Vắc xin về trễ khi số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày lên đỉnh, Hàn Quốc lo hệ quả kinh tế

12/08/2021 12:24 GMT+7
Số ca nhiễm mới Covid-19 hàng ngày tại Hàn Quốc đã tăng lên mức kỷ lục 2.223 ca trong ngày 11/8 vừa qua bất chấp các hướng dẫn giãn cách xã hội nghiêm ngặt được thực hiện trong suốt 1 tháng qua.

Dồn dập tin xấu với Hàn Quốc

Hàn Quốc đã phải vật lộn với đợt bùng phát nhiều ổ dịch nhỏ, chủ yếu tại Seoul từ đầu tháng 7 đến nay. Giờ đây, các ổ dịch đang có nguy cơ lan rộng ra toàn quốc với số ca nhiễm mới mỗi ngày vượt mốc 2.000. Các quan chức y tế quốc gia cảnh báo tốc độ lây nhiễm hiện tại có thể gây áp lực lớn lên hệ thống chăm sóc sức khỏe của quốc gia. Trong khi đó, các nhà cung cấp vắc xin chưa thể gửi các lô hàng đã cam kết đến Hàn Quốc đúng hạn, và dấu hiệu về thiệt hại kinh tế đang ngày một rõ ràng.

Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), số ca nhiễm mới kỷ lục hôm 11/8 đánh dấu lần đầu tiên Hàn Quốc ghi nhận hơn 2.000 ca nhiễm mới trong ngày. Trước đó, kể từ ngày 6/7 đến nay, số ca nhiễm mới hàng ngày liên tục duy trì ở mức hơn 1.000 ca và không có dấu hiệu giảm xuống. 

Các cơ quan y tế cũng cho hay có tới 97% các ca nhiễm mới Covid-19 do biến thể ở Hàn Quốc được gây ra bởi biến thể delta. Mặc dù Seoul cho đến nay chưa áp đặt lệnh cấm hay phong tỏa nào, nhưng chính quyền Tổng thống Moon Jae-in hôm 12/7 đã đưa ra những hướng dẫn nghiêm ngặt về việc giãn cách xã hội. Sau một tháng thực hiện, các hướng dẫn này cho đến nay không thể ngăn chặn sự lây lan dịch Covid-19 tại Hàn Quốc. 

Vắc xin về trễ khi số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày lên đỉnh, Hàn Quốc lo hệ quả kinh tế - Ảnh 1.

Một nhân viên y tế tại Seoul, Hàn Quốc trong đợt bùng phát dịch Covid-19 mới nhất vào tháng 7 qua (Ảnh: AFP)

Tờ AsiaTimes nhận định thành công trong việc kiểm soát làn sóng dịch Covid-19 trước đó cũng như sự thiếu khẩn trương trong chiến dịch tiêm chủng đang dẫn đến những hệ quả tồi tệ. 

Hôm thứ Hai, Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc Kwon Deok-cheol đã xin lỗi công khai đến người dân toàn quốc sau khi công ty dược phẩm Mỹ Moderna cho biết không thể cung cấp đúng thời hạn số lượng vắc xin mà quốc gia này đã đặt hàng. Nguyên nhân được cho là do vấn đề tắc nghẽn chuỗi cung ứng dẫn đến tiến độ sản xuất bị chậm. Theo Moderna, hãng này chỉ có khả năng cung cấp chưa đến 50% trong số lô hàng 8,5 triệu liều vắc xin đã ký hợp đồng giao cho Hàn Quốc vào tháng 8 tới. 

Seoul đã ký hợp đồng mua 40 triệu liều vắc xin Covid-19 từ Moderna nhưng cho đến nay, mới chỉ có 2,4 triệu liều cập cảng, theo KDCA. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến tốc độ tiêm chủng của Hàn Quốc - vốn đã thuộc top chậm nhất trong số các quốc gia phát triển.

