Tìm hướng mới cho bảo hiểm nông nghiệp
Theo số liệu ước tính của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính đến hết tháng 10/2020, doanh thu bảo hiểm nông nghiệp chỉ đạt 32 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ.
Số lượng đơn bảo hiểm nông nghiệp đã cấp chưa đáp ứng được nguyên tắc số đông, xác suất rủi ro chưa được thống kê đầy đủ, là một trong những lý do khiến các nhà tái bảo hiểm tính phí bảo hiểm nông nghiệp tại Việt Nam rất cao. Điều này tác động ngược lại khiến phí bảo hiểm nông nghiệp cũng ở mức cao, giảm tính hấp dẫn của sản phẩm.
Một nguyên nhân khác khiến bảo hiểm nông nghiệp chưa được triển khai rộng rãi là do nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam manh mún, phạm vi đối tượng, địa bàn bảo hiểm khá rộng nên khả năng tham gia bảo hiểm hạn chế. Điều này mang đến rủi ro thua lỗ cho doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp sản phẩm.
Trong những nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của bảo hiểm nông nghiệp, mới đây, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã phê chuẩn 3 sản phẩm phẩm bảo hiểm nông nghiệp cho cây lúa, vật nuôi và tôm của Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt và Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Minh. Đây là các sản phẩm từng được hai doanh nghiệp triển khai theo Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp.
So với các sản phẩm bảo hiểm của giai đoạn thí điểm, các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp mới được phê chuẩn có một số thay đổi.
Cụ thể, sản phẩm bảo hiểm cây lúa thuộc loại hình bảo hiểm theo chỉ số viễn thám, theo đó, các công ty bảo hiểm sẽ bồi thường tổn thất cho khách hàng trong trường hợp năng suất lúa giảm xuống dưới 90% năng suất trung bình trong 3 mùa gần nhất bởi các rủi ro thiên tai, sâu bệnh, hoặc dịch bệnh gây ra trong thời hạn bảo hiểm. Phạm vi bảo hiểm cũng được mở rộng để bảo hiểm cho chi phí gieo trồng lại trong trường hợp 5 ha lúa thực tế bị thiệt hại trong thời gian cấy (sạ) gây ra bởi các rủi ro được bảo hiểm. Trong trường hợp này, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bồi thường cho người được bảo hiểm một lần với số tiền bồi thường bằng 5% số tiền bảo hiểm của diện tích lúa phải gieo cấy (sạ) lại.
Đối với sản phẩm bảo hiểm vật nuôi, người được bảo hiểm sẽ được bồi thường trong trường hợp vật nuôi bị chết do các nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp gây ra bởi thiên tai, dịch bệnh, bị tiêu hủy do dịch bệnh theo quyết định của các cơ quan chức năng.
Với sản phẩm bảo hiểm tôm, người được bảo hiểm sẽ được bồi thường chi phí nuôi trồng tôm trong trường hợp tôm bị chết hàng loạt hoặc mất trắng do thiên tai được các cơ quan chức năng công bố. Công ty bảo hiểm sẽ không bồi thường trong vòng 10 ngày kể từ ngày thả con giống…
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán về việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp theo hình thức mới, đại diện Bảo Minh cho biết, sản phẩm bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê duyệt. Hiện tại, doanh nghiệp đang nghiên cứu để có thể triển khai hiệu quả và lâu dài những sản phẩm này tới các vùng miền.
Theo đánh giá chung, việc đưa ra loại hình sản phẩm bảo hiểm theo chỉ số hoặc tham số (thay thế sản phẩm truyền thống) là một giải pháp giúp giảm thiểu và quản lý tốt các chi phí một cách bền vững.
Được biết, Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (VINARE) đã thiết lập các mối quan hệ đối tác với các nhà tái bảo hiểm quốc tế, các nhà tài trợ quốc tế để phối hợp nghiên cứu và phát triển sản phẩm bảo hiểm cây lúa có ứng dụng công nghệ phù hợp nhất nhằm giới thiệu sản phẩm đến thị trường để triển khai sớm nhất trong thời gian tới.
Việc ứng dụng công nghệ viễn thám (RIICE) trong bảo hiểm cây lúa hứa hẹn giúp các nhà bảo hiểm rút ngắn thời gian thu thập thông tin dữ liệu, nhanh chóng ra quyết định về bồi thường nhằm chi trả kịp thời và nhanh nhất (trong vòng 10-15 ngày) cho bên mua bảo hiểm để kịp thời khắc phục mùa vụ giúp người nông dân duy trì sản xuất và phát triển bền vững.
VINARE cũng hy vọng sau quá trình triển khai sản phẩm bảo hiểm theo chỉ số năng suất vùng có ứng dụng công nghệ viễn thám tại các tỉnh được hỗ trợ phí bảo hiểm theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ thì sản phẩm này sẽ tiếp tục được triển khai cho các giai đoạn tiếp theo và được nhân rộng tại tất cả các tỉnh là vùng sản xuất lúa chính của Việt Nam.