Vì sao TT-Huế không phát triển đô thị về hướng tây để hạn chế bất lợi do biến đổi khí hậu?
Ngày 22/11, Bộ Xây dựng chủ trì Hội nghị thẩm định quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế.
Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu cho biết, trên cơ sở nhiệm vụ đồ án Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh đã tích cực triển khai công tác lập quy hoạch chung đô thị song song với quy hoạch tỉnh. Đến nay tỉnh đã hoàn thành các bước về tổ chức lập quy hoạch, báo cáo phương án quy hoạch, công bố lấy ý kiến cộng đồng, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, các chuyên gia trong và ngoài tỉnh, trình Bộ Xây dựng thẩm định và hoàn thành công tác giải trình, tiếp thu, bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.
Theo ông Lê Trường Lưu, với hội nghị này, tỉnh mong muốn nhận được nhiều ý kiến góp ý để tiếp tục hoàn thiện bản quy hoạch tốt nhất, làm rõ các nội dung quy hoạch.
Tại hội nghị, các thành viên hội đồng đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực về các lĩnh vực như quy hoạch, kiến trúc, giao thông, du lịch, tài chính, môi trường, văn hóa... Các chuyên gia đã đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến tên gọi của đồ án, định hướng không gian phát triển, sắp xếp các đơn vị hành chính trong tương lai, hạ tầng giao thông đô thị...
Điện các bộ, ngành đánh giá cao nội dung quy hoạch, đồng thời yêu cầu tỉnh Thừa Thiên Huế cụ thể hóa một số nội dung liên quan đến hạ tầng phát triển giáo dục, khoa học công nghệ, điện lưới...; làm rõ các vấn đề liên quan đến đất quốc phòng, an ninh.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương, giai đoạn đến năm 2025, để đảm bảo mục tiêu hình thành đô thị trực thuộc Trung ương, quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đã xác định, làm rõ khu vực nội thị, ngoại thị của đô thị Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương. Trong đó, xác định rõ mô hình thành phố cho toàn đô thị trực thuộc Trung ương với 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện làm căn cứ để áp dụng các chỉ tiêu về trình độ phát triển đô thị và đảm bảo yếu tố đặc thù của đô thị Thừa Thiên Huế và các đô thị trực thuộc trong việc bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể đã được UNESCO công nhận.
Ông Nguyễn Văn Phương cho hay, trong quá trình lấy ý kiến của các chuyên gia, cộng đồng dân cư về quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế, có ý kiến cho rằng tỉnh nên xem xét thêm việc phát triển đô thị về hướng tây để tận dụng địa hình cao, hạn chế bất lợi do biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, qua nghiên cứu và thảo luận nhiều giai đoạn, tỉnh lựa chọn hình thành các khu vực phát triển mới hướng biển nhằm kế thừa khung cơ sở hạ tầng hiện có, sử dụng hợp lý và hiệu quả nguồn lực đầu tư, khai thác tiềm năng rất lớn hệ sinh thái, cảnh quan của đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, tiềm năng kinh tế biển và sức hút của Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô cũng như các khu vực du lịch ven biển. Xu thế phát triển hướng biển cũng phù hợp với các đô thị miền Trung và thế giới, có tính khả thi cao và hình thành được các đô thị độc đáo, hấp dẫn.
"Cùng với quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế có vai trò hết sức quan trọng trong việc định hướng không gian phát triển đô thị Thừa Thiên Huế cho giai đoạn tiếp theo, đồng thời là các đề án thành phần quan trọng để triển khai việc phân loại đô thị loại I, hoàn thành đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị", ông Nguyễn Văn Phương nói.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đánh giá cao đồ án quy hoạch, đồng thời cho rằng đây là đồ án có nhiều ưu điểm như xác định được cấu trúc không gian phát triển, khung thiết kế đô thị tuân thủ các chỉ tiêu cơ bản theo quy chuẩn quốc gia, nhằm hướng đến chỉ tiêu của đô thị loại I…
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn yêu cầu trên cơ sở các ý kiến của bộ ngành, chuyên gia phản biện, đặc biệt là cơ quan thẩm định, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục rà soát cơ sở pháp lý, hệ thống hóa lại các nội dung để có những điều chỉnh phù hợp.