Vì sao Gỗ Trường Thành thoát khỏi “kiểm soát đặc biệt”?

Vân Anh Thứ sáu, ngày 13/04/2018 10:10 AM (GMT+7)
Khoản vốn tăng thêm 700 tỷ đồng đã giúp cho công ty Gỗ Trường Thành (TTF) tái cơ cấu nợ vay thành công, nâng cao khả năng tự chủ về vốn, đặc biệt là thoạt được trường hợp “kiểm soát đặc biệt”.
Bình luận 0

Theo Quy định về huỷ bỏ niêm yết chứng khoán của công ty đại chúng tại Điều 60 - Mục 1 - Chương V của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP do Thủ tướng ký ban hành ngày 20.07.2012, một trong những trường hợp chứng khoán bị huỷ niêm yết bắt buộc đó là “Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét”.

img

Công ty gỗ Trường Thành đã thoát khỏi tình trạng kiểm soát đặc biệt (Ảnh: IT)

Tuy nhiên lần đầu tiên sau hai năm 2015, 2016 âm lợi nhuận sau thuế và có khoản lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ, báo cáo tài chính Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành năm 2017 cho thấy lợi nhuận công ty đã dương trở lại cùng với việc tăng vốn thêm 700 tỷ đồng đã giúp công ty ở lại sàn HOSE.

Không những vậy, công ty Gỗ Trường Thành (TTF) sẽ được “nâng hạng” lên diện kiểm soát và được giao dịch cả ngày do đã khắc phục được nguyên nhân khiến cổ phiếu bị đưa vào trường hợp “kiểm soát đặc biệt”.

“Điểm sáng” doanh thu và dòng tiền

Tại báo cáo tài chính hợp nhất 2017 của Công ty Gỗ Trường Thành, doanh thu thuần trước và sau kiểm toán không thay đổi, đều ghi nhận ở con số 1.364 tỷ đồng và đáng lưu ý vượt kế hoạch được giao 7,62%. Mặc dù lợi nhuận sau thuế hậu kiểm toán có điều chỉnh giảm đáng kể so với con số trước đó công ty công bố tuy nhiên đã “dương” trở lại cho thấy nỗ lực của cả một tập thể đưa hoạt động kinh doanh Gỗ Trường Thành trở về giai đoạn ổn định, có lãi như trước kia.

Biến cố lớn xảy ra cách đây gần 2 năm với Gỗ Trường Thành, khi đó công ty là một doanh nghiệp top đầu về gỗ xuất khẩu bất ngờ công bố lỗ nghìn tỷ đồng do phát hiện có tới 980 tỷ đồng hàng tồn kho bị thiếu khi kiểm kê trong giá vốn hàng bán. Việc trích lập dự phòng với các khoản thu khó đòi và hàng tồn kho bị thiếu khiến công ty rơi vào thua lỗ nặng.

img

Sau biến cố đó, gia đình ông Võ Trường Thành cũng mất quyền kiểm soát công ty sau hai thập kỷ chèo lái. Nhưng con thuyền Gỗ Trường Thành vẫn tiếp tục bước tiếp với sự chuyển giao quyền lực cho ông Mai Hữu Tín, người từng “giải cứu” thành công Giấy Sài Gòn. Ông Mai Hữu Tín đại diện cho công ty CP Đầu tư U&I (U&I Investment Corporation). Công ty này đã mua hơn 20% vốn cổ phần của Gỗ Trường Thành và hiện là cổ đông lớn nhất.

Với nỗ lực tái cơ cấu công ty, đến nay năng lực tài chính của Gỗ Trường Thành đã được cải thiện đáng kể về mọi mặt: cơ cấu tài sản, cơ cấu nguồn vốn, khả năng thanh toán, tỷ suất lợi nhuận đặc biệt khi so sánh với hai năm liền kề trước đó.

