Từ cây giống ban đầu của một ông nông dân, vải thiều phủ xanh đất đồi Bắc Giang, bay sang Mỹ, Nhật

Kế Nguyễn Thứ năm, ngày 17/03/2022 11:53 AM (GMT+7)
Nhằm góp phần nâng cao giá trị trái vải thiều, tỉnh Bắc Giang đã đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa, tự động hóa các khâu trong quá trình sản xuất; tập trung ứng dụng tiến bộ về giống, quy trình sản xuất tiên tiến, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bình luận 0

Áp dụng tiêu chuẩn cao trong canh tác vải thiều

Được mệnh danh là "thủ phủ" trái vải thiều của tỉnh Bắc Giang, huyện Lục Ngạn là một trong những địa phương tiêu biểu trong việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và quy trình hữu cơ trong canh tác cây vải thiều.

Anh Lục Văn Bích (xã Hộ Đáp, huyện Lục Ngạn) chia sẻ: Gia đình anh có khoảng 1ha vải trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP với 200 gốc được cấp mã chỉ dẫn địa lý xuất Nhật Bản. 

Mỗi năm anh thu về khoảng 5 - 7 tấn vải đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Trước nhu cầu không ngừng tăng cao về chất lượng sản phẩm vải thiều, anh Bích đã tích cực học hỏi, trau dồi kinh nghiệm canh tác, chăm sóc cho cây vải, áp dụng và tuân thủ quy trình mà Bộ NNPTNT quy định.

Cũng như huyện Lục Ngạn, huyện Tân Yên cũng đang đẩy mạnh và nhân rộng các mô hình trồng vải theo hướng VietGAP và GlobalGAP để đáp ứng nhu cầu cao của thị trường, đẩy mạnh quá trình hội nhập và nâng cao chất lượng cho quả vải thiều.

Tăng áp dụng tiêu chuẩn quốc tế canh tác vải thiều - Ảnh 1.

Người dân huyện Lục Ngạn, Bắc Giang chăm sóc vải thiều. Ảnh: K.N

Anh Nguyễn Văn Thiết - Giám đốc HTX Vải sớm Phúc Hòa, huyện Tân Yên chia sẻ: Các tổ hợp tác tham gia HTX luôn chấp hành nghiêm và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc cây vải, tích cực học hỏi, tập huấn để tăng kinh nghiệm trong sản xuất và canh tác nhằm nâng cao giá trị của trái vải. HTX cũng luôn hỗ trợ, giúp đỡ cho các hội viên tham gia về khâu sản xuất và tiêu thụ vải thiều. 

Chính quyền huyện cũng tập trung chỉ đạo, quan tâm việc hỗ trợ người dân tập huấn, hỗ trợ về phân bón, truyền đạt kinh nghiệm trong chăm sóc cây vải từ đó chất lượng trái vải sớm Phúc Hòa không ngừng được nâng cao và đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm vải thiều

Năm 2021, sản lượng vải thiều tỉnh Bắc Giang đạt 215.800 tấn, tăng 50.000 tấn so với năm 2020. Sản phẩm tiêu thụ nội địa 126.552 tấn (chiếm khoảng 58,6% tổng sản lượng tiêu thụ); sản lượng xuất khẩu 89.300 tấn (chiếm 41,4% tổng sản lượng tiêu thụ).

Tăng áp dụng tiêu chuẩn quốc tế canh tác vải thiều - Ảnh 2.

Năm 2022, diện tích sản xuất vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang là 28.300ha, sản lượng khoảng 160.000 tấn. 

Trong đó, diện tích vải an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP 15.400ha, sản lượng khoảng 112.900 tấn; vải sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP duy trì diện tích 82ha đã được cấp và thực hiện cấp mới 20ha, nâng tổng số lên 102ha, sản lượng 1.000 tấn...

Quản lý quy hoạch, không mở rộng diện tích mà tập trung phát triển theo chiều sâu để nâng cao năng suất, chất lượng vải thiều là chủ trương mà UBND tỉnh Bắc Giang hướng tới để không ngừng nâng cao chất lượng trái vải thiều đặc sản của địa phương. 

Sở NNPTNT cùng UBND các huyện tập trung đào tạo, tập huấn cho cán bộ, ban điều hành, tổ hợp tác và các hộ nông dân sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ; khuyến cáo sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, chỉ dùng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được phép, ưu tiên dùng thuốc có nguồn gốc sinh học, thuốc có thời gian cách ly ngắn, đảm bảo thời gian cách ly ghi trên nhãn thuốc và không sử dụng thuốc chứa hoạt chất đối với các thị trường đã cấm như Mỹ, Úc, Nhật Bản.

Tỉnh cũng tiếp tục triển khai nhân rộng việc áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc các sản phẩm vải thiều (mã số, mã vạch gắn với thông tin tra cứu về sản phẩm), qua đó kiểm soát chặt chẽ tất cả các khâu: sản xuất, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ gắn với sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm bảo vệ sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng, nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường nội địa và xuất khẩu.

Ông Thân Minh Sâm - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thế cho biết: Xác định cây vải thiều là cây phát triển kinh tế chủ lực của huyện, UBND huyện Yên Thế đã ban hành nghị quyết phát triển nông nghiệp bền vững, thâm canh cây vải theo kỹ thuật mới, thường xuyên cử cán bộ trực tiếp tới kiểm tra các vùng trồng, trao đổi kinh nghiệm chăm sóc vải với các hộ thành viên trong vùng, đồng thời ghi sổ nhật ký thực hiện các quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. 

Sử dụng máy cắt cỏ, dọn vệ sinh vườn để hạn chế mầm bệnh gây hại. Đặc biệt phải tuân thủ việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép.

Định hướng đến 2023, 50 - 70% diện tích canh tác vải trên địa bàn huyện theo mô hình chuẩn VietGAP và hướng tới GlobalGAP, hữu cơ.

Từ những năm 1950, những nông dân quê ở Thanh Hà, Hải Dương lên Lục Ngạn (Bắc Giang) xây dựng kinh tế mới đã mang theo giống vải của quê hương lên trồng kỷ niệm. Từ những cây vải ban đầu, vải thiều đã phủ xanh khắp các ngọn đồi của Lục Ngạn, Yên Thế,... mang lại cho người dân Bắc Giang gần 7.000 tỷ đồng vào năm 2021.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem