Từ vụ một người đứng tên 116 doanh nghiệp, Phó Thủ tướng chỉ đạo "nóng"

12/07/2024 16:48 GMT+7
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về kẽ hở đối với thành lập doanh nghiệp để lợi dụng trốn thuế, lừa đảo.

Theo đó, đầu tháng 7/2024, báo chí đưa thông tin về trường hợp một người đứng tên đại diện pháp luật 116 doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh trong khoảng thời gian ngắn. Báo chí đặt nghi ngại về kẽ hở về pháp lý trong quy trình thành lập doanh nghiệp, từ đó lợi dụng thành lập doanh nghiệp nhưng không hoạt động để trốn thuế, lừa đảo.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan có các giải pháp tăng kiểm soát, quản lý việc đăng ký thành lập doanh nghiệp, ngăn chặn việc lợi dụng thành lập doanh nghiệp nhưng không hoạt động để trốn thuế, lừa đảo.

Từ vụ một người đứng tên 116 doanh nghiệp, Phó Thủ tướng chỉ đạo "nóng"- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái (Ảnh: Chinhphu.vn)

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với UBND TP.HCM, các cơ quan liên quan khẩn trương nắm bắt, xác minh thông tin báo chí phản ánh; căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và quy định của pháp luật, có các giải pháp tăng kiểm soát, quản lý việc đăng ký thành lập doanh nghiệp, ngăn chặn việc lợi dụng thành lập doanh nghiệp nhưng không hoạt động để trốn thuế, lừa đảo; báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý trong trường hợp vượt thẩm quyền.

Hiện trạng một người đăng ký đứng tên đại diện 116 doanh nghiệp khiến lo ngại năng lực của cơ quan đăng ký kinh doanh không phát hiện hoặc phát hiện nhưng không kịp thời ngăn chặn vụ việc.

Đồng thời, việc cho phép một cá nhân thành lập bao nhiêu doanh nghiệp cũng được là chưa hợp lý - cả về mặt lý thuyết lẫn thực tiễn đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực kinh doanh.

Quan điểm của luật sư, chuyên gia cho rằng, các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu bổ sung quy định về việc hạn chế số lượng doanh nghiệp mà một cá nhân được phép thành lập, đứng tên đại diện trong cùng một thời gian nhất định.

Ví dụ, mỗi năm, một người chỉ được thành lập tối đa 2 - 5 doanh nghiệp. Đặc biệt, cần có quy định cá nhân chỉ được phép thành lập doanh nghiệp mới sau khi hoàn thành nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp cũ không còn hoạt động.

Ngoài ra, cần triển khai các biện pháp kiểm soát, quản lý chặt chẽ việc đăng ký thành lập doanh nghiệp, như liên thông hệ thống điện tử cá nhân và đăng ký doanh nghiệp để chống gian lận; bổ sung nội dung thông tin đã thành lập bao nhiêu doanh nghiệp đối với người đăng ký kinh doanh. Mặt khác, cần ứng dụng công nghệ để tra cứu, xác minh thông tin về địa chỉ, hoạt động kinh doanh, nhân sự đối với những trường hợp thành lập từ 2 doanh nghiệp trở lên; nếu thấy bất thường thì có thể xác minh, điều tra ngay để hạn chế tiêu cực, thiệt hại.

Trước đó, năm 2021, cũng tại TP.HCM có trường hợp cá nhân lập siêu doanh nghiệp 500.000 tỷ đồng; ngoài ra người này còn lập liền lúc 4-5 doanh nghiệp khác nhau với số vốn điều lệ hàng trăm triệu USD đến hàng tỷ, chục tỷ USD hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực.

Tuy nhiên, sau đó chỉ thời gian ngắn, cơ quan Bộ KH&ĐT xác định, cá nhân không hoàn tất các thủ tục đăng ký góp vốn, không làm thủ tục điều chỉnh vốn theo đúng quy định. Vụ việc xác định là ảo.

Cũng tương tự không lâu sau đó, cơ quan quản lý kinh doanh xác định một vài cá nhân lập doanh nghiệp tại Hà Nội với quy mô vốn hơn 128.000 tỷ đồng, nhưng trụ sở chỉ là nhà cấp 4, người đại diện pháp luật của doanh nghiệp chỉ là người bình thường, không hề hay biết gì về việc mình đứng tên lập doanh nghiệp.

An Linh
Cùng chuyên mục