Như vậy, kết quả tài chính của Gỗ Trường Thành bị ảnh hưởng trầm trọng vào năm 2016 khi các khoản nợ phải trả chiếm đến 96,32%; vốn chủ sở hữu do lỗ luỹ kế chỉ còn chiếm tỷ trọng 3,68% trên tổng nguồn vốn; khả năng thanh toán thấp cũng như tỷ suất lợi nhuận âm. Sang năm 2017, bức tranh toàn cảnh đã sáng sủa hơn khi tình trạng mất cân đối tài chính được khắc phục, hệ số thanh toán ngắn hạn đảm bảo và tỷ suất lợi nhuận dương.

img

Một “điểm sáng” đáng ghi nhận nữa trong bức tranh tài chính 2017 của Công ty Gỗ Trường Thành đó là đã xuất hiện dòng tiền kinh doanh, kết quả của tăng doanh thu do công ty bán được hàng.

Hoạt động kinh doanh là hoạt động chủ yếu của doanh nghiệp, so với năm 2016 công ty đã tạo ra dòng tiền dương thể hiện tiền thu bán hàng trong kỳ lớn hơn các chi phí mà công ty bỏ ra. Dòng tiền đầu tư âm cho thấy công ty đang phát triển và có xu hướng mở rộng đầu tư. Đáng chú ý, trong lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính của Gỗ Trường Thành năm 2017 còn xuất hiện khoản chi trả nợ gốc vay hơn 1.000 tỷ đồng làm giảm đáng kể áp lực trả nợ và giảm chi phí tài chính. Vậy những thay đổi đáng kể của công ty bắt nguồn từ đâu?

Bài toán Tái cơ cấu và xử lý tồn kho

Bắt nguồn từ việc kiện toàn lại bộ máy lãnh đạo, Gỗ Trường Thành đã sớm xác định con đường sống còn của công ty là phải “tái cơ cấu”. Theo đó, công ty đã trình Đại hội đồng cổ đông năm 2017 phương án tái cơ cấu danh mục đầu tư tài chính dài hạn thể hiện ở chủ trương thu hồi các khoản đầu tư ngoài ngành, trước hết là toàn bộ rừng và dự án Bất động sản công ty Phú Hữu Gia.

Đến nay, chủ trương đó đã được dần được hiện thực hoá bằng việc Gỗ Trường Thành và công ty con sẽ chuyển nhượng tổng cộng 8.268.000 cổ phần tương ứng 41,97% tổng vốn điều lệ của Phú Hữu Gia với giá chuyển nhượng không thấp hơn mệnh giá. Gỗ Trường Thành hiện đã nhận được khoản tạm ứng 10% giá trị chuyển nhượng với tổng số tiền là 8.268.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, công ty đã phân phối thành công 70 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ tăng vốn điều lệ từ 1.446 tỷ lên 2.146 tỷ đồng. Khoản vốn tăng thêm 700 tỷ đồng đã giúp cho công ty tái cơ cấu nợ vay thành công, nâng cao khả năng tự chủ về vốn, đồng thời bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

img

Mặt khác, việc cơ cấu nợ vay còn mang lại cho Gỗ Trường Thành 2 lợi ích, một mặt công ty tránh được nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc, một mặt được miễn số lãi mà báo cáo kiểm toán đã loại trừ. Ngoài ra, với cam kết mạnh mẽ của Vingroup và Tân Liên Phát, một doanh nghiệp thuộc tập đoàn Vingroup, Gỗ Trường Thành trở thành nhà cung cấp chính các mặt hàng đồ gỗ cho các dự án của tập đoàn, đảm bảo đầu ra trong vòng 5 năm tới.

Câu chuyện hàng tồn kho là vấn đề nóng của doanh nghiệp vào lúc này. Đại hội đồng cổ đông năm 2017 cũng đã khẳng định giải quyết hàng tồn kho là định hướng chiến lược của doanh nghiệp trong ngắn hạn. Với quyết tâm cao của Ban lãnh đạo, nhiều ý kiến bên lề cho rằng tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2018 sẽ trình bày phương án giải quyết gỗ tồn kho, hoàn nhập dự phòng và đưa toàn bộ tài sản của công ty vào sử dụng hiệu quả.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem