Biến thể delta lan rộng ở Đông Nam Á: nhiều đại gia công nghệ Nhật Bản "lo sốt vó"

06/08/2021 11:47 GMT+7
Làn sóng dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều quốc gia Đông Nam Á hiện tại do biến thể delta dễ lây lan đang gây sức ép lớn lên các hoạt động kinh doanh trong khu vực và đe dọa làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới Toyota Motor đã buộc phải tạm dừng hoạt động ba nhà máy ở Thái Lan kể từ ngày 20/7 khi số ca nhiễm mới Covid-19 tại quốc gia này tăng mạnh. Hãng ô tô Nhật Bản cũng không thể mua thêm phụ tùng khi các ca nhiễm mới tăng lên tại nhiều quốc gia trong khu vực khác, đe dọa chuỗi cung ứng của các nhà cung cấp. Thời gian mở cửa trở lại các nhà máy là chưa chắc chắn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện tại.

Noriaki Yamashita, chủ tịch công ty con Toyota Motor chi nhánh Thái Lan cho hay: “Đại dịch Covid-19 tiếp tục tác động đáng kể đến ngành công nghiệp ô tô của Thái Lan, đặc biệt khi làn sóng dịch gần đây nghiêm trọng hơn nhiều so với dự báo”. 

Biến thể delta lan rộng ở Đông Nam Á: nhiều đại gia công nghệ Nhật Bản "lo sốt vó" - Ảnh 1.

Toyota Motor là một trong nhiều tập đoàn công nghệ Nhật Bản lao đao khi dịch Covid-19 có nguy cơ làm đình trệ chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất kinh doanh ở các quốc gia Đông Nam Á (Ảnh: Nikkei Asian Review)

Hôm 4/8, Thái Lan ghi nhận 20.200 ca nhiễm mới Covid-19, một con số kỷ lục. Các nhà chức trách nước này đã buộc phải kéo dài lệnh hạn chế kiểm dịch tại Bangkok và một số thành phố khác cho đến cuối tháng 8. Mặc dù các nhà máy được cho phép hoạt động tại Thái Lan nhưng sự bùng phát dịch bên trong nhà máy có thể dẫn đến việc đóng cửa bắt buộc. Trước tình hình đó, tuần qua, Honda Motor đã quyết định tạm dừng hoạt động tại một nhà máy trong 3 ngày.

Không riêng Thái Lan, làn sóng dịch Covid-19 bùng phát tại một số quốc gia Đông Nam Á khác cũng buộc chính phủ áp đặt nhiều hạn chế kiểm dịch nghiêm ngặt hơn. 

Tại Malaysia, thủ đô Kuala Lumpur và một số khu vực lân cận vẫn đang thực hiện các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt, trong đó hạn chế các ngành được phép hoạt động và số lượng nhân viên có thể làm việc tại văn phòng.

Tại Indonesia, lệnh hạn chế di chuyển trên các đảo Java và Bali tiếp tục được kéo dài đến đầu tuần sau. Làn sóng dịch mới nhất đã khiến các bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải. Có thời điểm, số tử vong hàng ngày của Indonesia vượt qua cả Brazil, trở thành ổ dịch nguy hiểm bậc nhất hành tinh. Tập đoàn công nghệ Toshiba đã yêu cầu các nhân viên Nhật Bản đang công tác tại Indonesia chuyển sang làm việc tại nhà hoặc quay trở lại Nhật nếu họ muốn. 

Philippines cũng tăng cường các biện pháp hạn chế di chuyển trên khắp thủ đô Manila.

Tại Việt Nam, hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều đang thực hiện các biện pháp hạn chế kiểm dịch nghiêm ngặt khiến ngành logistics chững lại.

Tất cả những hạn chế ở các quốc gia Đông Nam Á đang tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Tuần trước, Toyota dự báo doanh số bán ô tô tại Thái Lan,  một trong những thị trường ô tô lớn nhất Đông Nam Á, sẽ chỉ tăng 1% trong năm lên 800.000 xe, tức giảm mạnh so với mức dự báo tăng trưởng 7-14% được đưa ra hồi đầu năm nay. Nếu so sánh với năm 2019, thời điểm trước đại dịch, doanh số bán xe của Toyota tại Thái Lan năm nay được dự báo giảm khoảng 20%.

Panasonic, tập đoàn sản xuất  linh kiện điện tử và thiết bị gia dụng ở Đông Nam Á cũng báo cáo công suất hoạt động tại Indonesia chưa bằng 1/2 thời điểm bình thường. Còn tại Malaysia, hiện chỉ có khoảng 60% nhân viên và người lao động còn làm việc do một số nhà máy buộc phải tạm dừng hoạt động. “Giấy phép hoạt động được cấp hàng tuần”, do đó công ty không còn lựa chọn nào khác ngoài việc điều chỉnh lịch sản xuất dựa trên sắc lệnh của chính quyền sở tại, theo Giám đốc Tài chính Hirokazu Umeda của Panasonic.

Nhà máy của Nikon ở tỉnh Ayutthaya, Thái Lan, nơi sản xuất máy ảnh kỹ thuật số và ống kính rời cũng phải tạm dừng hoạt động gần 1 tuần hồi tháng 7 do dịch bệnh bùng phát. Hiện các nhân viên, công nhân còn làm việc trong nhà máy đều phải thực hiện xét nghiệm PCR định kỳ.

Nhìn chung, các doanh nghiệp Nhật Bản đang chịu ảnh hưởng nặng nề do đặt dây chuyền sản xuất linh kiện chủ yếu tại các quốc gia Đông NAm Á. Năm ngoái, thị trường ASEAN chiếm tới khoảng 16% tổng kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản.

Hiroki Totoki, Phó chủ tịch điều hành của Tập đoàn Sony nhận định: “Thật khó để dự báo toàn bộ tác động của làn sóng dịch bệnh hiện tại đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và chuỗi cung ứng”.


NTTD
Cùng chuyên mục