Vì sao tốc độ giảm giá xăng dầu Việt Nam chỉ bằng 40% thế giới?
Giảm bằng 40% thế giới
Như Etime đã đưa tin, từ 15h ngày 15/3, Liên Bộ Tài chính – Công thương công bố giảm sâu giá xăng dầu. Theo đó, giá xăng E5RON92 giảm 2.290 đồng/lít xuống không cao hơn 16.056 đồng/lít; giá xăng RON95-III giảm 2.315 đồng/lít xuống không cao hơn 16.812 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S giảm 1.750 đồng/lít xuống không cao hơn 13.035 đồng/lít; giá dầu hỏa giảm 1.830 đồng/lít xuống không cao hơn 11.846 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S giảm 1.353 đồng/kg xuống không cao hơn 10.501 đồng/kg.
Như vậy, tốc độ giảm của giá xăng E5RON92 là 12,4%, của giá xăng RON95-III là 12,1%, của giá dầu diesel 0.05S là 11,8%, của giá dầu hỏa là 13,4% và của giá dầu mazut 180CST là 11,5%.
Nguyên nhân giảm sâu giá xăng dầu được Liên Bộ đưa ra là "Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc nhanh chóng giảm giá xăng dầu nhằm hỗ trợ đời sống của người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19".
Trong khi đó, giá dầu thế giới và giá các sản phẩm xăng dầu trên thế giới có tốc độ giảm mạnh hơn rất nhiều. Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI đứng ở mức 32,93 USD/thùng, giảm 11,04 USD/thùng, tương đương 25,2% so với ngày 29/2, phiên điều chỉnh ngay trước phiên điều chỉnh ngày 15/3. Giá dầu Brent đứng ở mức 34,60, giảm 15,5 USD/thùng, tương đương 30,9%.
Như vậy, tốc độ giảm của giá xăng trong nước chỉ bằng khoảng 40% của tốc độ giảm giá dầu thế giới.
Ngoài ra, trong kỳ, giá bình quân xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 giảm 13,53 USD/thùng, tương đương 21,7%. Tốc độ giảm của sản phẩm này cũng cao vượt trội so với mức độ giảm của giá xăng dầu trong nước.
Các chuyên gia lý giải gì?
Lý giải về việc này, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, với quy định tại Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, Việt Nam điều hành theo chu kỳ 15 ngày. Ngoài độ trễ điều hành giá theo bình quân 15 ngày, nhà điều hành cũng phải tính tới kịch bản để có dư địa cho kỳ điều hành tiếp theo nếu giá dầu bật tăng trở lại.
"Tình hình địa chính trị rất phức tạp, giả sử Nga và OPEC đạt được thoả thuận, giá dầu có thể bật tăng 30-40%, nên phải để dư địa cho kịch bản giá dầu tăng sốc trở lại", ông Đông nói.
Cũng theo vị này, giá xăng dầu hiện nay thực chất theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Ngoài Quỹ bình ổn, cơ cấu trong giá cơ sở xăng dầu còn gồm lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh định mức, các loại thuế, phí... chiếm hơn 50% cơ cấu giá. Đáng kể nhất trong cơ cấu thuế, phí xăng dầu hiện nay là mức thuế bảo vệ môi trường, với xăng là 3.000 đồng một lít, dầu diesel 1.500 đồng... Khi giá dầu càng giảm, tỷ trọng các loại thuế, phí, trong đó thuế bảo vệ môi trường càng tăng lên. "Bộ Công Thương đã đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay", ông thông tin.
Chưa kể tỷ giá VND/USD nhập khẩu xăng dầu ở mức 23.300 VND một USD, cao hơn trên 1.000 đồng so với cách đây 1-2 năm. Với những nguyên nhân này, ông Đông nói: "không thể so sánh cơ học giá dầu thô giảm sâu thì giá điều hành trong nước phải giảm theo tương ứng".
Dưới góc nhìn chuyên gia, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cũng cho rằng, không thể so sánh giá giữa Việt Nam và các nước trên thế giới bởi mặt hàng này phụ thuộc vào chính sách tài chính của mỗi quốc gia.
"Chính sách thuế, phí mỗi nước khác nhau thì giá cũng sẽ khác, không thể đòi hỏi giá xăng dầu Việt Nam giảm tương xứng với giá các nước. Bên cạnh đó, giá xăng dầu của chúng ta tính theo chu kỳ bình quân 15 ngày, không thể so sánh với thời điểm giảm thấp nhất của thế giới", ông Long nói.
Đặt vấn đề vì sao trong hoàn cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, Chính phủ không ngưng trích quỹ bình ổn, cho giá xăng dầu giảm thấp nhất có thể để hỗ trợ DN, kích cầu thị trường, ông Long cho rằng không nên.
"Về nguyên tắc, khi giá dầu thế giới giảm là Việt Nam phải trích tối đa 300 đồng/lít vào quỹ bình ổn để dự phòng khi giá thế giới tăng cao sẽ không tạo nhiều biến động cho thị trường. Nếu chúng ta ngưng trích quỹ, thả cho giá xăng dầu xuống quá thấp thời điểm này thì khi giá thế giới tăng lên cao, thị trường sẽ ngay lập tức có vấn đề. Giai đoạn khó khăn, chúng ta chỉ trích lại 200 đồng/lít như vậy là hợp lý. Mức giảm này đảm bảo vừa hỗ trợ DN, vừa giữ sức cân bằng thị trường", PGS-TS Ngô Trí Long đánh giá.
Đồng tình quan điểm này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu lý giải, giá dầu thế giới là giá giao dịch bán buôn ở trên thị trường thế giới, giá ở thị trường Việt Nam là giá bán lẻ, do vậy không thể so sánh giữa hai mức giá.
“Giá xăng dầu ở Việt Nam cần trải qua nhiều lớp thương mại, dẫn đến giá thành không thể tăng hay giảm tương ướng với giá dầu thô thế giới. Tuy nhiên, về lâu về dài nó sẽ đi cùng xu hướng với nhau về tỷ lệ, nhưng cần một thời gian nữa để giá dầu trong nước giảm sâu hơn”,TS.Hiếu cho hay.
Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, giá dầu giảm làm giảm áp lực về lạm phát, bởi giá xăng dầu ở Việt Nam đóng góp tỷ lệ lớn trong tỷ lệ lạm phát, tất cả các ngành nghề đều chịu ảnh hưởng từ giá xăng dầu. Do vậy việc giảm giá xăng dầu mạnh 10% dĩ nhiên tại thời điểm hiện tại và trong tương lai có thể sẽ giảm áp lực lạm phát.