Tạp chí Phố Wall nghi hoặc chuyện Trung Quốc cam kết mua 50 tỷ tấn nông sản Mỹ
Các báo cáo của phía Mỹ sau đàm phán thương mại đã không cho thấy những chi tiết cụ thể như thời gian và khối lượng nông sản cụ thể mà Bắc Kinh cam kết sẽ nhập khẩu, tạp chí phố Wall chỉ ra. Chỉ vài ngày trước, sau đàm phán thương mại diễn ra tại Washington, Tổng thống Trump từng vui mừng tuyên bố hai bên đã tiến tới nhất trí thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, trong đó Trung Quốc đồng ý mua 40-50 tỷ USD nông sản Mỹ trong khoảng 2 năm. Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó đã xác nhận việc Trung Quốc tăng cường mua nông sản Mỹ, tuy nhiên không đề cập tới các chi tiết về khối lượng cũng như thời gian nhập khẩu.
Đáng lo ngại hơn, Mỹ vẫn giữ lại kế hoạch áp thuế 15% với 150 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại, dự kiến có hiệu lực vào 15/12 tới đây. Đây có thể coi là một trong những động thái gây áp lực cho Bắc Kinh, nhằm đáp trả ngay lập tức nếu Trung Quốc không thúc đẩy mua nông sản hoặc không tiến tới ký kết thỏa thuận giai đoạn 1 như những gì đã thống nhất tại Washington hôm 11/10.
Tạp chí phố Wall còn nêu ra điều bất thường rằng sau đàm phán thương mại, trong khi Tổng thống Donald Trump miêu tả thỏa thuận giai đoạn 1 là một thành công quan trọng thì giới truyền thông Trung Quốc lại chỉ sử dụng cụm từ “tiến bộ” để miêu tả tiến trình đàm phán. Các cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng rất ít đề cập đến cam kết mua nông sản Mỹ.
Một số nhà hoạch định chính sách còn nhấn mạnh Trung Quốc sẽ chỉ mua nông sản Mỹ dựa trên nhu cầu và giá cả thị trường, chứ không phải một con số cụ thể 40-50 tỷ USD như phía Mỹ tuyên bố. Nguyên nhân là do khối lượng 50 tỷ USD nông sản vượt quá nhiều lần mức giao dịch nông sản Mỹ bình quân trong lịch sử thương mại Trung Quốc, và điều này là bất khả thi.
Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ Chuck Grassley hôm 15/10 cũng tuyên bố ông cần thêm những con số cụ thể hơn về nội dung thỏa thuận giai đoạn 1, bởi cho đến nay Trung Quốc vẫn chưa có động thái nào xác nhận sẽ mua chính xác 50 tỷ USD nông sản Mỹ.
Còn nhớ, hồi tháng 7 vừa qua, Tổng thống Donald Trump từng nổi cáu khi Trung Quốc “lật lọng” lời hứa mua nông sản Mỹ đã cam kết bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản. Khi đó, Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp gỡ, thống nhất rằng Trung Quốc sẽ tăng mua nông sản Mỹ để đổi lại một số dỡ bỏ cấm vận cho Huawei. Tuy nhiên, Bắc Kinh sau đó đã không đặt thêm đơn hàng lớn nào, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Lâu nay, ông Trump luôn tìm cách đưa điều khoản mua nông sản Mỹ vào thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, bởi nông dân Mỹ là một trong những động lực quan trọng cho cuộc vận động tái tranh cử chức Tổng thống. Bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào tháng 11/2020, và một thỏa thuận có lợi trước Bắc Kinh chắc chắn sẽ trải thảm cho con đường tái đắc cử của ông Trump. Do đó, Donald Trump sẽ cố gắng gây áp lực lên Trung Quốc để giành được thỏa thuận thương mại, còn Trung Quốc nhiều khả năng sẽ cố gắng kéo dài đàm phán đến sau bầu cử để xem liệu có thể thỏa thuận với một vị Tổng thống khác “dễ dãi” hơn hay không.
Trong một diễn biến khác, căng thẳng Mỹ Trung đang tiếp tục leo thang trong vấn đề Hồng Kông, sau khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật yêu cầu các cơ quan Chính phủ xem xét liệu Mỹ có nên thay đổi tình trạng giao dịch thương mại với Hồng Kông - điều sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu từ Trung Quốc đại lục sang Hồng Kông - hay không.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngay sau đó lên tiếng cảnh báo Trung Quốc sẽ trả đũa dự luật này, đồng thời yêu cầu phía Mỹ không tiếp tục tham gia vào chính trị nội bộ Trung Quốc.
Hồi tuần trước, Mỹ cũng đưa 28 thực thể Trung Quốc vào danh sách đen do cáo buộc Bắc Kinh có hành vi vi phạm nhân quyền với các dân tộc thiểu số Hồi giáo tại Tân Cương. Danh sách đen không chỉ bao gồm 20 cơ quan trực thuộc Chính phủ Trung Quốc mà còn có tên 8 doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực thiết bị giám sát an ninh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI…, đặc biệt là nhà sản xuất và cung cấp camera an ninh lớn nhất thế giới Hikvision. Động thái này đã thúc đẩy căng thẳng Mỹ Trung leo thang, làm dấy lên quan ngại thị trường rằng thỏa thuận giai đoạn 1 không đủ để bình ổn nguy cơ xung đột nóng lên.