VKS tiếp tục truy trách nhiệm Công ty Quốc Cường vụ ông Tất Thành Cang
Nguồn tin của PLO xác nhận VKS TP.HCM vừa trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung lần nữa vụ ông Tất Thành Cang (cựu Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM) cùng chín bị can vụ sai phạm gây thất thoát lãng phí xảy ra tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận.
VKS đề nghị CQĐT tiếp tục điều tra xác định chính xác thiệt hại vụ án, xem xét làm rõ trách nhiệm của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai… Thời gian điều tra bổ sung kéo dài hai tháng.
Tháng 12-2021, Cơ quan an ninh điều tra Công an TP.HCM đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, đề nghị truy tố ông Cang cùng chín bị can như kết luận điều tra vụ án hồi giữa tháng 8-2021.
Ông Tất Thành Cang vừa bị tuyên phạt 10 năm tù. Ảnh: H.YẾN
Cụ thể, CQĐT đề nghị VKS truy tố ông Cang, Trần Công Thiện, Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch HĐTV công ty Tân Thuận), Trần Tấn Hải (cựu Phó tổng giám đốc công ty Tân Thuận), Nguyễn Thị Ngọc Bích (cựu kế toán trưởng), Nguyễn Hoàng Việt (cựu kiểm soát viên) Nguyễn Xuân Tùng (cựu Trưởng phòng Kinh doanh tổng hợp) và Phạm Văn Thông (cựu Phó chánh Văn phòng Thành ủy), Huỳnh Phước Long (cựu Trưởng phòng quản lý đầu tư kinh doanh vốn, Văn phòng Thành ủy), Phan Thanh Tân (cựu Phó chánh Văn phòng Thành ủy) cùng về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí theo Điều 219 BLHS.
Theo đó, quá trình điều tra bổ sung, bị can Thông, Tân, Long, Hải và Bích thành khẩn khai báo, thừa nhận sai phạm. Do đó, được xem xét, áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015.
Đáng chú ý, về trách nhiệm các cá nhân tại Công ty CP Quốc Cuờng Gia Lai, CQĐT cho rằng căn cứ để xem xét trách nhiệm của các bị can trong vụ án chủ yếu là việc Công ty Tân Thuận không thực hiện đúng quy định về xây dựng giá dẫn đến giá chuyển nhượng thấp gây thất thoát nguồn vốn của Đảng bộ Thành phố tại công ty.
Mặt khác, không có quy định nào bắt buộc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (là bên nhận chuyển nhượng) phải biết giá của Công ty Tân Thuận được xây dựng đúng hay sai.
Kết quả điều tra và tài liệu chứng cứ trong vụ án đến nay chưa có cơ sở xác định bà Nguyễn Thị Như Loan — Tổng Giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai có sự thông đồng, cấu kết với các cá nhân trong Công ty Tân Thuận để có lợi trong việc ký kết các hợp đồng chuyển nhượng nên không có cơ sở xem xét trách nhiệm đối với bà Loan.
Trước đó, trong kết luận điều tra, CQĐT xác định ông Cang có sai phạm trong chuyển nhượng 32 ha đất ở xã Phước Kiển từ Công ty Tân Thuận cho Công ty c Quốc Cường Gia Lai. Quá trình chuyển nhượng hai dự án khu dân cư Ven sông và Phước Kiển với Công ty Quốc Cường Gia Lai, các bị can gây thất thoát 248 tỉ đồng.
Trong quá trình điều tra, CQĐT làm việc với bà Loan và đi đến kết luận việc Quốc Cường nhận chuyển nhượng phần đất đã đền bù ở dự án khu dân cư Phước Kiển của Công ty Tân Thuận là hoàn toàn đúng quy định pháp luật và không có cơ sở xử lý đối với bà Loan.
Với kết luận lần đó, VKS đã yêu cầu điều tra bổ sung năm vấn đề. Cụ thể là tiếp tục định giá tài sản để xác định chính xác giá trị tài sản của Công ty Tân Thuận tại thời điểm hai công ty Tân Thuận và Quốc Cường ký hủy hợp đồng chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại dự án khu dân cư Phước Kiển vào tháng 5-2018. Thời điểm Công ty Tân Thuận và Quốc Cường ký hợp đồng chuyển nhượng một phần dự án khu dân cư Ven Sông vào tháng 11-2017, thời điểm khởi tố vụ án vào tháng 9-2019. Đây là căn cứ để xác định chính xác tài sản của Nhà nước bị thất thoát tương ứng với các thời điểm trên của dự án trong vụ án.
VKS yêu cầu xác định và kết luận về trách nhiệm của các cá nhân thuộc Công ty Quốc Cường trong vụ án. Đồng thời điều tra, xác định rõ việc thu hồi tài sản bị thất thoát trong vụ án để xác định trách nhiệm dân sự của các cá nhân liên quan đến hậu quả thiệt hại, thất thoát tài sản nhà nước…
Mới đây, trong vụ sai phạm tại SADECO, ông Tất Thành Cang bị TAND TP.HCM phạt 10 năm tù về hành vi bán rẻ 9 triệu cổ phần SADECO cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim gây thất thoát lãng phí cho Nhà nước hơn 669 tỉ đồng.