Vì sao doanh nghiệp bất động sản nợ thuế tăng cao?

06/10/2019 09:38 GMT+7
Trong số hơn 2.100 tỷ đồng nợ thuế chây ỳ do Cục Thuế TPHCM vừa công khai danh sách, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng có số nợ lớn.

Điểm mặt doanh nghiệp nợ lớn

Cục Thuế TPHCM vừa công khai danh sách 1.144 doanh nghiệp nợ thuế chây ỳ, với  tổng số nợ lên đến 2.171,5 tỷ đồng, trong đó có hàng trăm doanh nghiệp nợ số thuế tiền tỷ. Trong danh sách nợ thuế này có 3 doanh nghiệp nợ thuế trên 100 tỷ đồng; 30 doanh nghiệp nợ thuế từ 10 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng; 5 doanh nghiệp nợ từ 30 tỷ đồng đến dưới 40 tỷ đồng, 5 doanh nghiệp nợ từ 20 tỷ đồng đến dưới 30 tỷ đồng và 17 doanh nghiệp nợ từ 10 tỷ đồng đến dưới 20 tỷ đồng. Đối với nhóm doanh nghiệp nợ thuế dưới 10 tỷ đồng, có 31 doanh nghiệp nợ trên 5 tỷ đồng, 228 doanh nghiệp nợ từ 1 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng, còn lại chủ yếu nợ từ 200 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng. Đáng chú ý, số các trường hợp nợ thuế lớn phần nhiều rơi vào doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng.

Vì sao doanh nghiệp bất động sản nợ thuế tăng cao? - Ảnh 1.

Một số chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản lúc nào cũng trong tình trạng thiếu vốn nên nợ thuế. Nợ thuế tăng cao trong 8 tháng năm 2019 tập trung chủ yếu ở ngành xây dựng và bất động sản chiếm 51,72% tổng nợ có khả năng thu tăng thêm. Ảnh: T.H

Đứng đầu danh sách nợ thuế lần này là Công ty TNHH Bất động sản Thành Ngân, tính đến hết tháng 8/2019, công ty này còn nợ tại Chi cục Thuế quận 6 hơn 153,1 tỷ đồng. Tại thời điểm tháng 4/2019, khi Cục Thuế TPHCM công bố danh sách doanh nghiệp nợ thuế, Công ty TNHH Bất động sản Thành Ngân đứng đầu bản với số nợ trên 190 tỷ đồng. Sau khi bị "bêu tên", công ty này đã nộp thuế, đưa số nợ giảm xuống đáng kể.

Cũng có số nợ thuế cao trong số doanh nghiệp bất động sản là Công ty CP thương mại – Tư vấn – Đầu tư – Xây dựng Bách Khoa Việt, nợ 99,1 tỷ đồng; Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Phát triển nhà Hoàng Phúc, nợ 51,3 tỷ đồng; Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương, nợ hơn 38 ỷ đồng; Công ty CP Bất động sản Sài Gòn Phương Nam, nợ gần 16 tỷ đồng...

Theo Cục Thuế TPHCM, số nợ thuế của các doanh nghiệp hầu hết là nợ tiền sử dụng đất. Việc chây ỳ nợ thuế của các doanh nghiệp đã khiến số nợ thuế tại đơn vị tăng cao. Tổng số nợ có khả năng thu (số tiền thuế nợ đến 90 ngày và số tiền thuế nợ trên 90 ngày) đến ngày 31/8/2019 là 14.101 tỷ đồng, tăng 58,33% so với thời điểm 31/12/2018. Trong đó, nợ tăng cao nhất liên quan đến bất động sản, các khoản nợ liên quan đến đất là 3.644 tỷ đồng, tăng 173,36% so với thời điểm 31/12/2018; nợ từ các khoản thuế, phí là 6.106 tỷ đồng, tăng 54,33% so với thời điểm 31/12/2018; Tiền phạt, tiền chậm nộp là 3.923 tỷ đồng, tăng 9,1% so với thời điểm 31/12/2018.

