Việt Nam đặt mục tiêu đạt được 35 tỷ USD thương mại điện tử vào năm 2025

19/05/2020 15:08 GMT+7
Doanh số thương mại điện tử sẽ tăng 25% và chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Việt Nam đặt mục tiêu đạt được 35 tỷ USD thương mại điện tử vào năm 2025 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Theo Quyết định 645/QĐ-TTg về Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 vừa được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phê duyệt, cả nước sẽ có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến đến năm 2025. Giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến sẽ đạt trung bình 600 USD/người/năm.

Doanh số thương mại điện tử của mô hình thương mại điện tử doanh nghiệp – người tiêu dùng (B2C) (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) tăng 25%, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Bên cạnh đó, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử cũng đặt mục tiêu đạt 50%, trong đó thanh toán thực hiện qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm 80%. Chi phí trung bình cho chuyển phát và hoàn tất đơn hàng chặng cuối chiếm 10% giá thành sản phẩm trong thương mại điện tử. Các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử đạt 70%. Đồng thời, kế hoạch cũng đặt ra việc xây dựng và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử.

Về tương quan phát triển thương mại điện tử giữa các vùng kinh tế, các địa phương ngoài Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu chiếm 50% giá trị giao dịch thương mại điện tử B2C của toàn quốc; 50% số xã và các đơn vị hành chính tương đương trên cả nước có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến.

Đối với ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp, sẽ có 80% website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến. Số doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch thương mại điện tử đạt 50%. Ngoài ra, quyết định cũng đề ra mục tiêu có 40% doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử trên các ứng dụng di động và 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, một số giải pháp cũng được đưa ra như: hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển thương mại điện tử trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động thương mại điện tử; đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại điện tử; xây dựng thị trường và nâng cao lòng tin người tiêu dùng trong thương mại điện tử,...

Trước đó, do lo ngại tình hình dịch bệnh Covid-19, người tiêu dùng đã có xu hướng thay đổi phương thức mua sắm, chuyển sang mua sắm online qua các sàn thương mại điện tử nhiều hơn so với việc mua sắm tại các chợ truyền thống. Theo Bộ Công Thương, doanh thu từ mua sắm online qua các sàn thương mại điện tử của một số doanh nghiệp đã tăng từ 20-30% trong đợt dịch vừa qua.

Trong báo cáo về "Nền kinh số Đông Nam Á " (e-Conomy Southeast Asia) được Google, Temasek cùng đối tác Bain & Company công bố, nền kinh tế số tại Việt Nam đã đạt 12 tỷ USD vào năm ngoái và con số này dự kiến sẽ còn tăng cao hơn nữa trong những năm tới.

Thu Trà
Cùng chuyên mục