Việt Nam trở lại tốc độ tăng trưởng nhanh - Khối FDI gây bất ngờ

07/12/2021 10:40 GMT+7
Theo các chuyên gia Maybank Kim Eng, kinh tế Việt Nam đang hồi phục với tốc độ nhanh so với khu vực nhờ chiến lược “sống chung với Covid” – dần mở lại hoàn toàn tất cả các hoạt động. Đồng thời, dấu hiệu cho thấy khối FDI sẽ trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết và là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng
Việt Nam trở lại với tốc độ tăng trưởng nhanh - Ảnh 1.

Nguồn: CEIC

Nhóm các nhà nghiên cứu của Maybank Kim Eng (MBKE) gồm: Tiến sĩ Chua Hak Bin, Kinh tế gia trưởng của MBKE, Linda Liu vừa phát hành báo cáo tháng 12/2021 về Kinh tế vĩ mô của các nước khu vực Asean. Theo đó, về phần Việt Nam, các nhà nghiên cứu của MBKE cho rằng, kinh tế đang trở lại tăng trưởng nhanh.

Phục hồi giữa thời kỳ bình thường mới của dịch bệnh

Tăng trưởng GDP dự kiến sẽ phục hồi lên +6,7% vào năm 2022 và duy trì ở mức +6,6% vào năm 2023, sau khi bị sụp giảm còn +1% năm 2021. Dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của các nhà phân tích cao hơn so với mục tiêu của chính phủ là +6% đến +6,5%.

Việt Nam trở lại với tốc độ tăng trưởng nhanh - Ảnh 2.

Biểu đồ sản lượng công nghiệp và xuất khẩu Việt Nam. Nguồn: CEIC

Sự trở lại của Covid-19 với các biến thể đột biến mới vẫn là rủi ro lớn nhất và có thể làm thay đổi đà sự phục hồi, nhưng các nhà phân tích vẫn lạc quan dựa vào tỷ lệ tiêm chủng cao. Nguy cơ giãn cách xã hội thấp hơn nhiều vào năm 2022 khi Việt Nam chuyển hướng sang chiến lược "sống chung với Covid". Tốc độ tiêm chủng đã tăng nhanh trong những tháng gần đây. Hơn 70% dân số đã được tiêm ít nhất một mũi vắc-xin vào cuối tháng 11, trong đó 52% trẻ được tiêm chủng đầy đủ. Tỷ lệ tiêm chủng bao phủ ở các thành phố trọng điểm và các trung tâm công nghiệp đã đạt 70-80%. Dựa trên tốc độ hiện tại, kỳ vọng rằng Việt Nam sẽ đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 70% vào tháng 3 năm 2022.

Xuất khẩu và sản xuất vẫn sẽ là động lực tăng trưởng chính vào năm 2022. Xuất khẩu tăng trưởng mạnh hỗ trợ sự hồi phục trong suốt đại dịch, một lần nữa cho thấy các chồi xanh và bật tăng trở lại mức cao hơn trước đợt dịch. Việc phục hồi sản xuất có thể bị cản trở bởi tình trạng thiếu lao động và gián đoạn chuỗi cung ứng trong thời gian tới, nhưng những lo ngại này sẽ bắt đầu giảm bớt vào đầu năm tới.

Việt Nam trở lại với tốc độ tăng trưởng nhanh - Ảnh 3.

Biểu đồ giá trị xuất khẩu Việt Nam. Nguồn: CEIC

Tiêu dùng và dịch vụ trong nước sẽ bắt kịp trong bối cảnh thị trường nội địa mở cửa trở lại, tạo ra thêm một động lực cho tăng trưởng. Việc mở cửa dần dần các biên giới quốc tế vào năm 2022 cũng sẽ đóng góp cho tăng trưởng, mặc dù, có thể đến vào nửa cuối năm 2022, khách du lịch quốc tế mới trở lại. Các địa danh du lịch trọng điểm như Đảo Phú Quốc, Nha Trang, Vịnh Hạ Long và Hội An đang dần được mở cửa trở lại cho người nước ngoài đã tiêm chủng đầy đủ từ tháng 11-12 năm 2021, trước khi mở cửa trở lại hoàn toàn như mục tiêu đặt ra vào tháng 6 năm 2022.

FDI sẽ trở lại mạnh mẽ hơn trên các mặt

FDI sẽ vẫn là động lực tăng trưởng trong cơ cấu những năm tới. Bất chấp những cú sốc chuỗi cung ứng do làn sóng Covid và các đợt đóng cửa trong nửa cuối năm 2021, cả dữ liệu cho vay của ngân hàng nước ngoài và dòng vốn FDI sản xuất vẫn tiếp tục phục hồi.

Tổng vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực sản xuất tăng trở lại +10,1% trong 11 tháng đầu năm 2021, phục hồi từ mức giảm -45% vào năm 2020.

Dữ liệu cho vay xuyên biên giới từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho thấy tổng số yêu cầu của các ngân hàng nước ngoài đối với Việt Nam tăng +15,5% trong nửa đầu năm 2021, củng cố từ mức tăng trưởng +3,4% trong nửa cuối năm 2020.

Sự bật tăng trở lại phần lớn là nhờ tăng trưởng mạnh mẽ đến từ các tổ chức tài chính Mỹ (+35,5% so với +1,1% trong nửa cuối năm) và châu Âu (+18,6% so với +1,5% trong nửa đầu năm 2020).

Việt Nam trở lại với tốc độ tăng trưởng nhanh - Ảnh 4.

Nguồn: CEIC

Dòng vốn FDI có khả năng phục hồi phản ánh sự quan tâm liên tục của các công ty đa quốc gia và nhà sản xuất nước ngoài tại Việt Nam như một địa điểm cho chuỗi cung ứng và cơ sở sản xuất thay thế hấp dẫn. Chi phí lao động giảm và việc tăng cường tham gia vào các hiệp định thương mại tự do đã tham gia gần đây (FTA EU-Việt Nam, CPTPP & RCEP) sẽ củng cố vị thế của Việt Nam như một cường quốc sản xuất mới nổi. Việc mở lại và nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới sẽ cho phép FDI quay trở lại với tốc độ mạnh mẽ hơn nhiều vào năm 2022.

Lan Hương
Cùng chuyên mục