Việt Nam trước thềm 2021: điểm sáng của kinh tế ASEAN

08/12/2020 06:21 GMT+7
Các nhà kinh tế từ Maybank KimEng (MBKE) gồm TS. Chua Hak Bin và Linda Liu nhận định nền kinh tế Việt Nam trước thềm 2021 đang vươn lên như điểm sáng trong toàn khu vực ASEAN.

Tiềm năng phục hồi kinh tế mạnh mẽ

Các nhà phân tích MBKE dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ phục hồi trở lại mức 6,8% trong năm 2021 và 6,7% trong năm 2022, tức tăng mạnh so với mức tăng trưởng 2,9% dự kiến năm 2020. Với triển vọng này, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng tốt nhất sau đại dịch Covid-19 tại khu vực ASEAN.

Xuất khẩu và sản xuất dự kiến sẽ là động lực tăng trưởng chính trong nền kinh tế. Chi tiêu cá nhân (đóng góp 68% trong tăng trưởng GDP) và đầu tư kinh doanh (đóng góp 32% trong tăng trưởng GDP) vẫn đang trên đà phục hồi mạnh mẽ sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.

Việt Nam trước thềm 2021: điểm sáng của kinh tế ASEAN - Ảnh 1.

Nền kinh tế Việt Nam dự kiến phục hồi hình chữ V nhờ động lực trong sản xuất và xuất khẩu

Tuy nhiên, các lĩnh vực dịch vụ như du lịch và khách sạn vẫn có nguy cơ đối diện với áp lực lớn trong thời gian tới khi chính phủ duy trì loạt biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ.

Làn sóng đầu tư dự kiến sẽ phục hồi trở lại nhờ sự gia tăng đầu tư cá nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI). Hiện đã có những dấu hiệu ban đầu về sự phục hồi dòng đầu tư khi nhập khẩu tư liệu sản xuất tăng trở lại mức trước đại dịch. Dưới sự thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng, đầu tư công được cho là sẽ tạo nên một động lực khác hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Việt Nam trước thềm 2021: điểm sáng của kinh tế ASEAN - Ảnh 2.

Luồng FDI vào Việt Nam có xu hướng phục hồi trong nửa cuối năm 2020

Vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất chuẩn bị tăng trở lại

Vốn FDI dự kiến vẫn là động lực tăng trưởng chủ yếu thúc đẩy ngành sản xuất phục hồi trong năm 2021. Việc Việt Nam tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do gần đây như CPTPP, CREP, EVFTA sẽ giúp củng cố vị thế nước ta như một điểm thu hút FDI hấp dẫn. Thực tế, nhiều nhà máy sản xuất điện tử như Foxconn, Pegatron, Wistron và Samsung đang có kế hoạch xây dựng thêm nhà máy sản xuất hoặc cơ sở Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại Việt Nam.

Đủ room tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế

Các nhà kinh tế MBKE dự kiến Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức 4% trong năm 2021 khi nền kinh tế trên đà phục hồi trở lại. Lạm phát toàn phần dự kiến sẽ ở mức bình quân 3% trong năm 2021 và 3,3% trong năm 2022, thấp hơn mức mục tiêu 4%. 

Thâm hụt ngân sách năm 2021 dự toán đạt 343,67 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,9% GDP, giảm so với mức 5,8% GDP trong năm 2020. Nợ công dự kiến tăng từ mức 56,8% năm 2020 lên 58,6% GDP vào năm 2021, tức trong tầm kiểm soát và thấp hơn nhiều so với mức trần 65% GDP. Điều này nghĩa là Chính phủ vẫn có dư địa tài chính đủ để tung thêm các hỗ trợ tài khóa bổ sung nếu cần. 

Vẫn còn rủi ro cho nền kinh tế

MBKE cảnh báo rủi ro lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021 là sự chậm trễ trong quá trình phân phối vaccine Covid-19 hoặc thời gian miễn dịch của vaccine ngắn hơn dự kiến, dẫn tới sự gia tăng làn sóng Covid-19 trên toàn cầu. Nguy cơ như vậy có thể kéo theo các đợt đóng cửa quốc gia mới, gây ra sự trì trệ trong phục hồi kinh tế toàn cầu.

Rủi ro lớn thứ hai là nguy cơ Việt Nam trở thành mục tiêu áp thuế của Mỹ do nhiều nguyên nhân như thặng dư thương mại song phương lớn, nghi ngờ thao túng tiền tệ hoặc ‘sân sau’ cho hàng hóa Trung Quốc lách thuế quan của Mỹ. 

Tuy nhiên, tin tức lạc quan là chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden có thể chuyển trọng tâm quan hệ song phương khỏi vấn đề thặng dư thương mại và thao túng tiền tệ. Việt Nam đã ký kết hàng loạt thỏa thuận phát triển các dự án điện khí hóa lỏng LNG với các tập đoàn Mỹ cũng như nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ, bao gồm các hàng hóa nông sản. 


Thùy Dung
Cùng chuyên mục