Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao nào tiếp cận được gói ưu đãi 100.000 tỷ đồng?

23/12/2020 15:33 GMT+7
Sau 3 năm Nghị quyết số 30/2017/NQ-CP ngày 7/3/2017 của Chính phủ về gói tín dụng 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng thương mại để cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao có hiệu lực, đến nay theo đại diện NHNN gói tín dụng đã cho vay 67.500 tỷ đồng, đạt trên 67,5%.
Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao nào tiếp cận được gói ưu đãi 100.000 tỷ đồng? - Ảnh 1.

Nông nghiệp công nghệ cao vẫn luôn được khuyến khích phát triển

 Nông nghiệp công nghệ cao vẫn luôn được khuyến khích phát triển

Thời gian qua, NHNN đã ban hành, triển khai nhiều chính sách để hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cụ thể như quy định về mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã tối đa từ 100 triệu đồng đến 3 tỷ đồng.

Hay đối với khách hàng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được vay không có tài sản bảo đảm từ 70% đến 80% giá trị dự án, phương án...

Đặc biệt, Nghị quyết số 30/2017/NQ-CP ngày 7/3/2017 của Chính phủ về gói tín dụng 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng thương mại để cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao ra đời cũng được xem là động lực thúc đẩy nông nghiệp công  nghệ cao phát triển.

Đáng ghi nhận, trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã 3 lần giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay mức lãi suất tối đa là 4,5%/năm – thấp hơn nhiều so với các lĩnh vực khác và là mức thấp nhất từ trước tới nay.

Theo bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng và Các ngành kinh tế NHNN, đến cuối tháng 10/2020, dư nợ tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP và 116/2018/NĐ-CP đạt 2.168.921 tỷ đồng, tăng 6,21% so với cuối năm 2019 và chiếm 24,8% dư nợ toàn nền kinh tế.

Trong đó, cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30 đạt hơn 67.500 tỷ đồng (trên 67,5%), dư nợ khoảng 27.000 tỷ đồng với hơn 13.000 khách hàng còn dư nợ, tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với dư nợ chiếm hơn 90% tổng dư nợ của chương trình, chủ yếu là cho vay trung, dài hạn.

Đại diện NHNN cũng cho biết, hiện một số dự án điển hình có dư nợ cho vay lớn như Dự án chăn nuôi gà giống ứng dụng công nghệ cao, dự án sản xuất thức ăn chăn nuôi của Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam, dư nợ khoảng 550 tỷ đồng; các dự án chăn nuôi bò, lợn, gà công nghệ cao của nhóm các công ty nông nghiệp của Tập đoàn Hòa Phát, dư nợ khoảng 575 tỷ đồng; dự án trồng hoa của Công ty CP công nghệ sinh học rừng hoa Đà Lạt, dư nợ 46 tỷ đồng...

Vẫn còn quá nhiều rào cản

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang ngày càng trở thành mối quan tâm lớn của nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, thực trạng sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ cũng như việc dự báo thị trường nông sản chưa sát. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro, vấn đề bảo hiểm nông nghiệp chưa được nhân rộng... là những rào cản "dòng chảy" vốn đầu tư cho nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao nào tiếp cận được gói ưu đãi 100.000 tỷ đồng? - Ảnh 3.

Vẫn còn quá nhiều rào cản phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Tính đến nay, cả nước mới chỉ có 3 khu nông nghiệp công nghệ cao được Chính phủ phê duyệt tại các tỉnh Hậu Giang, Phú Yên và Bạc Liêu, các khu nông nghiệp công nghệ cao còn lại do UBND tỉnh thành lập. Và hiện 3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Thái Nguyên, Quảng Ninh và Lâm Đồng đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét thành lập

Bên cạnh đó, có 46 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 9 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận.

Thực tế hiện nay, Việt Nam chưa có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bài bản, hiệu quả. Một số doanh nghiệp nguồn lực tài chính không được tốt, chưa chứng minh phương án sản xuất hiệu quả, khả thi, chưa đáp ứng tiêu chí nông nghiệp công nghệ cao theo quy định.

Trong khi đó, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư lớn, tuy nhiên thị trường tiêu thụ không ổn định, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn rủi ro do thiên tai, dịch bệnh. Đặc biệt trong giai đoạn gần đây, ngành nông nghiệp đang phải chịu ảnh hưởng kép: vừa bị ảnh hưởng xấu do dịch Covid-19 vừa chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn và dịch tả lợn châu Phi trong khi các công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro trong nông nghiệp còn chậm triển khai.

Mặt khác, việc triển khai cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp như nhà kính, nhà lưới, nhà màng... phục vụ cho chính hoạt động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại các địa phương theo Thông tư 33/2017/TT-BTNMT còn chậm, khiến người dân không thực hiện được các giao dịch bảo đảm để thế chấp tài sản tại ngân hàng.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao luôn phải đối mặt với nhiều rào cản. Tuy nhiên, rào cản về vốn vấn là rào cản lớn nhất, quyết định đến số phận của một dự án. Do đó, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế linh hoạt hơn để các ngân hàng thương mại đánh giá tính hiệu quả của các dự án, nhất là tài sản trên đất. Cùng với đó, để có nguồn vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi nhà nước phải đa dạng hóa nguồn vốn thông qua khuyến khích thu hút các tổ chức, cá nhân, các loại hình doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.

Minh Nguyễn
Cùng chuyên mục