Vay hàng trăm triệu nuôi bò, trồng lan mokara nhiều nông dân có nhà lầu, xe hơi
Làm nông nghiệp phải dám nghĩ, dám làm
Tại Quảng Bình, mô hình chăn nuôi bò, lợn của gia đình anh Lê Quang Công (45 tuổi, ở thôn 8, xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) là một trong những mô hình điển hình về khởi nghiệp nông nghiệp.
Trò chuyện cùng phóng viên, anh Lê Quang Công chia sẻ, trước đây vợ chồng anh buôn bán nhỏ, thu nhập không được bao nhiêu. Tình cờ xem truyền hình thấy người dân xây dựng nhiều mô hình chăn nuôi cho thu nhập cao, anh thấy mô hình trồng cỏ nuôi bò là phù hợp.
Năm 2016, từ nguồn vốn vay của ngân hàng và người thân, hơn 800 triệu đồng, anh bắt đầu xây dựng chuồng trại nuôi bò, lợn. Lợi thế của anh Công là có sẵn mảnh đất rộng hơn 3ha, trước đây trồng keo nhưng hiệu quả không cao, sau đó anh cải tạo chuyển sang trồng cỏ nuôi bò.
Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi những kinh nghiệm hay và đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, đồng thời rút kinh nghiệm qua thực tế nhiều năm, mô hình trồng cỏ nuôi bò của anh Công phát triển theo từng năm.
Đến nay, trang trại chăn nuôi của anh Công gồm có: Đàn bò hơn 120 con, 500 con lợn mỗi lứa (3 lứa/năm), 30 con lợn nái, ngoài việc chăn nuôi bò, lợn, anh Công còn cung cấp thức ăn chăn nuôi, con giống cho bà con. Mỗi năm doanh thu của gia đình đạt khoảng 2 tỷ đồng, sau khi trừ các khoản chi phí, trả lương công nhân gia đình anh lãi hơn 300 triệu đồng/năm.
Bên cạnh phát triển kinh tế gia đình, mô hình kinh tế của anh Công còn giải quyết việc làm ổn định cho 3 lao động tại địa phương, với mức lương từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Còn tại Thừa Thiên Huế, mô hình kinh tế vườn rừng, gồm trồng keo, cây dó bầu, cây ăn quả của hộ ông Nguyễn Văn Tùy, 61 tuổi, ở thôn Thuận Hóa, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế) cũng đem lại hiệu quả rất cao.
Dẫn chúng tôi đi giữa những cánh rừng keo bạt ngàn ở xã Lộc Bổn, ông Tùy cho biết, sau khi lớn lên rồi lập gia đình, kinh tế cứ đè nặng lên vai, thế là ông suy nghĩ tìm hướng đi riêng cho bản thân. Năm 1990, ông nhận thấy nhiều vùng đồi trọc, cỏ dại um tùm không ai "ngó" tới, ông bắt đầu khai hoang trồng keo, bạch đàn, mít…Bên cạnh đó để "lấy ngắn nuôi dài" ông chăn nuôi thêm bò, gà, vịt, ngoài ra còn trồng thêm bắp (ngô), khoai lang,…
Chừng chục ha ban đầu, đến nay cơ ngơi của ông có diện tích hơn 120ha, trong đó có 16ha cây ăn quả, 30ha cây dó bầu, gần 80ha keo. Ông Tùy cho biết, nguồn vốn phục vụ sản xuất ông vay chủ yếu từ ngân hàng với lãi suất phù hợp. Nhờ nguồn vốn vay ổn định mà ông có thêm tiền mua đất, mua giống cây trồng, phân bón…
Làm giàu nhờ khởi nghiệp nông nghiệp
"Mô hình kinh tế tổng hợp vườn rừng của tôi, hàng năm đã đem lại nguồn thu ổn định hơn 2 tỷ đồng, sau khi trừ các khoản chi phí tôi lãi từ 400-500 triệu đồng/năm. Hiện mô hình kinh tế vườn rừng của tôi đang giải quyết cho 6 lao động thường xuyên, 10 lao động thời vụ, với mức lương từ 6-7 triệu đồng/người/tháng. Nhờ làm ăn hiệu quả mà tôi nuôi được 4 đứa con ăn học đến nơi đến chốn, xây dựng được ngôi nhà khang trang, sắm được ô tô che nắng, che mưa...", ông Tùy phấn khởi nói.
Ngắm nhìn vườn lan mokara rộng lớn và rực rỡ sắc màu, ai cũng ngỡ ngàng khi biết chủ vườn hoa bạc tỷ này là một lão nông đã ngoài 60 tuổi. Đó là ông Hồ Ngọc Giao (62 tuổi) ở thôn Nhơn Thọ 1, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Cơ ngơi đồ sộ của ông Giao có được như hôm nay là nhờ ông đánh liều vay 500 triệu đồng từ ngân hàng để đầu tư trồng hoa lan.
Ông Hồ Ngọc Giao phấn khởi nói: "Năm 2017, tôi biết đến loài hoa lan mokara vừa có giá trị kinh tế cao, vừa được thị trường ưa chuộng nên quyết định bỏ nghề làm nước đá, chuyển sang thử nghiệm trồng lan. Có nguồn vốn lớn trong tay, tôi mạnh dạn đầu tư trồng 7.000 cây lan mokara, chủ động học hỏi thêm kinh nghiệm để tiếp tục mở rộng diện tích trồng".
Hiện nay, vườn lan mokara của ông Giao đã phát triển lên hơn 15.000 cây trên diện tích 5.000m2. Toàn bộ quá trình sản xuất đều được áp dụng công nghệ cao, chọn lọc cây giống chất lượng giúp hoa phát triển tốt, đem lại năng suất cao.
"Trung bình 3 ngày tôi cắt cành lan một lần, bán giá dao động từ 8.000-10.000 đồng/cành lan mokara. Sau khi trừ chi phí, tôi thu lãi hơn 25 triệu đồng/tháng, thu về hơn 300 triệu đồng/năm. Nhờ đó tôi trả được nợ ngân hàng, mua xe ô tô, xây nhà cửa khang trang và tiếp tục nhân rộng mô hình trồng lan mokara", ông Giao vui mừng nói.
Điểm giống nhau của các hộ trên là sự chăm chỉ, kiên trì ngay từ khi bắt đầu đầu tư vào nông nghiệp, tính toán kỹ lưỡng từng bước đi cụ thể. Đặc biệt, là biết phát huy được nguồn vốn một cách hiệu quả, nhờ vậy đã giúp họ vươn lên làm giàu.