 700-800 triệu USD/tháng", bà Lê Hằng chia sẻ.
Theo VASEP, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng qua là gần 5,8 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021. Trong năm trước, xuất khẩu mặt hàng này ở mức 8,9 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2020. Trong đó, tôm mang về gần 3,9 tỷ USD, cá tra ở mức 1,6 tỷ USD, các mặt hàng hải sản là 3,4 tỷ USD.
Theo bà Lê Hằng, tuy đối diện với một số thách thức nhưng thị trường thủy sản Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội như việc lao động chế biến thủy sản chuyển dịch từ Trung Quốc sang các nước châu Á khác, do chiến tranh thương mại của Trung Quốc với Mỹ và chính sách kiểm tra thủy sản nhập khẩu khắt khe trong và sau đại dịch. Thực trạng hiện tại là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tăng hoạt động gia công, chế biến. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt ngày càng linh hoạt, đa dạng thị trường, chuyển hướng các thị trường ngách tiềm năng để tận dụng các cơ hội.