Vì sao xe máy Honda "loạn" giá trên thị trường?

29/11/2019 06:00 GMT+7
Mỗi dịp cuối năm, các đại lý xe máy Honda (Head) liên tục “thổi” giá bán các sản phẩm xe máy. Trong đó, những mẫu xe được người tiêu dùng ưa chuộng như: SH, SH Mode, Airblade, LEAD, Vision,... có khả năng bị đội giá từ vài triệu tới vài chục triệu đồng.

Việc các đại lý bán chênh, "thổi" giá cao hơn mức niêm yết đã xuất hiện từ nhiều năm nay. Gần đây, nhiều đại lý Honda chính hãng ở Hà Nội lấy lý do nguồn cung hạn hẹp đã đẩy giá xe cao khiến người tiêu dùng bức xúc.

Trong đó, Honda SH là mẫu xe máy bị bán chênh giá nhiều nhất. Tại các đại lý, tùy từng phiên bản, mẫu xe này có mức chênh từ 10 triệu đồng đến trên dưới 20 triệu đồng.

Cụ thể, hiện tại giá niêm yết xe SH bản 125i ABS chỉ có 76 triệu và giá niêm yết bản 150i là 90 triệu đồng. Tuy nhiên, tại hầu hết các đại lý của Honda, khách hàng phải mua những chiếc xe này với giá dao động từ 94 triệu đồng đến 110,5 triệu đồng, mức chênh lệch cao nhất lên tới hơn 20 triệu đồng.

Vì sao xe máy Honda "loạn" giá trên thị trường? - Ảnh 1.

Thời điểm cuối năm, các đại lý Honda thi nhau "thổi" giá các mẫu xe từ đời mới đến đời cũ.

Không chỉ đối với xe SH, theo thông tin từ đại lý Honda Hồng Hạnh, thời điểm hiện tại, nhiều mẫu xe khác của Honda như Vision, Lead, Air Blade cũng đều được điều chỉnh bán với giá chênh từ 500.000 đồng-3 triệu đồng so với giá niêm yết. Ví dụ, xe Honda Air Blade có giá niêm yết 37 triệu nhưng thực tế giá tại đại lý bán là 40 triệu đồng.

Được biết, trong giao dịch mua bán xe máy Honda, việc bán chênh giá không được ghi vào hóa đơn do có sự thỏa hiệp giữa chính khách hàng và đại lý. Nguyên do là khi hóa đơn ghi thấp hơn mức giá bán thật, khách hàng "trốn" được một khoản phí trước bạ, còn các đại lý trốn kê khai đủ thuế VAT theo giá trị hàng hóa thực tế đã bán.

Trước thực trạng trên, người tiêu dùng phải mua xe với giá "trên trời", các đại lý siêu lợi nhuận trong khi nhà nước thất thu thuế.

Theo ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, cơ quan chức năng khó lòng tìm cách giúp đỡ người tiêu dùng, nguyên nhân là do mối quan hệ giữa Honda và các đại lí là "mua đứt bán đoạn".

"Hiện tại, Honda Việt Nam (HVN) và các Head làm việc kiểu 'mua đứt bán đoạn' xe máy, nên chúng tôi cũng không còn cách nào. Chỉ có thể khuyến cáo người tiêu dùng mua nơi khác hoặc các sản phẩm thay thế." ông Tuấn cho hay.

Cụ thể, lãnh đạo Cục bảo vệ người tiêu dùng giải thích thêm giá trên trang của Honda có chú ý rõ là "tham khảo", hãng không tham gia vào giá bán của đại lý. Ngoài ra, hiện nay, pháp luật vẫn chưa có cơ chế xử lý, kiểm soát vấn đề xe "đội giá".

"Bên phía Honda Việt Nam có hợp đồng cụ thể với các đại lý về việc mua bán xe máy này. Giá trên trang chủ chỉ là giá tham khảo, trong hợp đồng có ghi rõ rằng họ không can thiệp vào giá bán của đại lý. Thậm chí, các đại lý còn tranh nhau mua và phải trả tiền trước cho hãng.

Hiện tại, chưa có quy định pháp luật cụ thể để giải quyết nên cũng đành "bó tay" và vấn đề này còn liên quan đến quyền của doanh nghiệp. Tuy nhiên, quyền quyết định vẫn nằm trong tay người tiêu dùng." Ông Tuấn phân tích.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục