461 tỷ USD không phải là một con số nhỏ khi nói đến vốn hóa thị trường của một doanh nghiệp công nghệ toàn cầu. Nhưng khi đặt con số này cạnh Samsung Electronics - gã khổng lồ công nghệ lớn nhất của Hàn Quốc, cái tên thống trị một trong những lĩnh vực nóng bỏng nhất của nền kinh tế toàn cầu, thì câu hỏi đặt ra là liệu doanh nghiệp này có đang bị định giá thấp?
Để so sánh, đối thủ lớn nhất của Samsung trong lĩnh vực sản xuất chip - TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) - hiện được định giá lên tới 602,33 tỷ USD. Đối thủ lớn nhất của Samsung trong lĩnh vực smartphone - Apple của Mỹ hiện có vốn hóa thị trường khổng lồ lên tới 2,4 nghìn tỷ USD. Apple bỏ túi 274,5 tỷ USD doanh thu trong năm tài chính 2020, nhiều hơn so với con số 212,43 tỷ USD của Samsung. Nhưng sự chênh lệch này không phản ánh được khoảng cách định giá quá lớn giữa hai gã khổng lồ công nghệ. Thậm chí, doanh thu của Samsung trong năm tài chính 2020 còn vượt xa TSMC, dù rằng TSMC được định giá cao hơn hẳn.
Có nhiều nguyên nhân lý giải cho mức định giá thị trường thấp tương đối của Samsung. Một số cho rằng hệ sinh thái của Samsung quá đa dạng để thu hút những nhà đầu tư muốn tập trung vào một lĩnh vực cụ thể. Trong khi số khác cho rằng các vấn đề về quản trị doanh nghiệp đang làm giảm sức hấp dẫn của Samsung. Thêm vào đó, người Hàn Quốc hiện chưa có thói quen rộng rãi trong việc đầu tư vào cổ phiếu, và pháp luật sở tại có các hạn chế nhất định với số lượng nhà đầu tư quốc tế tham gia thị trường.
Một số ý kiến cho rằng Samsung là gã khổng lồ công nghệ số 1 hành tinh. Điều đó đúng nếu xét trên một số khía cạnh. Chẳng hạn, Samsung đã tuyển dụng thêm 267.937 nhân viên trong năm 2020, nhiều hơn con số 147.000 lao động mới của Apple hay 56.831 lao động mới của TSMC trong cùng kỳ.
Ngoài ra, Samsung cũng tham gia vào hầu khắp các lĩnh vực điện tử. Vào năm 2020, Samsung là nhà sản xuất smartphone số 1 hành tinh với các lô hàng xuất xưởng 315 triệu chiếc smartphone, vượt qua con số 215 triệu chiếc của nhà Táo. Samsung cũng là nhà cung cấp chip nhớ hàng đầu thế giới, nhà sản xuất điện tử tiêu dùng và màn hình nổi tiếng toàn cầu.
Nhưng có một số vấn đề lớn ảnh hưởng đến định giá của Samsung. Khi xét riêng trong từng lĩnh vực, Samsung gặp phải những thách thức nhất định. Chẳng hạn, trong lĩnh vực smartphone, Apple có lợi thế lớn hơn Samsung về giá trị vô hình. Theo khảo sát do Interbrand thực hiện vào năm 2020, người tiêu dùng cho rằng Apple là thương hiệu smartphone giá trị số 1 thế giới trong khi Samsung chỉ đứng thứ 5. Trong lĩnh vực chip, Samsung cũng đứng dưới TSMC trong lĩnh vực chip bán dẫn cao cấp. Trong lĩnh vực phần mềm, Samsung vẫn chưa tạo được một nền tảng vững chãi có sức ảnh hưởng thống trị. Trong lĩnh vực phần cứng, Samsung đang đa dạng hóa sản phẩm một cách ồ ạt.
Mô hình của Samsung là sự kết hợp và cân bằng giữa nhiều lĩnh vực kinh doanh. Nếu mảng kinh doanh chip có một năm tồi tệ, Samsung có thể duy trì lợi nhuận bằng mảng smartphone. Nhưng xét trên khía cạnh tâm lý kinh doanh, chính sự đa dạng hóa và hệ sinh thái khổng lồ của Samsung là một lý do khiến tập đoàn này giảm sức hút trên thị trường: nhà đầu tư thích những dự án tập trung.
