Virus corona đang thổi bay hàng tỷ USD của các ngân hàng Châu Á

26/02/2020 12:02 GMT+7
Các nhà phân tích Nikkei Asian Review mới đây nhận định các ngân hàng Châu Á có thể mất 2 tỷ USD doanh thu và thậm chí nhiều hơn thế do tác động của dịch virus corona.

Mới đây, các nhà phân tích trong cuộc khảo sát của Nikkei Asian Review dự đoán các ngân hàng lớn của Trung Quốc sẽ mất trung bình 300 triệu USD trong doanh thu do tăng trưởng tín dụng cho vay và tỷ lệ nợ xấu gia tăng. “Nếu tính các nhóm các ngân hàng lớn nhất của Châu Á, tác động có thể phình to gấp 3 lần”. Nhìn chung, các ngân hàng Châu Á đang đứng trước nguy cơ thiệt hại 2 tỷ USD doanh thu do các khoản cho vay hỗ trợ để phục hồi nền kinh tế khỏi dịch virus corona.

S&P Global trước đó nhận định dịch virus corona có thể làm tăng thêm 770 tỷ USD gánh nặng nợ xấu cho các ngân hàng Trung Quốc đại lục. 

Virus corona đang thổi bay hàng tỷ USD của các ngân hàng Châu Á - Ảnh 1.

Nợ xấu trong hệ thống tài chính Trung Quốc tăng mạnh khi Bắc Kinh nới lỏng tín dụng, kích thích nền kinh tế

Các ngân hàng nước ngoài đã bắt đầu dự báo sự sụt giảm doanh thu do dịch virus corona. 

HSBC Holdings, ngân hàng trụ sở Anh Quốc mới đây dự kiến khoản lỗ 200-500 triệu USD, có thể lên tới 600 triệu USD trong kịch bản xấu nhất do nhu cầu tín dụng của người dân trì trệ và nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động vì dịch virus corona, theo bình luận của Giám đốc tài chính Ewen Stevenson.

DBS Group Holdings, ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á có trụ sở tại Singapore cũng ước tính mất 100-150 triệu USD doanh thu do ảnh hưởng từ dịch virus corona. Con số này có thể tăng gấp đôi nếu dịch bệnh kéo dài sang quý II” - Giám đốc điều hành DBS Piyush Gupta cho hay.

Dù chưa lên tiếng về tác động chi tiết của dịch bệnh, các doanh nghiệp ngân hàng Trung Quốc là đối tượng chủ yếu gánh chịu thiệt hại doanh thu sau đợt dịch bệnh bùng phát. Nhưng giới chuyên gia cũng chỉ ra rằng những ngân hàng trên toàn Châu Á nói chung cũng đối mặt với tình trạng suy giảm doanh thu do nhu cầu tín dụng giảm và nguy cơ nợ xấu, phá sản tăng vọt.

Mặc dù các ngân hàng Châu Á được trang bị vốn hóa đầy đủ để chống lại bất kỳ cú sốc kinh tế nào, giới chuyên gia cảnh báo những động thái nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích nền kinh tế tại Trung Quốc có thể phá vỡ nỗ lực giảm bớt gánh nặng nợ 1,5 nghìn tỷ USD của Bắc Kinh. Theo ước tính trung bình của các nhà phân tích Nikkei Asian Review, tăng trưởng GDP quý I của Trung Quốc có thể giảm xuống 3%, mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Đó là lý do Bắc Kinh buộc phải tăng cường các kích thích kinh tế bất chấp nguy cơ gánh nặng nợ tăng vọt.

Trong tháng qua, chính phủ Trung Quốc đã không ngừng bơm tiền vào nền kinh tế và cắt giảm lãi suất cho vay ngắn hạn, trung hạn cũng như lãi suất cơ bản nhằm phục hồi nền kinh tế gần như tê liệt nhiều tuần vì dịch bệnh.

Andrew Sullivan, giám đốc công ty môi giới và đầu tư Pearl Bridge Partners có trụ sở tại Hồng Kông cho biết: "Việc thúc đẩy cho vay tín dụng thông qua cắt giảm lãi suất và bơm thanh khoản có thể khiến hệ thống tài chính Trung Quốc quay cuồng vì nợ xấu. Dịch virus corona sẽ làm tăng nguy cơ vỡ nợ trong nửa đầu năm nay, không nghi ngờ gì. Nhưng những kích thích kinh tế như vậy còn đẩy nguy cơ vỡ nợ lên cao nữa”.

Hệ thống ngân hàng Trung Quốc hiện có quy mô khoảng 41 nghìn tỷ USD, là hệ thống ngân hàng lớn nhất thế giới đồng thời sở hữu khoản nợ xấu khổng lồ không kém. Tính đến đầu năm 2020, nợ quốc gia Trung Quốc đã lên mức gần 310% GDP.

S&P Global ước tính sau hàng loạt động thái nới lỏng chính sách tiền tệ mới đây, tỷ lệ cho vay của các ngân hàng Trung Quốc sẽ tăng từ 7,5% lên 10,5-11%.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục