Việt Nam "chấp" 3 "ông lớn", chỉ thua Brazil khi xuất khẩu cà phê vào thị trường này

19/02/2022 15:13 GMT+7
Theo ITC, Việt Nam là nguồn cung cà phê lớn thứ 2 cho Hàn Quốc (tính theo lượng), đạt 33,1 nghìn tấn, trị giá 55 triệu USD trong 11 tháng năm 2021, tăng 13,6% về lượng và tăng 9,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Việt Nam "chấp" 3 "ông lớn", chỉ thua Brazil khi xuất khẩu cà phê vào Hàn Quốc

Tại Hàn Quốc, nhu cầu tiêu thụ cà phê dự kiến sẽ tăng lên đáng kể trong những năm tới. Xu hướng tiêu dùng cà phê tại nhà hoặc nơi làm việc ngày càng tăng đã thúc đẩy thị trường cà phê ở Hàn Quốc phát triển rất nhanh. Do đó, Hàn Quốc tăng nhập khẩu cà phê nhằm phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và ngành công nghiệp chế biến. 

Theo số liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), nhập khẩu cà phê của Hàn Quốc trong 11 tháng năm 2021 đạt 172 nghìn tấn, trị giá 820,35 triệu USD, tăng 5,2% về lượng và tăng 21,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

11 tháng năm 2021, nhập khẩu tất cả các chủng loại cà phê của Hàn Quốc đều tăng so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Hàn Quốc chủ yếu nhập khẩu cà phê HS 090111 (trừ cà phê rang xay và loại bỏ caffein), tỷ trọng chiếm 84,98% tổng lượng, tốc độ tăng trưởng 0,7% về lượng và tăng 14,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Việt Nam "chấp" 3 "ông lớn", chỉ thua Brazil khi xuất khẩu cà phê vào thị trường này - Ảnh 1.

Brazil hiện là nhà cung cấp cà phê lớn nhất của Hàn Quốc, Việt Nam đứng thứ 2 và Colombia đứng thứ 3.

Việt Nam "chấp" 3 "ông lớn", chỉ thua Brazil khi xuất khẩu cà phê vào thị trường này - Ảnh 2.

Nguồn: ITC

11 tháng năm 2021, giá nhập khẩu bình quân cà phê của Hàn Quốc từ các thị trường trên thế giới đạt mức 4.770 USD/tấn, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân cà phê của Hàn Quốc tăng từ hầu hết các nguồn cung chính, ngoại trừ giá nhập khẩu từ Việt Nam giảm 3,3% xuống còn 1.660 USD/tấn. 

Việt Nam "chấp" 3 "ông lớn", chỉ thua Brazil khi xuất khẩu cà phê vào thị trường này - Ảnh 3.

Nguồn: ITC

Về cơ cấu nguồn cung, 11 tháng năm 2021, Hàn Quốc tăng nhập khẩu cà phê từ hầu hết các nguồn cung chính, ngoại trừ Columbia. Theo ITC, Việt Nam là nguồn cung cà phê lớn thứ 2 cho Hàn Quốc (tính theo lượng), đạt 33,1 nghìn tấn, trị giá 55 triệu USD trong 11 tháng năm 2021, tăng 13,6% về lượng và tăng 9,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hàn Quốc tăng từ 17,85% trong 11 tháng năm 2020, lên 19,27% trong 11 tháng năm 2021. Việt Nam chỉ "thua" Brazil khi xuất khẩu cà phê vào Hàn Quốc, còn "chấp" hết các thị trường lớn khác là Colombia, Etiopia, Hondurat...

Việt Nam "chấp" 3 "ông lớn", chỉ thua Brazil khi xuất khẩu cà phê vào thị trường này - Ảnh 4.

Nguồn: ITC

Năm 2022, dự báo Hàn Quốc sẽ tiếp tục tăng mạnh nhập khẩu cà phê để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa. Lượng cà phê Hàn Quốc nhập khẩu trong năm 2022 có thể lên tới trên 200.000 tấn. Mặc dù Hàn Quốc vẫn có một số vùng trồng cà phê, song không đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, nên quốc gia này chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nguồn cà phê nhập khẩu. Nhập khẩu cà phê gia tăng cho thấy nhu cầu tiêu thụ cà phê tại Hàn Quốc vẫn không bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Văn hóa thưởng thức trà của người Hàn Quốc có từ lâu đời nay đã chuyển dần sang sử dụng cà phê dưới nhiều hình thức khác nhau. Cà phê ở Hàn Quốc được sử dụng rộng rãi ở các văn phòng, nhà hàng, gia đình. Theo Viện Kinh tế Hàn Quốc, mức tiêu thụ cà phê bình quân tính trên đầu người của Hàn Quốc đạt 2,3kg/người/năm. Tiêu thụ cà phê ở Hàn Quốc chiếm khoảng 6% tổng thị trường cà phê châu Á - Thái Bình Dương và là một trong những thị trường tiêu thụ cà phê hàng đầu thế giới (theo tổ chức cà phê thế giới, Hàn Quốc là nước tiêu thụ cà phê lớn thứ 11 trên thế giới).

Giá cà phê sẽ sẽ còn biến động khó lường!

Dự báo mới nhất của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, giá cà phê Robusta trong thời gian tới sẽ còn biến động khó lường do nguồn cung được bổ sung khi Việt Nam đã quay trở lại thị trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, trong khi báo cáo thời tiết các vùng trồng cà phê chính ở miền Nam Brazil đã có nhiều mưa hỗ trợ tốt cho vụ mùa năm nay.

Trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần này, giá cà phê Robusta và Arabica kỳ hạn cùng giảm mạnh. Căng thẳng Nga-Ukraina vẫn đè nặng lên hầu hết các thị trường.

Giá cà phê Arabica đảo chiều giảm khi kỳ hạn tháng 5 bắt đầu trở thành tháng giao ngay. Phần lớn giới đầu cơ rút ra đứng bên ngoài để chờ đợi nghe ngóng thêm tin tức khiến khối lượng thương mại trên sàn New York giảm mạnh. Giá cà phê Robusta cũng quay đầu giảm khi nguồn cung hứa hẹn sẽ rất dồi dào, nhất hai nhà sản xuất chính Brazil và Indonesia sắp bước vào thu hoạch vụ mới.

Ghi nhận vào giờ đóng cửa thị trường tuần này, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 3/2022 giảm 18 USD (0,79%), giao dịch tại 2.271 USD/tấn. Giá Robusta kỳ hạn giao tháng 5/2022 giảm 19 USD (0,84%), giao dịch tại 2.255 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình.

Giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US - New York kỳ hạn giao tháng 5/2022 giảm mạnh 4,65 Cent (1,86%), giao dịch tại 246,00 Cent/lb. Trong khi, giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 7/2022 giảm 4,45 Cent (1,79%), giao dịch tại 244,70 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình.

Nông dân huyện Di Linh (Lâm Đồng) thu hoạch cà phê. Ảnh: MAI VĂN BẢO

Nông dân huyện Di Linh (Lâm Đồng) thu hoạch cà phê. Ảnh: MAI VĂN BẢO

Trong nước, theo khảo sát trên trang giacaphe.com sáng nay (19/2), giá cà phê hôm nay đồng loạt giảm 400 đồng/kg so với hôm qua. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk đang ghi nhận mức giá cao nhất là 41.400 đồng/kg. Thấp hơn là hai tỉnh Gia Lai và Đắk Nông với chung mức 41.300 đồng/kg. Giá cà phê tại tỉnh Lâm Đồng đang được ghi nhận ở mức thấp nhất là 40.800 đồng/kg.

Theo các chuyên gia, mức tiêu thụ cà phê sẽ gia tăng đáng kể sau đại dịch, hứa hẹn việc tiêu thụ cà phê toàn cầu sẽ góp phần xây dựng mặt bằng giá mới cho mặt hàng này sau nhiều năm trì trệ. Thông tin các hãng rang xay và chuỗi quán cà phê tăng giá bán lẻ, tiếp tục dấy lên có thể giúp giá cà phê bền vững hơn.

Theo số liệu từ Cơ quan thương mại Brazil, xuất khẩu cà phê của nước này trong tháng 1/2022 đạt 2.968.217 bao, giảm 19,8% so với tháng 1/2021, nhưng tăng 9% so với tháng 1/2019.

Dựa trên khảo sát mới nhất, Reuters đưa ra dự báo, giá cà phê Robusta sẽ về dưới mức 2.000 USD/tấn trong quý II, khi Brazil bước vào thu hoạch vụ mới và đẩy mạnh bán ra. Hiện tại, theo các báo cáo, thời tiết ở các vùng trồng cà phê chính ở miền nam Brazil đã có nhiều mưa hỗ trợ tốt cho vụ mùa năm nay.

Brazil có thể sản xuất 61,4 triệu bao cà phê Arabica và Robusta trong niên vụ 2022-2023, theo ước tính trung bình của 9 nhà phân tích do Bloomberg tổng hợp.

Cà phê nằm trong nhóm hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, hiện đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Brazil). Năm 2021, cơ cấu thị trường xuất khẩu cà phê chế biến của Việt Nam lên tới hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, Việt Nam tập trung xuất khẩu sang một số thị trường ASEAN, châu Âu, Trung Quốc và Mỹ. Trị giá xuất khẩu cà phê chế biến sang nhiều thị trường chính tăng so với năm 2020.

Năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,52 triệu tấn, trị giá xấp xỉ 3 tỷ USD, tuy giảm 2,7% về lượng, nhưng tăng 9,4% về trị giá so năm 2020. 

Bộ Công Thương dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong năm 2022 sẽ tiếp tục khả quan nhờ nguồn cung dồi dào, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) tạo lợi thế cạnh tranh cho cà phê Việt Nam và giá xuất khẩu nhiều khả năng duy trì ở mức cao. Còn theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), niên vụ 2021 - 2022, sản lượng cà phê của Việt Nam dự báo đạt 31,1 triệu bao, nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi đã hỗ trợ năng suất.

Năm 2022, theo số liệu thống kê từ Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng xuất khẩu cà phê tới 5 thị trường hàng đầu thế giới (Mỹ, Đức, Pháp, Canada, Italy). Để đáp ứng yêu cầu khắt khe từ các thị trường này, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, ngành cà phê cần chú trọng đến khâu truy xuất nguồn gốc, nâng cao năng lực sản xuất. Cơ cấu xuất khẩu cà phê của Việt Nam cần có sự thay đổi, giảm xuất khẩu cà phê nhân thô, đẩy mạnh khâu chế biến và xuất khẩu cà phê rang xay, hòa tan. Hoạt động xúc tiến thương mại tiếp tục được chú trọng, giúp quảng bá và kết nối sản phẩm cà phê của Việt Nam ra thị trường thế giới.





Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục