Vì sao Bắc Kinh bỏ ngỏ cam kết nhập khẩu 50 tỷ USD nông sản Mỹ?

30/10/2019 16:03 GMT+7
Một trong những nội dung quan trọng nhất của đàm phán Mỹ Trung cho đến thời điểm hiện tại là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu Bắc Kinh cam kết nhập khẩu khối lượng lớn nông sản Mỹ, nhưng chính quyền Tập Cận Bình cho đến nay vẫn chưa có động thái xác nhận sẽ thực hiện điều này.
Có lý do để bênh vực Bắc Kinh khi không cam kết nhập khẩu 50 tỷ USD nông sản Mỹ? - Ảnh 1.

Bắc Kinh hiện chưa cam kết số lượng nông sản Mỹ cụ thể sẽ nhập khẩu trong thời gian tới

Hồi giữa tháng 10, sau đàm phán Mỹ Trung tại Washington, Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố Trung Quốc cam kết mua 40-50 tỷ USD nông sản Mỹ, nhiều gấp đôi số lượng nông sản nước này nhập khẩu từ Mỹ trong những năm trước chiến tranh thương mại. Các quan chức Mỹ sau đó luôn nhắc lại cam kết này trên các phương tiện truyền thông quốc tế nhằm gây áp lực cho Bắc Kinh, thúc giục chính quyền Tập Cận Bình cam kết một con số và thời gian cụ thể.

Đáp lại Washington, các quan chức Bắc Kinh nhấn mạnh Trung Quốc sẽ nhập khẩu nông sản Mỹ, nhưng dựa trên nhu cầu thị trường chứ không cam kết một con số nào cụ thể. “Trung Quốc không muốn nhập khẩu những nông sản mà người dân không cần hoặc không có nhu cầu” - một quan chức Bắc Kinh giấu tên tiết lộ.

“Nếu nhập khẩu ồ ạt nông sản Mỹ, thị trường Trung Quốc khó có thể tiêu thụ được hoàn toàn” - ông này nói thêm. “Tình trạng dư cung các sản phẩm nông sản sẽ tác động mạnh mẽ đến giá tiêu dùng, qua đó phá vỡ sự cân bằng cung cầu trong nước”.

Hôm 17/10, đại diện Bộ Thương mại Trung Quốc, ông Cao Phong từng chia sẻ với giới truyền thông rằng nước này đồng ý tăng cường nhập khẩu nông sản Mỹ dựa trên nguyên tắc thị trường và nhu cầu trong nước, như một thiện chí thúc đẩy thỏa thuận thương mại cuối cùng giữa hai bên.

Một diễn biến khác, cơn sốt dịch tả lợn Châu Phi trong thời gian qua không chỉ tàn phá quy mô đàn lợn của Trung Quốc mà còn khiến lạm phát giá tiêu dùng nước này tăng vọt. Giờ đây, nếu nhập khẩu ồ ạt nông sản, nền kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ lao đao và cần bàn tay điều chỉnh từ Chính phủ. Điều đó mâu thuẫn với mục tiêu chính sách của Mỹ trong xung đột thương mại là buộc Trung Quốc ngừng trợ cấp doanh nghiệp và vận hành nền kinh tế theo định hướng thị trường. 

Vậy nên, thực tế là Trung Quốc giờ đây đang lần lữa trong việc cam kết một khối lượng nhập khẩu nông sản từ Mỹ, điều khiến ông Trump nhiều lần tỏ thái độ không hài lòng. Đáng chú ý là nhiều nhà kinh tế lại ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề nông sản. 

Ông Nicole Lamb-Hale, cựu trợ lý Bộ thương mại nhận định: “Cá nhân tôi muốn để thị trường giải quyết vấn đề này. Các giao dịch nông sản khổng lồ mà ông Trump đang yêu cầu chắc chắn sẽ dẫn đến một sự méo mó trên thị trường. Bắc Kinh đang dùng sự im lặng để nói với Trump rằng một cam kết như vậy là hoàn toàn bất khả thi”.

Về phía Nhà Trắng, phát ngôn viên của Chính quyền Donald Trump cho hay: “Tổng thống cho rằng Mỹ cần đạt được những thay đổi mang đến kết quả thực tế, thể hiện bằng con số, có thể kiểm chứng trong nỗ lực tạo ra môi trường thương mại công bằng, thịnh vượng cho cả hai nền kinh tế”. 

Một nguyên nhân quan trọng khác khiến ông Trump buộc Trung Quốc cam kết tăng nhập khẩu nông sản Mỹ là do bầu cử Tổng thống 2020 đến gần. Thỏa thuận thương mại có lợi cho Mỹ lúc này sẽ là tấm thảm trải đường cho Trump đắc cử nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp. Trong trường hợp Mỹ chưa thể đi đến một thỏa thuận toàn diện với Trung Quốc, thỏa thuận một phần có lợi cho nông dân Mỹ cũng giúp củng cố hình ảnh của Trump trong chiến dịch tái tranh cử.

Tuy nhiên, thực tế là sau đàm phán thương mại, dù đã cam kết sẽ tăng cường nhập khẩu nông sản Mỹ, Trung Quốc vẫn ưu tiên thúc đẩy các đơn hàng đậu nành khổng lồ với Brazil do giá đậu nành tại Mỹ bất ngờ tăng vọt.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục