Vinafood 1 và Vinafood 2 vì sao không “ra tay” thu mua lúa Hè Thu?
Tại cuộc họp trực tuyến về tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo tại ĐBSCL diễn ra sáng 7/8, ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc công ty Trung An đề xuất việc để DN đứng ra mua tạm trữ lúa hè thu.
“Giờ bung gạo dự trữ ra rồi mua vào lại không dễ. Bởi mua gạo dự trữ quốc gia phải thông qua đấu thầu, thủ tục phức tạp, mất nhiều thời gian. Nếu để mua dự trữ thì vụ xong rồi. Chúng ta có nhiều DN có khả năng mua thì cho mua, chỉ cần NH tạo điều kiện cho họ vay vốn ngoài hạn ngạch. Nếu không kịp thu mua vụ Hè Thu sẽ dồn tiếp khó khăn cho vụ Thu Đông sắp tới và xuất khẩu của năm 2022”.
Cùng chung quan điểm này, ông Dương Quốc Nam – PCT UBND tỉnh Sóc Trăng cho rằng, sắp tới mùa mưa nên sẽ ảnh hưởng thu hoạch, tiêu thụ mà vẫn phải đảm bảo phòng chống dịch bệnh. Trong điều kiện khó khăn này, NH cần có chính sách cho thu mua nông sản tạm trữ trong thời gian ngắn, không phải mua tạm trữ quốc gia. Phải giải phóng đầu ra cho người nông dân thì mới bắt đầu vụ mới.
“Nói cơ chế bảo đảm tiền vay rất khó nhưng cũng cần có sự hỗ trợ, cần chính sách riêng biệt, nếu không có thì cũng rất khó cho các DN. Bình thường, không có dịch bệnh thì với sản lượng như năm nay việc tiêu thụ sẽ không có vấn đề gì” – ông Nam nói.
Sau khi nghe các doanh nghiệp, địa phương trình bày các khó khăn, vướng mắc trong tiêu thụ lúa gạo vụ Hè Thu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, phương án dự trữ quốc gia hay doanh nghiệp đều phải nghĩ tới: "Trước mắt, tôi nghĩ nên ưu tiên phương án cho DN, nếu DN họ gỡ được thì người nông dân cũng tháo gỡ được, thương lái cũng tháo gỡ được. Tuy nhiên, đề nghị Bộ NN-PTNT kiểm tra việc hai DN lớn nhất là Vinafood 1 và Vinafood 2 không tích cực tham gia thu mua tạm trữ thì chúng ta không thể nói ai được. Nhà nước mà như vậy thì còn nói ai được. Đương nhiên chúng ta chia sẻ khó khăn của DN nhưng trong lúc này vai trò của Nhà nước phải đưa lên hàng đầu. Nếu còn khó khăn nữa thì chúng ta cũng phải nghĩ tới tạm trữ quốc gia, có thể nó không phải quá lớn để làm việc này, mà tại thời điểm này, nhưng ít ra nó cũng là một sự đối trọng của việc tạm trữ".
“Nếu không nói được các DN Nhà nước thì tôi nghĩ cần phải có những biện pháp mạnh hơn” – ông Hải nhấn mạnh.
Câu chuyện trước mắt, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, phải giải quyết như thế nào với giá gạo đang xuống; thứ hai, chuỗi từ nông dân đến DN đang có vướng mắc gì cần thao gỡ. Thời điểm sắp tới là giá phân bón, đầu vào lại tăng, nếu như thế nông dân lại không đầu tư sản xuất nữa.
Thời điểm hiện nay, cũng vẫn câu chuyện cung – cầu như mọi năm, nhưng năm nay có đặc biệt là diễn ra trong bối cảnh có dịch covid 19: “Nhu cầu xuất khẩu rất quan trọng để tiêu thụ lúa gạo của Việt Nam. Cầu hiện nay vẫn rất cần dù có bị ảnh hưởng. Do dịch bệnh nên logistics giữa các nước đến các thị trường rõ ràng bị ảnh hưởng (thiếu container, giá vận tải tăng) nên DN không dám ký hợp đồng vì sợ không có lãi phải bỏ hợp đồng.
Người nông dân đang khó khăn về thu hoạch – nhiều tỉnh làm rất chặt, qui định đi mấy người 1 lần được đi thu hoạch. Thứ hai là thương lái – họ rất quan trọng phải đi thu gom lúa nhưng họ gặp khó khăn khi đi thu mua, vận tải nên chắc chắn ảnh hưởng đến giá. Các địa phương nói là tạo điều kiện nhưng thực tế lại làm chặt chẽ quá. Một số đồng chí lãnh đạo địa phương phụ trách lĩnh vực sẽ vênh nhau. Các đồng chí hãy báo cáo với thường vụ, với cấp cao nhất của địa phương đó nhất quán. Chúng ta phải chấp nhận có giao thông thì có tai nạn, có tai nạn thì phải giải quyết. Dịch covid 19 rất nguy hại mà chúng ta phải chung sống. TP HCM có thể hết nhưng có thể bị lại” – ông Hải nói.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng lưu ý các địa phương, DN thu mua lúa gạo không nên dồn hết lên cảng Cát Lái mới đóng container để vừa có nhân lực vừa giảm tải cho địa điểm, diện tích đóng gói container.
Theo báo cáo của Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT tại các tỉnh phía Nam, hiện nay lúa hè thu đã thu hoạch được 702 nghìn ha, thấp hơn cùng kỳ năm trước gần 123,3 nghìn ha; năng suất đạt 57,86 tạ/ha, thấp hơn cùng kỳ năm trước 0,97 tạ/ha; sản lượng 4.059 nghìn tấn, thấp hơn cùng kỳ 793 nghìn tấn.
Trong khi đó, tại ĐBSCL, lúa thu đông đã gieo sạ 365.239 ha, đạt 53,32% so với kế hoạch và ít hơn so với cùng kỳ năm trước 15.557 ha.
Diện tích lúa thu đông xuống giống chậm hơn cùng kỳ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 nên việc thu hoạch lúa hè thu bị chậm lại làm ảnh hưởng đến tiến độ xuống giống lúa thu đông, mặc khác xe vận chuyển giống không lưu thông được qua địa bàn các tỉnh do thực hiện Chỉ thị 16 nên ảnh hưởng đến tiến độ gieo sạ.
Về giá, theo ước tính của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong tuần qua, giá lúa thường tại ruộng giảm bình quân 133 đồng, hiện chỉ còn khoảng 5.000 đồng/kg; giá lúa thường tại kho tăng nhẹ 40 đồng, do di chuyển thu mua giữa các địa phương khó khăn nên nhiều doanh nghiệp đã ngưng mua lúa./.