VEAM chốt chia cổ tức năm 2020, 6.410 tỷ đồng sẽ về "két" Bộ Công thương
Hội đồng quản trị Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEAM: UPCoM: VEA) vừa công bố Nghị quyết về việc chi trả cổ tức từ lợi nhuận còn lại của năm 2020 với tỷ lệ 4,627% (462,7 đồng/cp). Việc chi trả cổ tức được thực hiện theo ý kiến của Bộ Công Thương.
Với hơn 1,3 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính VEAM sẽ chi gần 615 tỷ đồng để trả cổ tức đợt này. Trong đó, với việc nắm 88,47% vốn điều lệ, Bộ Công Thương sẽ nhận về khoảng 544 tỷ đồng.
Ngày chốt danh sách cổ đông 13/10, tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 12/10. Thời gian thanh toán dự kiến vào ngày 15/11.
Trước đó, vào tháng 8, VEAM đã chi hơn 6.630 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt tỷ lệ 49,9% (4.990 đồng/cp). Lúc đó, Bộ Công Thương đã nhận về khoảng 5.866 tỷ đồng. Như vậy, tổng tổng tỷ lệ cổ tức VEAM chia trong năm 2020 hơn 7.245 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính bán niên soát xét vừa được VEAM công bố cho thấy, doanh thu tăng 16%, đạt 2.044 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 3.155 tỷ đồng, tăng 39%.
Tuy kết quả kinh doanh khả quan nhưng tại báo cáo tài chính của VEAM, nhiều vấn đề trong báo cáo tài chính của VEAM khiến kiểm toán viên của Công ty TNHH kiểm toán và tư vấn UHY "bối rối".
Cụ thể, kiểm toán viên cho biết, tại thời điểm 30/6/2021, VEAM chưa đánh giá khả năng thu hồi đối với khoản phải thu khác ngắn hạn về các khoản hỗ trợ vốn cho các đơn vị thành viên với số dư là 124 tỷ đồng.
Các bằng chứng thu thập được không đảm bảo tính đầy đủ và thích hợp để kiểm toán có thể đánh giá được khả năng thu hồi cũng như xác định liệu có cần thiết phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi hay điều chỉnh các khoản mục có liên quan trên báo cáo tài chính hợp nhất hay không.
Đồng thời, VEAM trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho gần 236 tỷ đồng trong tổng giá trị hàng tồn kho tồn đọng, chậm luân chuyển hơn 108 tỷ đồng. Đơn vị kiểm toán cũng không thể xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh dự phòng giảm giá hàng tồn kho cũng như các khoản mục có liên quan.
Ngoài ra, khoản chi phí trả trước dài hạn tại CTCP Vật tư Thiết bị Matexim liên quan đến nhà máy sắt xốp ngừng hoạt động nhiều năm với giá trị 264 tỷ đồng và của chi nhánh Matexim Bắc Kạn là 55 tỷ đồng. VEAM chưa đánh giá ảnh hưởng của vấn đề này khi hợp nhất báo cáo tài chính, các thủ tục thay thế không thực hiện được. Do đó, kiểm toán cũng không đánh giá được có cần thiết phải điều chỉnh hay không.
Đơn vị kiểm toán cũng nhấn mạnh, dự án đầu tư sản xuất máy kéo 4 bánh hạng trung đang tồn đọng, giá trị chi phí xây dựng cơ bản dở dang có thể thay đổi phụ thuộc vào phán quyết của cơ quan có thẩm quyền tương lai. Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền cũng chưa phê duyệt chính thức quyết toán cổ phần hóa VEAM.