Vì sao tỉnh Quảng Ngãi sẽ xóa bỏ hàng trăm dự án khu dân cư "khủng"?
Theo tìm hiểu và thông tin mà PV Báo Dân Việt được cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi cung cấp, trong giai đoạn từ năm 2017 đến cuối năm 2019 là khoảng thời gian đỉnh điểm, mà sự cấp phép cho doanh nghiệp làm dự án khu dân cư, khu đô thị nhiều đến mức được ví "như nấm sau mưa", nhìn đâu cũng thấy dự án khu dân cư.
Các dự án làm khu dân cư được cấp phép tập trung chủ yếu là trung tâm các huyện, thành đồng bằng nằm dọc theo Quốc lộ 1A, như: TP.Quảng Ngãi, huyện Tư Nghĩa, huyện Mộ Đức, huyện Sơn Tịnh, thị xã Đức Phổ (trước là huyện Đức Phổ)….
Nếu như một thời gian rất dài từ năm 2015 trở về trước, dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu dân cư tại Quảng Ngãi đếm chưa đầy đầu ngón tay, thì trong giai đoạn từ năm 2017 đến cuối năm 2019, theo thống kê của Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi, có gần 100 dự án được cấp phép và phê duyệt, với tổng vốn đầu tư khoảng 20,6 ngàn tỷ đồng.
Trong đó phần diện tích đất nhà ở thương mại (để bán) trên 612ha. Ngoài ra ước khoảng 230 dự án khác đã hoàn tất thủ tục được các công ty, doanh nghiệp và tổ chức trình cấp thẩm quyền chờ phê duyệt.
Cùng với số có diện tích tính bằng con số hàng chục, vài chục ha/dự án, là vô số dự án mà nhiều người ví "bé như bàn tay", siêu nhỏ… cũng được cấp phép.
Cụ thể trong hơn 100 dự án đất ở và khu dân được cấp phép và phê duyệt tại thời điểm trên, số có diện tích dưới 5ha là 33 dự án, chiếm tỷ lệ hơn 1/3, rải khắp ở 7/14 huyện thành từ miền núi xuống đồng bằng của tỉnh. Nhiều nhất là TP.Quảng Ngãi (16 dự án); huyện Tư Nghĩa và Mộ Đức (4 dự án/huyện); Đức Phổ và Ba Tơ (3 dự án/huyện); Bình Sơn 2 dự án và Trà Bồng 1 dự án.
Giải thích về lý do cấp thẩm quyền tỉnh cấp phép cho số dự án khu dân cư "siêu nhỏ", đại diện chính quyền TP.Quảng cho biết: Đây là những khu đất "đầu thừa đuôi thẻo" (diện tích nhỏ) nằm xen các khu dân cư trong nội thành nên không thể, hoặc không phù hợp để đầu tư ngân sách làm các công trình phục dân sinh khác, phải bỏ hoang và trở thành nơi vứt bỏ rác thải, có bụi hoang dại mọc...gây ô nhiễm môi trường.
Nếu chính quyền thành phố sử dụng ngân sách để cải tạo, xây dựng thì quá tốn kém. Vì vậy khi có doanh nghiệp đề nghị làm dự án, nhận thấy nếu để họ đầu tư (bù lại được sử dụng 1 phần diện tích để phân lô bán nền đất ở) có lợi hơn, chính quyền mới đồng ý đề nghị tỉnh cấp phép.
Còn đại diện Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, những dự án tạo cảnh quang và kết hợp làm khu dân cư nhỏ như vậy thường do các địa phương làm bằng nguồn vốn ngân sách. Tuy nhiên trong tình hình khó khăn như vừa qua, không phải địa phương nào cũng đầu tư được.
Vì vậy khi cấp phép những dự án có diện tích nhỏ kiểu này, cấp thẩm quyền Quảng Ngãi thường xem xét rất kỹ về hiệu quả xã hội mang lại cho địa phương đó, chứ không phải chỉ đảm bảo đầy đủ các quy định như các dự án khu dân cư lớn khác.
Sự phát triển ồ ạt của dự án khu dân cư dẫn đến "cung vượt cầu", bán không ai mua; hàng loạt dự án được cấp phép nhưng chủ đầu tư không làm, bỏ hoang; quy hoạch chung bị phá vỡ…gây nhiều ảnh hưởng, tác động không hay đến sự phát triển chung của kinh tế và xã hội trên địa bàn.
Chính vì vậy mà tại Kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2016- 2021 (diễn ra từ ngày 9-11/12 vừa qua), cùng nhìn nhận có nhiều bất cập, biểu hiện không bình thường về phát triển khu dân cư, khu đô thị; tân Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã chỉ đạo cấp ngành trực thuộc rà soát, tham mưu hủy bỏ 247 dự án đã chấp thuận chủ trương (cho phép khảo sát lập dự án), trả về trạng thái ban đầu.