Tung đặc quyền “săn” khách hàng VIP, ngân hàng được gì?

24/03/2021 11:43 GMT+7
Dịch vụ khách hàng VIP đã được nhiều nhà băng triển khai từ chục năm trước với sự dẫn dắt bởi các ngân hàng nước ngoài. Bằng nhiều tên gọi khác nhau như Priority, Pemium, Imperial… các sản phẩm chuyên biệt được nhiều ngân hàng xây dựng cho khách hàng từ "có tiền" đến có "rất nhiều tiền".

Tung đặc quyền, ngân hàng "săn" khách hàng VIP

Đối với nhóm khách hàng VIP, VPBank, Vietcombank, MB, BIDV, ACB đều có chuyên viên phục vụ riêng, hầu hết là được phục vụ ngay hoặc nếu chờ cũng chỉ trong thời gian rất ngắn kể từ khi vào quầy.

Một số ngân hàng có phòng giao dịch riêng, được thiết kế sang trọng, tiện nghi (số lượng không nhiều) cho khách hàng VIP với đầy đủ các dịch vụ.

Tuy nhiên do lượng khách hàng VIP ở một số ngân hàng đang định danh tài sản chưa cao (như 1 tỷ đồng ở Techcombank) khiến đôi khi có nghịch lý xảy ra đó là khách VIP đến giao dịch còn đông và phải đợi lâu hơn khách thường.

Tung đặc quyền “săn” khách hàng VIP, ngân hàng được gì? - Ảnh 1.

Ngân hàng tung nhiều đặc quyền để hút khách hàng VIP (Ảnh minh họa)

Ngoài ưu tiên tại quầy, các ngân hàng còn ưu tiên phục vụ khách hàng VIP sử dụng ngoài ngân hàng hoặc tại các điểm ngân hàng liên kết với các đối tác.

Chẳng hạn như VPBank và Vietcombank có phòng chờ riêng cho khách hàng bay nội địa tại sân bay Nội Bài trong khi nếu là khách hàng VIP của MB thì được miễn phí tại bất kỳ phòng chờ nào khi bay nội địa, áp dụng ở tất cả các sân bay.

Là khách VIP còn được ưu đãi các dịch vụ với chi phí rẻ hơn rất nhiều tại các sân goft, khách sạn 5 sao, du thuyền, thủy phi cơ...

Về chính sách giá, các ngân hàng hầu hết áp dụng cộng thêm lãi suất cho khách hàng ưu tiên khi gửi tiết kiệm hoặc giảm lãi suất khi vay vốn, miễn giảm một số loại phí.

Chẳng hạn nếu là khách hàng Priority của MB thì khách hàng sẽ được cấp miễn phí 1 thẻ tín dụng miễn phí thường niên trọn đời với hạn mức tới 2 tỷ đồng, được miễn phí cấp tài khoản số đẹp (từ 4-8 số giống nhau) và miễn hầu hết các loại phí.

Về các sản phẩm đầu tư, khách VIP ở các ngân hàng đều được nhà băng thiết kế riêng các sản phẩm để đầu tư mà khách hàng thông thường không có cơ hội tiếp cận. Chẳng hạn như đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ, đầu tư bất động sản, ngoại tệ...

Thậm chí có những ngân hàng còn mời hẳn các chuyên gia tư vấn quốc tế lừng danh trên nhiều lĩnh vực đến nói chuyện về xu hướng đầu tư giúp các khách hàng giàu có thêm nhiều cơ hội gia tăng tài sản.

Thấy gì từ cuộc đua "săn" khách hàng VIP của các ngân hàng

Không phải ngẫu nhiên các ngân hàng chịu đầu tư công sức và chất xám cho những chương trình phục vụ khách hàng VIP.

Theo Báo cáo Thịnh vượng 2020 của nhà tư vấn bất động sản Anh Knight Frank, Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới về tốc độ tăng trưởng của nhóm người siêu giàu, với tốc độ tăng trưởng 64%. Dự kiến đến năm 2024, Việt Nam sẽ có 753 người siêu giàu và 42.324 người giàu.

Tiềm năng còn lớn, nhưng điều quan trọng hơn đó là lĩnh vực mang lại doanh thu cao, phát triển chắc chắn và ít rủi ro hơn trong hoạt động của các ngân hàng.

Dữ liệu của một số ngân hàng đang triển khai mạnh mảng khách hàng ưu tiên (khách VIP) cho thấy, nhóm khách hàng VIP và cận VIP hiện chỉ chiếm khoảng 5% - 8% nhưng đóng góp tới 60 – 70% trong tổng doanh thu thuần của ngân hàng.

Ở một số ngân hàng mới bắt đầu chú trọng mảng khách hàng ưu tiên thì các khách VIP và cận VIP cũng đóng góp ít nhất tới 30% tổng doanh thu thuần dù rằng số lượng khách còn rất ít.

Tung đặc quyền “săn” khách hàng VIP, ngân hàng được gì? - Ảnh 3.

Khách hàng VIP mang lại nguồn doanh thu lớn cho ngân hàng

Chia sẻ về nhóm khách hàng ưu tiên, ông Pramoth Rajendran, Giám đốc toàn quốc khối Quản lý Tài sản và Tài chính cá nhân HSBC Việt Nam cho biết, khách hàng cao cấp ngày nay có tư duy toàn cầu và theo đuổi một lối sống nhanh và ít mang tính truyền thống hơn, kể cả trong đời sống cá nhân lẫn trong nghề nghiệp.

"Họ cần ngân hàng cung cấp các dịch vụ linh hoạt trong mọi tình huống bất ngờ. Họ mong muốn thực hiện tất cả các thủ tục và giao dịch ngân hàng nhanh chóng cho dù đang ở đâu trên thế giới. Vì vậy, ngân hàng nào đáp ứng được thì lượng khách hàng thị phần này cũng sẽ tăng," ông Pramoth Rajendran nói.

Đơn cử như tại VPBank, phân khúc khách hàng ưu tiên của VPBank tăng trưởng 35% so với cùng kỳ năm 2019. Số khách hàng mới gia nhập phân khúc này cũng tăng hơn gấp 2 lần so với thời điểm một năm trước đó.

Theo một số chuyên gia tài chính, những lợi ích mà các khách hàng ưu tiên (khách VIP, khách hàng priority, private…) đem lại cho ngân hàng là điều không thể phủ nhận. 

Những lợi ích ấy thể hiện ở số dư lớn trong tài khoản vãng lai khách hàng mở tại ngân hàng và ngân hàng có thể sử dụng cho đầu tư và thanh toán. 

Các tổ chức tài chính cũng thu được các khoản lãi lớn phát sinh từ các món vay bất động sản hoặc kinh doanh của khách hàng VIP với số dư cho vay lớn dù lãi suất cho vay có thể là rất thấp, mang tính ưu đãi.

"Hơn nữa, dù chương trình cho khách hàng VIP đa dạng về dịch vụ và phong phú về hình thức ưu đãi thì cuối cùng thước đo chất lượng hoạt động của các chương trình ấy vẫn là độ hài lòng của khách hàng. Chính vì thế, mỗi lời phàn nàn của khách hàng có thể khiến "tiền tỷ đội nón ra đi". Đó cũng là lý do, các ngân hàng không ngại "chiều chuộng" khách hàng VIP", một chuyên gia nhận định.

H.Anh
Cùng chuyên mục