Cho đến nay, thống kê chính thức cho thấy 42% trong số 52 triệu dân Hàn Quốc đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin, tuy nhiên tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 2 liều vắc xin mới dừng lại ở 15,4%. Con số này thấp hơn cả mức bình quân toàn cầu là 15,7%, theo dữ liệu của Our World in Data. Để so sánh, theo cùng một phương pháp thống kê, tỷ lệ tiêm chủng đủ 2 liều vắc xin Covid-19 ở Nga là 19,2%, ở Nhật Bản là 34,3%, ở Thổ Nhĩ Kỳ là 35,5%, ở Mỹ là 50,8%, ở Đức là 55,2%, ở Anh là 59,3% và ở Canada là 62%.

Tất cả những con số này đang làm dấy lên câu hỏi về tính khả thi của mục tiêu đạt miễn dịch bầy đàn vào tháng 11/2021 mà Seoul đã đặt ra trước đó. 

Điểm sáng duy nhất là Hàn Quốc hiện ưu tiên tiêm chủng cho các đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch, chẳng hạn như nhân viên y tế, người già, người nhiều bệnh nền… Kết hợp với phác đồ điều trị ngày càng cải tiến, tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại Hàn Quốc đang giảm rõ rệt so với làn sóng dịch hồi đầu năm. Minh chứng cụ thể là theo Khi dữ liệu Covid-19 của Trung tâm Khoa học và hệ thống kỹ thuật thuộc Đại học John Hopkins, trong ngày đỉnh dịch của đợt bùng phát hồi đầu năm nay, Hàn Quốc ghi nhận tới 35 ca tử vong và số ca tử vong bình quân trong 1 tuần là 23 trường hợp. Tổng cộng số ca tử vong trong lần bùng dịch nghiêm trọng hồi đầu năm nay là 2.135 trường hợp, theo số liệu thống kê được báo cáo hôm 20/1. Tuy nhiên trong lần bùng dịch này, dù số ca nhiễm mới mỗi ngày đã vượt 2.000, Hàn Quốc chỉ ghi nhận 1 ca tử vong trong ngày và số ca tử vong bình quân trong tuần là 4.

Cảnh báo cho nền kinh tế

Trong quý II/2021 vừa qua, Hàn Quốc báo cáo tăng trưởng GDP 0,7% so với quý liền trước, giảm tốc từ mức tăng 1,7% đạt được hồi quý I.

Tờ Yonhap News cho hay thị trường việc làm Hàn Quốc đã ghi nhận tháng tăng thứ 5 liên tiếp hồi tháng 7 qua, nhưng tốc độ tăng trưởng rõ ràng đang chậm lại. Trong khi xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng và các gã khổng lồ công nghệ như Samsung báo cáo doanh thu quý II mạnh mẽ, thì lĩnh vực dịch vụ lại đang gánh chịu nhiều hệ quả tàn khốc từ đại dịch. Các hướng dẫn giãn cách xã hội kéo dài 1 tháng qua chỉ cho phép nhà hàng, quán cà phê hoạt động đến 10 giờ tối với công suất phục vụ hạn chế. Các quán bar và câu lạc bộ bị đóng cửa hoàn toàn.

Câu hỏi được các nhà phân tích đặt ra lúc này, là liệu Seoul sẽ chọn chính sách kiểm soát dịch và điều tiết nền kinh tế ra sao? Liệu chính phủ có duy trì hoặc siết chặt các hạn chế kiểm dịch như giãn cách xã hội nhằm kiểm soát sự lây lan dịch bệnh? Hay sẽ xem xét giảm bớt các hạn chế kiểm dịch để thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh nguy cơ tử vong tương đối thấp?

Chính phủ Hàn Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 là 4,2%. Và mức tăng trưởng quý III tới sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định Hàn Quốc liệu có bắt kịp mục tiêu tăng trưởng này hay không.


NTTD
Cùng chuyên mục