Vietnam Airlines và Air Lease Corporation hợp tác tái cơ cấu đội máy bay

15/12/2021 18:15 GMT+7
Ngày 15/12, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Vietnam Airlines và Air Lease Corporation (ALC) đã ký kết thỏa thuận tái cơ cấu toàn diện việc thuê 18 máy bay.

Trong số 18 máy bay, có 12 tàu Airbus A321neo và 06 tàu Boeing B787-10 trong toàn bộ thời hạn còn lại của hợp đồng, cũng như xem xét lại các điều khoản thuê máy bay dựa trên diễn biến phục hồi kinh tế và hàng không ở Việt Nam và Đông Nam Á.

Theo đó, Vietnam Airlines đạt được Thỏa thuận hỗ trợ với ALC sau một thời gian dài đám phán dưới sự chỉ đạo và theo dõi sát sao của Thủ tướng Chính phủ.

Thỏa thuận hỗ trợ với ALC là thành quả quan trọng của Vietnam Airlines trong nỗ lực tái cơ cấu và tự thân vượt qua đại dịch Covid-19.

Vietnam Airlines và Air Lease Corporation hợp tác tái cơ cấu đội máy bay - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chứng kiến Vietnam Airlines và Air Lease Corporation (ALC) ký kết thỏa thuận. Ảnh: CTV

Kết quả đàm phán thành công với ALC sẽ góp phần giúp Vietnam Airlines tiết kiệm đáng kể các chi phí tàu bay, cân đối dòng tiền và vượt qua những khó khăn đến từ đại dịch Covid-19.

Được biết, ALC có trụ sở tại Los Angeles (Hoa Kỳ), ALC là một trong những Công ty cho thuê máy bay lớn nhất thế giới với hơn 450 máy bay cho thuê trên toàn cầu. Ngoài ra, ALC hiện là đối tác cho thuê máy bay lớn nhất của Vietnam Airlines với tổng số 16 máy bay đang khai thác thuộc các dòng máy bay thế hệ mới nhất, gồm 12 máy bay A321Neo và 4 máy bay Boeing B787-10.

Với đội mát bay lớn nhất Việt Nam gồm hơn 100 chiếc, Vietnam Airlines có chi phí mát bay chiếm tỷ trọng khá cao trong cơ cấu tổng chi phí. Đội mát bay quy mô lớn, trong khi nhiều đường bay đều bị tạm dừng vì Covid-19, đã gây ra áp lực chi phí không nhỏ lên Vietnam Airlines. Do đó, tái cơ cấu đội máy bay, cắt giảm chi phí là mục tiêu chiến lược để hãng Hàng không Quốc gia sớm vượt qua khủng hoảng Covid-19.

Trong giai đoạn đại dịch, Vietnam Airlines đẩy mạnh các giải pháp tự thân với trọng điểm là gia tăng doanh thu, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu mức lỗ và các thiệt hại do đại dịch, hướng đến việc tối ưu hóa cấu trúc chi phí để nâng cao hiệu quả kinh doanh, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững trong dài hạn.

Trước đó, ngày 14/12, Vietnam Airlines đã tổ chức Đại hội cổ đông bất thường năm 2021, xin ý kiến cổ đông về một số nội dung và phương án tái cơ cấu tổng thể Vietnam Airlines giai đoạn 2021 - 2025.

Các cổ đông của Vietnam Airlines đã thảo luận và thông qua những định hướng lớn trong Đề án tái cơ cấu Vietnam Airlines giai đoạn 2021 - 2025, sửa đổi ngành nghề kinh doanh và điều lệ Vietnam Airlines và phương án kiện toàn Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.

Thực tế, phương án tái cơ cấu tổng thể Vietnam Airlines là nội dung thu hút sự quan tâm lớn của các cổ đông, được kỳ vọng là giải pháp trọng tâm giúp Vietnam Airlines nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường năng lực tài chính, dần phục hồi và sẵn sàng nguồn lực phát triển sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Vietnam Airlines xây dựng tổng thể trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm 7 nhóm giải pháp. Các giải pháp lớn có thể kể đến như tái cơ cấu đội bay thông qua đàm phán giãn, hoãn các khoản thanh toán, giảm tiền thuê tàu bay, đẩy lùi lịch nhận các máy bay mới.


Thế Anh
Cùng chuyên mục