Kéo giảm số nợ thuế

Lý giải nguyên nhân nợ thuế của doanh nghiệp bất động sản tăng cao, một số chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản lúc nào cũng trong tình trạng thiếu vốn nên nợ thuế là điều dễ hiểu. Riêng mức lãi suất vay tiền ngân hàng đòi hỏi phải có tài sản thế chấp đã lên đến hơn 11%/năm. Còn nợ thuế thì không phải thế chấp, doanh nghiệp có thể sử dụng số tiền nợ thuế để kinh doanh, sản xuất. Theo quy định, mức phạt đối với việc chậm nộp thuế hiện nay là 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp, tương đương khoảng 0,9%/tháng, thấp hơn mức lãi vay đầu tư. Mức phạt này đã không đủ sức răn đe các doanh nghiệp chưa chấp hành việc thực hiện nghĩa vụ ngân sách nhà nước. Theo Cục Thuế TPHCM, nợ thuế đang trong tình trạng gia tăng, các biện pháp thu nợ thuế thường áp dụng như gọi điện thoại, gửi tin nhắn, ban hành thông báo, quyết định cưỡng chế… dường như không còn hiệu quả. Có tình trạng doanh nghiệp nợ thuế gối đầu. Chẳng hạn, doanh nghiệp để nợ thuế quá hạn và chấp nhận trả tiền phạt chậm nộp thuế, nhưng chưa đến mức 90 ngày để không bị cưỡng chế thuế.

Theo Cục Thuế TPHCM, nhiều DN bất động sản nợ thuế từ vài chục đến vài trăm tỷ đồng chây ỳ không nộp cho ngân sách nhà nước như nêu trên đã khiến số nợ thuế từ mảng nhà, đất trên địa bàn TP HCM tăng cao vọt. Nợ thuế tăng cao trong 8 tháng năm 2019 tập trung chủ yếu ở ngành xây dựng và bất động sản chiếm 51,72% tổng nợ có khả năng thu tăng thêm.

Để xử lý số nợ thuế nêu trên, Cục Thuế TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp đốc thu theo quy định. Theo đó, đối với khoản nợ  dưới 90 ngày, đơn vị  thực hiện đôn đốc thu nợ bằng các biện pháp: gọi điện thoại; gửi tin qua SMS; ban hành thông báo tiền thuế nợ, tiền chậm nộp.

Với những khoản nợ trên 90 ngày, Cục Thuế TPHCM áp dụng biện pháp mạnh là thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định, như: Phong tỏa tài khoản giao dịch ngân hàng để trích tiền nộp thuế; Ngăn chặn việc sử dụng hóa đơn bằng cách thông báo hóa đơn không có giá trị sử dụng… Tổng số quyết định cưỡng chế đã ban hành trong 8 tháng quan lên đến gần 30.000 quyết định; số tiền thuế nợ tương ứng với các quyết định cưỡng chế là 14.500 tỷ đồng. Cùng với đó, Cục Thuế TPHCM đã công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng hơn 3.300 doanh nghiệp chây ỳ nợ thuế theo quy định của quy trình quản lý nợ, với tổng số thuế nợ gần 8.000 tỷ đồng. Đối với các trường hợp nợ thuế chây ỳ nêu trên, Cục Thuế TPHCM đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định đối với các DN.

Với nhiều giải pháp đồng bộ, kết quả thu nợ thuế của Cục Thuế TPHCM trong 8 tháng qua được 5.264 tỷ đồng, đạt 59,1% số nợ 2018 chuyển sang. Trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ là 3.053 tỷ đồng, thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ thuế là 2.211 tỷ đồng. Từ nay đến cuối năm 2019, Cục Thuế TPHCM đang quyết liệt các giải pháp thu hồi nợ thuế, với mục tiêu kéo giảm nợ thuế xuống mức thấp nhất.

Lê Thu/Hải quan
Cùng chuyên mục