dd/mm/yyyy

Ứng dụng công nghệ tăng tính cạnh tranh cho cá nước lạnh

Cá nước lạnh đã được nhiều địa phương xem như một trong những đối tượng nuôi quan trọng, góp phần vào khai thác tiềm năng các thủy vực nước lạnh.

 Tuy nhiên, để có thể cạnh tranh với cá nhập khẩu, nhất là cá nhập lậu từ Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt cần đa dạng hóa các sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất để có được hiệu quả cao nhất.

Cá nước lạnh ngày càng được ưa chuộng

Ứng dụng công nghệ tăng tính cạnh tranh cho cá nước lạnh  - Ảnh 1.

Mô hình nuôi cá tầm của HTX Sản xuất nông nghiệp và Dịch vụ du lịch Ngũ Chỉ Sơn (Tam Đường, Lai Châu). Ảnh: D.H

Theo thông tin từ Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), hiện nay, cả nước có 25 tỉnh phát triển nuôi cá nước lạnh (hai đối tượng cá nước lạnh được nuôi phổ biến là cá tầm và cá hồi); nuôi nhiều nhất là tại các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên, điển hình là Lâm Đồng, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu… Sản lượng nuôi cá nước lạnh từ 95 tấn năm 2007, đến năm 2020 ước đạt 3.720 tấn.

Những năm gần đây nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ cá hồi, cá tầm nuôi trong nước có xu hướng gia tăng. Năm 2008, những thành viên đầu tiên của HTX sản xuất nông nghiệp và Dịch vụ Ngũ Chỉ Sơn lựa chọn khu vực bản Chu Va 12 (xã Sơn Bình, Tam Đường, Lai Châu) để xây dựng trại nuôi cá tầm, cá hồi bên dòng Nậm Giê.

Đến nay, HTX đã sở hữu trại nuôi cá nước lạnh quy mô lớn với 99 bể nuôi cá rộng 6.000m2 mặt nước. Mùa mưa lũ năm 2018, HTX bị lũ "xóa sổ" hơn 40 bể nuôi cá nước lạnh, gây thiệt hại lớn về tài sản. 2 năm gần đây, thành viên HTX "gồng mình" cải tạo lại bể, nhân giống, duy trì hoạt động nuôi thả cá. Mỗi lứa, HTX nuôi hơn 10 vạn cá hồi, cá tầm. Hiện mỗi tháng, HTX bán ra thị trường 15 tấn cá tầm và 1,5 tấn cá hồi, trị giá 300 triệu đồng. Hiện nay, HTX có 13 thành viên, thu nhập từ 6 - 15 triệu đồng/người/tháng.

Anh Hoàng Văn Dương - Phó Giám đốc HTX cho biết: "Hàng ngày, thành viên HTX kiểm tra nhiệt độ nguồn nước. Khi thời tiết thay đổi, nước nóng lên, HTX xả nhiều nước, sử dụng điện bơm thêm oxy tạo độ mát lạnh cho cá không bị ngạt. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, tỷ lệ cá sống đạt 95%. Mỗi năm, HTX thu lãi trên 1 tỷ đồng".

Nhu cầu tiêu thụ cá nước lạnh càng ngày càng tăng, nhưng theo TS Lê Thanh Lựu - Hội Nghề cá Việt Nam thì sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nên Việt Nam vẫn phải nhập khẩu hơn 50% sản lượng đối với cả nhóm cá hồi lẫn cá tầm. Cá hồi (salmon) nhập nội đông lạnh luôn có giá cao trong siêu thị (320.000-380.000 đồng/kg), thậm chí cao hơn giá cá hồi vân sống xuất ra từ trang trại (270.000-320.000 đồng/kg) nhưng vẫn được người tiêu dùng ưa chuông. Những phụ phẩm của nhóm cá hồi này như đầu, lườn bụng cũng được bày bán tại siêu thị với giá vừa phải (30.000-50.000 đồng/kg) phù hợp với nhu cầu của khách hàng trung bình ở đô thị.

Cạnh tranh giữa hai loài cá hồi này trên thị trường chưa phải là thách thức lớn vì sản lượng cá hồi Việt Nam rất thấp và chỉ mới cung cấp cho các khu du lịch, một số nhà hàng lớn. "Trong trường hợp cần thiết phải cạnh tranh thì cá hồi Việt Nam sẽ mở ra hướng mới là phải tạo ra các loại sản phẩm ăn liền như cá xông khói lạnh, nóng; ruốc cá hồi, nuôi cá hồi lấy trứng…" - ông Lựu khuyến nghị.

Cần đầu tư giống, công nghệ sản xuất...

Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua năm 2017 đã bãi bỏ các quy hoạch ngành, quy hoạch đối tượng, trong đó có quy hoạch phát triển cá nước lạnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Việc bãi bỏ quy hoạch phần nào gây khó khăn cho các địa phương trong quản lý sản xuất; các doanh nghiệp khó khăn trong hoạch định, xây dựng kế hoạch phát triển cá nước lạnh một cách bền vững.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, mặc dù Chính phủ, các bộ ban ngành trong thời gian gần đây đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ ngành thủy sản trong đó có cá nước lạnh, tuy nhiên các cơ sở sản xuất cá nước lạnh chưa được hưởng các ưu đãi từ các chính sách trên. Phần lớn các cơ sở phải nhập khẩu trứng cá thụ tinh về để ương thành cá giống, làm cho giá thành sản phẩm tăng cao, khó cạnh tranh với cá nhập khẩu.

Trong nuôi cá nước lạnh, thức ăn chiếm hơn 60% giá thành sản phẩm nhưng có đến 50% lượng thức ăn cho nuôi cá hồi được nhập khẩu với giá thành cao. Chi phí đầu tư cho các cơ sở nuôi cá nước lạnh là rất lớn, giá bán sản phẩm chưa ổn định, khó cạnh tranh với cá nước lạnh nhập khẩu từ Trung Quốc, đặc biệt tại các tỉnh khu vực phía Bắc.

Về phát triển "dài hơi" với ngành nuôi cá nước lạnh, cần tiếp tục có được sự đầu tư về công nghệ sản xuất giống; hoàn thiện công nghệ sản xuất thức ăn; áp dụng các mô hình nuôi cá nước lạnh ứng dụng công nghệ cao. 

Danh Hùng