Với hệ sinh thái khổng lồ; Samsung có các nhà máy sản xuất chip, smartphone, thiết bị điện tử... trong nước cũng như tại hàng loạt quốc gia từ Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ... (Ảnh: Bloomberg/AP/AsiaTimes)
Mark Newman, nhà phân tích kỳ cựu từng làm việc tại Bernstein cho hay: “Nếu bạn hào hứng với mảng smartphone, bạn sẽ đầu tư vào Xiaomi hoặc Qualcomm, nếu bạn ưa thích mảng chip, bạn sẽ mua cổ phiếu Micron hoặc Hynix, dù rằng Samsung là gã khổng lồ công nghệ lớn hơn… Samsung dẫn đầu về thị phần và công nghệ, nhưng cổ phiếu của hãng không giao dịch ở mức cao”.
Thực trạng thể hiện một cuộc tranh luận lâu nay trong giới kinh doanh Hàn Quốc, rằng liệu Samsung có nên duy trì hệ sinh thái khổng lồ hiện nay hay nên gia tăng giá trị bằng cách tách thành các mảng kinh doanh độc lập.
Hank Morris, thành viên của Diễn đàn Tài chính Seoul, chuyên gia tư vấn quản lý tài chính cho chính phủ Hàn Quốc nhận định: “Các nhà đầu tư tổ chức ưa thích sự minh bạch. Nhưng ở Samsung, mọi thứ về cơ bản là không rõ ràng”.
Thái tử Samsung Lee Jae-yong, người thừa kế thế hệ thứ ba của tập đoàn này được cho là ít có tiếng nói trước công chúng. Lee Jae-yong hiện còn đang vướng vào một lùm xùm pháp lý liên quan đến vụ việc hối lộ các quan chức trong đó có cựu Tổng thống Park Geun-hye và một trợ lý của bà này số tiền lên tới 7 triệu USD để củng cố quyền kiểm soát Samsung. Hồi đầu năm nay, tòa án cấp cao Seoul đã tuyên phạt ông này 2,5 năm tù giam vì hành vi hối lộ.
Giới chính trị và công chúng Hàn Quốc gần đây đã bày tỏ sự ủng hộ việc thả tự do cho Thái tử Samsung do lo ngại việc ông Lee tiếp tục ngồi tù sẽ cản trở thực hiện các quyết định chiến lược tại tập đoàn này. Tờ AsiaTimes cho hay có nhiều khả năng ông này sẽ được ân xá vào ngày 15/8 tới đây. Nhưng nhìn chung, vụ lùm xùm đã phơi bày sự thiếu minh bạch trong việc quản trị tập đoàn tại Samsung nói riêng và các công ty gia đình - vốn phổ biến trong nền kinh tế Hàn Quốc - nói chung.
Daniel Kim, một nhà phân tích công nghệ đồng thời là trưởng bộ phận nghiên cứu cổ phiếu tại ngân hàng đầu tư Úc Macquarie chi nhánh Seoul nhận định: “Sự tồn tại của hình thức tập đoàn gia đình có nguy cơ dẫn đến nhiều hành vi bất hợp pháp và phi lý để duy trì lợi ích kiểm soát tập đoàn, về cơ bản đó là lý do dẫn đến mức định giá thấp cho các tập đoàn gia đình của Hàn Quốc”.
Tony Michell, một nhà kinh tế giảng dạy tại Viện Phát triển Hàn Quốc cho hay: “Ông Lee đang ngồi tù, do đó trên góc độ quản trị, Samsung là lựa chọn khá tệ (trong mắt nhà đầu tư)”.
Theo OECD, tính đến năm 2020, Hàn Quốc là nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới. Mặc dù là quê hương của nhiều thương hiệu toàn cầu như Samsung, Hyundai, LG và SK Hynix, giá trị vốn hóa của toàn thị trường Hàn Quốc vào năm 2021 chỉ đứng thứ 13 thế giới, xếp sau của Canada, Ấn Độ và Saudi Arabia, theo xếp hạng của Statista.
