TS. Trần Đình Thiên: Đến lúc điều hành giá điện theo thị trường, dự sẽ không còn thiếu điện
Ông Thiên cho rằng, bài học chuyển lúa gạo sang cơ chế thị trường vừa đảm bảo an ninh năng lượng mấy thập kỷ trước vẫn còn nguyên giá trị với thị trường điện.
Đây là chia sẻ của PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tại Diễn đàn đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội.
Theo đó, thời điểm trước đây khi an ninh lương thực rất thách thức, đã có nhiều quan điểm lo ngại rằng nếu Nhà nước bỏ quản lý, người nghèo sẽ đói, giá gạo "leo thang".
Tuy nhiên, thật kỳ diệu khi chuyển giá gạo sang thị trường thì đất nước no đủ, chẳng cần sự can thiệp của nhà nước và thị trường quyết định giá gạo, nông dân được hưởng lợi, người tiêu dùng cũng hưởng lợi.
Theo đó, TS. Trần Đình Thiên cho rằng, bài học này cần tiếp tục được thực hiện với mặt hàng xăng dầu và điện.
Cụ thể với mặt hàng điện, ông cho rằng cần chuyển sang giai đoạn phát triển khác – đó là chuyển sang cơ chế giá thị trường. Đây sẽ là một trong những động lực tăng trưởng mới của đất nước mà chúng ta đang tìm kiếm.
Theo ông Thiên, Việt Nam xưa nay vẫn luôn bàn câu chuyện làm sao để đáp ứng nguồn cung điện cho người dân và đến giờ vẫn vậy. Ngày xưa, chúng ta bàn cung cấp điện làm sao cho đỡ căng thẳng thẳng, nhưng giờ cung điện không chỉ đáp ứng cầu mà còn hạn chế, rủi ro mất điện đến mức tối thiểu để đáp ứng nhu cầu của người dân, đất nước.
TS. Thiên cũng nhấn mạnh rằng giá điện khi về cơ chế thị trường sẽ giúp ngành điện thu hút nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước. Hiện nay, thế giới đã tiến tới phát triển năng lượng hydrogen.
"Nếu chúng ta vẫn giữ cơ chế cũ thì nguy cơ không bắt kịp sự phát triển của thế giới là rất lớn. Trong cuộc đua công nghiệp 4.0, chúng ta biết rằng ai làm chủ công nghệ người đó sẽ thắng. Tốc độ tăng trưởng của ngành năng lượng Việt Nam cần phải gấp rưỡi tốc độ tăng trưởng GDP", ông Trần Đình Thiên khái quát.
Như Dân Việt đưa tin, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa có báo cáo gửi Bộ KH&ĐT về tình hình kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cơ quan này tiếp tục cho thấy tín hiệu xấu khi 8 tháng qua, EVN lỗ hơn 28.700 tỷ đồng.
Uỷ ban Quản lý vốn cho biết, số lỗ 6 tháng đầu năm 2023 của EVN là hơn 35.400 tỷ đồng, ước trong 8 tháng năm 2023 số lỗ là hơn 28.700 tỷ đồng. Như vậy số lỗ 8 tháng của năm 2023 đã tăng khoảng 2.200 tỷ đồng so với số lỗ của cả năm 2022.
Mới đây, trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh cơ chế giá bán lẻ điện hiện không phản ánh kịp thời chi phí nhiên liệu, khan hiếm nguồn cung - cầu và chính sách về giá còn bộc lộ bất cập.
Cụ thể, khung pháp lý cho việc tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh vẫn chưa hoàn thiện. Và các nhà máy điện tái tạo được xây dựng theo tư duy "giá FIT" găoj nhiều rủi ro khi tham gia chào giá trên thị trường cạnh tranh.
Cùng với đó, chính sách về giá điện còn bất cập. Chẳng hạn, hiện chưua có quy định về giá phân phối điện sẽ do Nhà nước điều tiết tương tự giá truyền tải hay không; về vấn đề tính đúng, đủ và lợi nhuận hợp lý cho các đơn vị điện lực.
Đáng chú ý, cơ quan này cho rằng, thẩm quyền ban hành cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện và vấn đề trong điều hành cũng chưa hợp lý.
Trong khi đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị hoàn thiện cơ chế điều chỉnh giá điện phù hợp thực tế. Việc điều chỉnh giá phải bảo đảm điều hành minh bạch, không gây ảnh hưởng lớn, đột ngột và tiêu cực đến sản xuất và đời sống của người dân.