Tại Hàn Quốc, đầu tư vào cổ phiếu bị coi là một hình thức kinh doanh rủi ro. Mặc dù lượng nhà đầu tư cá nhân đã tăng vọt trong năm qua trên thị trường chứng khoán, nhưng nhìn chung người dân Hàn Quốc ưa chuộng hơn các lĩnh vực đầu tư truyền thống như vàng, bất động sản… Một ước tính cho thấy hơn 80% thu nhập của các hộ gia đình Hàn Quốc được đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Do đó có thể thấy, một trong những nguyên nhân khiến định giá cổ phiếu Samsung thấp tương đối so với các đối thủ cạnh tranh như Apple là bởi bản thân Samsung là tập đoàn lớn nhưng thị trường vốn Hàn Quốc lại không lớn.
Ngoài ra, thị trường vốn Hàn Quốc còn bị hạn chế do quy định pháp lý kiểm soát số tiền mà nhà đầu tư nước ngoài có thể rót vào Hàn Quốc. Các chỉ số vốn có sức ảnh hưởng như Morgan Stanley hay MSCI hiện xếp Hàn Quốc vào danh mục thị trường mới nổi. Vấn đề này khiến nhóm vận động hành lang của các tập đoàn Hàn Quốc - Liên đoàn các ngành công nghiệp Hàn Quốc (FKI) không hài lòng.
Vào tháng 5 qua, FKI được cho là đã gửi một thông điệp tới MSCI, lập luận rằng việc xếp Hàn Quốc vào danh mục thị trường mới nổi là không phù hợp với quy mô nền kinh tế. FKI chỉ ra rằng các chỉ số khác bao gồm Dow Jones, S&P và FTSE hiện đều xếp Hàn Quốc vào top đã phát triển. Tuy nhiên, MSCI vẫn giữ nguyên lập trường, qua đó đưa Hàn Quốc trở thành thị trường mới nổi lớn thứ hai toàn cầu chỉ sau Trung Quốc. Nhìn chung, nếu mức trần đầu tư vào thị trường Hàn Quốc tăng lên, điều này gần như chắc chắn sẽ thúc đẩy nhiều tiền hơn đổ vào cổ phiếu Samsung.
Tiy nhiên, những lý do trên đây chỉ lý giải được tại sau Samsung bị định giá thấp hơn nhiều so với Apple - thương hiệu niêm yết tại thị trường vốn lớn nhất hành tinh là Mỹ, chứ không lý giải được tại sao vốn hóa Samsung thấp hơn TSMC hiện đang được niêm yết tại thị trường chứng khoán Đài Bắc. Để so sánh, tính đến hôm 4/8, Sàn giao dịch chứng khoán Hàn Quốc được định giá tổng cộng 2,3 nghìn tỷ USD, trong khi Sàn giao dịch chứng khoán Đài Loan (Trung Quốc) có giá trị khoảng 1,95 nghìn tỷ USD.
Nguyên nhân còn lại rất đơn giản: Samsung không cần huy động vốn trên thị trường vốn.
Có hai lý do cho điều này. Một, với tư cách gã khổng lồ công nghệ số một Hàn Quốc, Samsung có đặc quyền tiếp cận các khoản tín dụng từ các ngân hàng Hàn Quốc. Hai: Samsung thực tế đang ngồi trên một "núi" tiền mặt khoảng 94 nghìn tỷ won (82 tỷ USD), theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II vừa công bố. Khoản tiền mặt này được phân bổ tại nhiều thị trường mà Samsung đang làm ăn, trong đó có một lượng lớn bị kẹt tại các thị trường như Trung Quốc, Ấn Độ và rất khó hồi hương do nhiều vấn đề pháp lý như thuế.
Nhìn chung, lượng tiền mặt khổng lồ này lý giải tại sao Samsung không cần huy động vốn từ thị trường vốn trong nước. Thêm vào đó, Samsung cũng khó niêm yết kép trên một sàn giao dịch khác như New York, do tập đoàn này với mô hình sở hữu gia đình và hệ sinh thái khổng lồ của nó khó có thể đáp ứng các quy tắc của NYSE, theo ông Park Sang-in, một giám sát viên của Samsung tại Đại học Quốc gia Seoul.